Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 4 năm 2018 | 10:56

Nhiều sáng kiến phòng bệnh hiệu quả cho cây ăn trái

Nhằm hạn chế các đối tượng dịch bệnh tấn công, bảo vệ cây trồng, ngành chức năng và người dân trên địa bàn huyện Châu Thành (Hậu Giang) đang tích cực chủ động thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để phòng, trừ sinh vật gây hại.

 

anh.jpg
Áp dụng mô hình dùng lưới cước bao trái mít đã giúp ông Tố và nhiều nhà vườn khống chế ruồi vàng hiệu quả. 

 

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Châu Thành là địa phương có thế mạnh về vườn cây ăn trái, với tổng diện tích 10.067ha; trong đó có một số loại cây chủ lực như: chanh (gần 1.000ha), bưởi (1.300ha), mít Thái (gần 1.000ha), cam (gần 3.500ha), xoài (gần 1.000ha), mãng cầu (112ha)… Những loại cây trồng này đã và đang góp phần mang lại nguồn thu nhập cao, giúp không ít nhà vườn nơi đây vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống dư giả.

Tuy nhiên, để có được nguồn thu nhập như mong muốn từ các loại cây trồng trên thì công tác chủ động phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại theo từng loại cây trồng luôn được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. 

Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, cho biết: Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh Hậu Giang, điều kiện thời tiết sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn nên thuận lợi cho một số sinh vật gây hại phát triển trên các loại cây trồng, nhất là vườn cây ăn trái. Trong đó, đáng lo ngại là sâu đục thân, cành và trái (mít, chanh, bưởi) hay đối tượng bù lạch, nhện lông nhung cũng gây hại trên nhiều loại cây trồng khác.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đề ra giải pháp thường xuyên vận động bà con chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Đồng thời, cử cán bộ của phòng và các xã, thị trấn bám sát địa bàn, khi phát hiện nơi nào có sâu, bệnh xuất hiện nhiều sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân về các biện pháp điều trị hiệu quả.

Dùng lưới cước bao trái

Công tác tuyên truyền, vận động của ngành chức năng huyện Châu Thành và các xã, thị trấn đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong phòng trừ sâu, bệnh trên vườn cây ăn trái. Điều đặc biệt là, nhà vườn không chỉ chủ động mà còn có những sáng kiến mới để phòng trị một số đối tượng gây hại.

Điển hình là mô hình sử dụng lưới cước tạo thành túi rồi bao trùm vào trái mít để khống chế ruồi vàng chích làm hư trái. Hiện mít là một trong những cây trồng đang được người dân huyện Châu Thành đặc biệt quan tâm chăm sóc vì cho nguồn thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn Tố, ở ấp Phước Hòa, xã Đông Phước A, chia sẻ: “Tôi đã có hơn 3 năm áp dụng mô hình sử dụng túi lưới cước bao trái mít cho hơn 200 gốc mít Thái của gia đình. Trái mít nào khi được bao lưới thì đều cho thu hoạch tốt. Còn trước đây, để mít ra trái tự nhiên nên có vụ chẳng bán được trái nào cho thương lái do bị ruồi vàng chích làm trái bị xì mủ, xẻ ra thì bên trong bị hư”.

Cũng theo ông Tố, để có được sáng kiến sử dụng lưới cước bao trái mít nhằm khống chế ruồi vàng, nhà vườn nơi đây đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Ban đầu là ý tưởng dùng bao phân trùm lại, tuy có hiệu quả nhưng không cao do không thấy được bệnh để phun thuốc điều trị. Mặt khác, khi thu hoạch lại bị thương lái chê do màu mít không tự nhiên. Rút kinh nghiệm, bà con tiếp tục nghĩ đến dùng lưới cước bao trái mít và cho hiệu quả tốt như hôm nay. Từ vài hộ áp dụng mô hình này thấy có hiệu quả nên truyền tai nhau và giờ hầu hết người trồng mít đều làm theo. Hiện giá thành mỗi chiếc bao lưới này chỉ 5.000 đồng và bà con có thể dùng khoảng 2 năm, nên rất tiện lợi.

Cách vườn mít ông Tố không xa, ông Dương Văn Dễ, cũng áp dụng mô hình này và đang mang lại kết quả tốt cho 4 công (1 công = 1.000m2) mít Thái của gia đình. Ông Dễ thông tin: “Giá mít Thái từ đầu năm tới giờ không dưới 40.000 đồng/kg, bình quân mỗi trái mít đạt 9-10kg (nhỏ nhất 5kg, lớn nhất là 14kg), do đó, mỗi trái mít sẽ cho thu nhập khoảng 400.000 đồng. Chính vì vậy, khi có trái mít nào ra là nhà vườn chăm sóc kỹ, nếu lỡ để bị ruồi vàng chích thì coi như mất tiền nên ai nấy đều tiếc. Sáng kiến này đã giúp nhà vườn chủ động phòng trị ruồi vàng hiệu quả nên rất an tâm sản xuất”.

Ngoài cây mít, hiện mô hình sử dụng các giải pháp, công cụ khác nhau để bao trái cũng đang mang lại hiệu quả tốt trong việc phòng trừ sâu hại trên nhiều loại cây trồng. Bên cạnh đó, khi áp dụng các biện pháp này còn giúp nông dân giảm số lần phun thuốc hóa học nên hạ giá thành sản xuất, thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm sạch cho cộng đồng.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, hiện tỷ lệ người dân sử dụng biện pháp bao trái trên mít đạt gần như 100%, còn trên xoài từ 70-80% và trên bưởi khoảng 30%. Từ những lợi ích của mô hình bao trái mang lại, tới đây, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành sẽ tiếp tục vận động người dân áp dụng, nhất là nâng tỷ lệ ở xoài và bưởi.

Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, cho biết thêm: Thời gian qua, tuy tình hình sinh vật gây hại có xuất hiện trên nhiều loại cây trồng tại địa phương nhưng nhờ công tác khuyến nông của ngành, cán bộ bám sát địa bàn và người dân chủ động nhiều biện pháp phòng trị nên các loại bệnh đều được khống chế kịp thời, tỷ lệ ảnh hưởng thấp, từ đó đảm bảo năng suất và chất lượng từng mặt hàng khi bán ra thị trường. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà vườn chủ quan và cần thực hiện tốt các giải pháp trong quản lý dịch hại như thời gian qua.

“Ngành nông nghiệp huyện  khuyến cáo bà con phải thường xuyên thăm vườn, khi cây vừa ra đọt non phải quản lý tốt từng đối tượng gây hại với từng cây trồng như: rầy chổng cánh truyền vi khuẩn gây bệnh vàng lá gân xanh cam sành, nhện lông nhung gây bệnh chổi rồng trên nhãn… Ngoài ra, nhà vườn cũng nên thường xuyên vệ sinh vườn, cắt bỏ những trái bị sâu hại đem ra khỏi vườn và phun thuốc trừ sâu non tuổi 1 -  2 theo nguyên tắc “4 đúng””, ông  Đức cho hay.

 

 

Hữu Phước
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top