Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn xã Nam Sơn (Ba Chẽ - Quảng Ninh) đã có những thay đổi tích cực. Hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ, y tế, giáo dục được quan tâm, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ theo phương pháp làm giàn của người dân xã Nam Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.
Là xã thuộc một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh, nên khi bắt tay vào triển khai Chương trình XDNTM, Nam Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực bằng các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện, sự nỗ lực, cố gắng và đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến tháng 12/2016, Nam Sơn đã đạt 12/19 tiêu chí, 31/39 chỉ tiêu NTM, tăng 3 tiêu chí và 5 chỉ tiêu so với năm 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Vi Thanh Vinh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM xã Nam Sơn, cho biết: Bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua Chương trình 135, nguồn vốn đầu tư của Chương trình XDNTM và vốn huy động từ công tác xã hội hoá…, xã đã phát triển được một hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ. Mạng lưới đường trục xã, liên xã, liên thôn, xóm từng bước được cứng hoá hoặc bê-tông hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Các tiêu chí y tế, bưu điện, điện, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá, văn hoá, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đều đạt theo chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM. Đặc biệt ở Nam Sơn đã bắt đầu hình thành những hình thức tổ chức sản xuất dưới các mô hình kinh tế đa dạng như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh thanh long, công ty cổ phần chế biến lâm sản, công ty lâm nghiệp, công ty tư nhân…; đồng thời xã tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Nam Sơn để giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, Nam Sơn đã xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh với hơn 80% số thôn, bản đều đạt chuẩn thôn văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh - trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Về hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, ông Vi Thanh Vinh cho biết: “Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã Nam Sơn luôn xác định mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lâm - nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực địa phương. Chính vì vậy, xã đang có những bước đi khá vững chắc trên con đường xoá đói giảm nghèo. Cụ thể, với thế mạnh là sản xuất nông, lâm nghiệp, xã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, quy hoạch vùng sản xuất; thực hiện tốt trồng rừng đi đôi với công tác quản lý bảo vệ rừng, hoàn thành việc giao bổ sung đất rừng cho nhân dân khai thác triệt để quỹ đất hiện có, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cây trồng. Hiện, Nam Sơn đang tạo điều kiện và khuyến khích người dân tăng cường chế biến sâu các sản phẩm từ cây lâm nghiệp như keo, quế, sa mộc, tre nguyên liệu giấy, cũng như những sản phẩm nông, lâm nghiệp khác để nâng cao giá trị kinh tế, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương. Đặc biệt, xã khuyến khích người dân tập trung mở rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt, dê, lợn, gà, ngan thịt thương phẩm; chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã (nhím, lợn rừng) gắn với sản xuất hàng hoá; nhất là mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, giống cây quả ngon rất hợp với thổ nhưỡng Nam Sơn.
Song song với đó, xã cũng khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt khu trung tâm hành chính xã, trung tâm các thôn, khu di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà để tăng cường hơn nữa hoạt động giao thương hàng hoá của người dân, đồng thời tăng cường quản lý, quy hoạch xây dựng theo hướng chuẩn hoá của Bộ Xây dựng.
Để hoàn thành 19 tiêu chí NTM, Nam Sơn còn nhiều việc phải làm, trong đó, vấn đề mấu chốt là nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, có như thế thì công tác xã hội hoá trong XDNTM mới đạt hiệu quả, hạn chế phụ thuộc vào nguồn kinh phí của Nhà nước.
Nhìn những con đường trải bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà mới mọc lên, trường học từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, những cánh rừng xanh ngát, hoà nhịp cùng không khí hăng say lao động sản xuất của nông dân, tiếng ê a học bài của con trẻ…, có thể khẳng định, Nam Sơn đã thực sự đổi thay.
Thuỷ – Nghĩa
Nhân kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 - 28/11/2024), chiều 27/11, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và tặng quà các nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến đấu bảo vệ bến, bảo vệ tàu và vận chuyển vũ khí từ Tàu Không số - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.