Ông Nguyễn Văn Khuê, em trai Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Như Thanh (Thanh Hóa), xây dựng không phép công trình nhà ở kiên cố, đồ sộ trên đất lúa, khiến dư luận địa phương bức xúc…
Người dân thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận (huyện Như Thanh) phản ánh việc ông Nguyễn Văn Khuê, xây dựng không phép công trình nhà ở kiên cố, đồ sộ và các công trình phụ trợ khác trên đất lúa. Mặc dù ông Khuê xây dựng công trình này giữa thanh thiên bạch nhật và chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 400m, nhưng trong thời gian kế từ khi ông Khuê khởi công cho đến hoàn thành hơn 2 năm, chính quyền lại không hề hay biết (?!).
Sau khi nhận được phản ánh trên của người dân, PV Báo Kinh tế nông thôn đã về địa phương này để xác minh thực hư thông tin…
Quan sát thực tế thấy, công trình nhà ở của ông Khuê nằm trên cánh đồng lúa ở thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận. Ngoài căn nhà 3 tầng kiên cố, còn có nhà chòi, sân vườn và bao quanh khuôn viên là tường rào như một thành lũy vững chắc. Bởi thế, người dân nơi đây gọi công trình nhà ở này là “biệt phủ” của ông Khuê.
Qua xác minh thông tin, PV được biết: Sau khi mua đất lúa của 3 hộ dân liền kề ở thôn Thanh Sơn, với diện tích 1.178m2, thì vào khoảng tháng 9/2010, ông Khuê tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng các hạng mục như tường rào bao quanh, đào ao thả cá, trồng cây lâu năm trên toàn bộ khu đất này. Điều đáng nói, tuy ông Khuê tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng tường rào kiên cố trên đất lúa, nhưng chính quyền lại không ngăn chặn, xử lý (?!).
Được đà, đến ngày 6/8/2015 (âm lịch), ông Khuê tiến hành khởi công xây dựng công trình nhà ở kiên cố là căn nhà 3 tầng đồ sộ, nhưng không xin cấp phép xây dựng. Theo đó, sau 2 năm thi công, đến ngày 10/10/2017 (âm lịch), ông Khuê đã hoàn thành công trình nhà ở và các hạng mục công trình phụ trợ khác ngay trên đất lúa. Mặc dù, vào thời điểm đó, đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn vẫn buộc phải có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền theo quy định.
Sự việc này đã và đang khiến người dân địa phương không chỉ bức xúc, mà còn băn khoăn đặt nghi vấn: Tại sao ông Khuê xây dựng không phép một công trình đồ sồ, nguy nga trên đất lúa như thế, mà chính quyền lại không hề hay biết. Dù rằng, vị trí mà ông Khuê tiến hành xây dựng công trình “biệt phủ” của mình chỉ cách công sở UBND xã Phú Nhuận khoảng 400m (?!). Phải chăng, sở dĩ ông Khuê làm được như vậy là vì ông ấy có chị gái đang giữ chức vụ Trường phòng Tài chính – Kế hoạch của huyện (?). Thử hỏi, một người dân bình thường thì có làm được như ông Khuê hay không (?).
Trước băn khoăn, nghi vấn của dư luận, trao đổi với PV, ông Dương Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, thừa nhận: “Phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng. Vào ngày 29/1/2019, xã đã có báo cáo gửi Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Như Thanh, để giải trình về việc ông Khuê xây dựng không phép công trình nhà ở và các công trình phụ trợ khác trên đất lúa, với diện tích 1.178m2. Trong báo cáo này, chúng tôi đã khẳng định: Vi phạm của hộ ông Nguyễn Văn Khuê thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chủ tịch UBND xã và sự tham mưu, thực hiện của cán bộ chuyên môn thuộc lĩnh vực Địa chính - Xây dựng ở các thời kỳ, thời điểm khác nhau. Qua đó, chúng tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể lãnh đạo đối với những sai sót, khuyết điểm nêu trên”.
Nhìn nhận về sự việc trên, ông Đinh Xuân Hướng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, khẳng định: “Sau khi nhận được đơn phản ánh của nhân dân, trong một cuộc họp giao ban tháng của huyện, chúng tôi đã giao cho Thanh tra và Phòng TN&MT của huyện tiến hành xác minh, làm rõ. Đồng thời, huyện cũng đã nhận được báo cáo giải trình sự việc của UBND xã Phú Nhuận. Qua đó thấy, việc làm của ông Khuê như vậy là sai. Chiếu theo quy định thì buộc phải phá dỡ công trình. Sau khi có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý sự việc và xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể UBND xã Phú Nhuận. Đúng thực, ông Khuê là em của bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch của huyện”.
Mong rằng, sự việc nêu trên sẽ sớm được cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định, để người dân địa phương không còn nghi hoặc có sự “bao che” cho ông Khuê xây dựng công trình nhà ở trái phép trên đất lúa.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục theo dõi sự và thông tin kịp thời tới bạn đọc về sự việc trên.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.