Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 6 năm 2021 | 21:46

Nhức nhối “nạn” sách giả

Nạn sách giả, sách lậu luôn làm đau đầu nhiều nhà xuất bản, các đơn vị phát hành và chính các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong một thời gian ngắn tại TP. Hà Nội phát hiện nhiều vụ sách giả số lượng lớn. Tuy nhiên, chế tài xử lý được cho là còn quá nhẹ.

Phá đường dây sản xuất 3 triệu cuốn sách giả

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công đường dây tội phạm có tổ chức quy mô lớn chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa tại Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội) để tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.

Bước đầu cơ quan chức năng đã thu giữ, niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu, phương tiện phạm tội của các đối tượng gồm: 3 dây chuyền máy in offset 4 màu và các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách... Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ hàng triệu cuốn sách giáo khoa thành phẩm giả, nhiều phương tiện, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giả…

Đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, các đối tượng đã sản xuất, tiêu thụ khoảng 3 triệu cuốn sách giả, lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỉ đồng.

 

 Lực lượng chức năng đột kích một kho bãi của đường dây sản xuất sách giáo khoa giả.

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSKT cho biết, đây là vụ in sách giáo khoa giả tinh vi và quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả này được CBCS Cục CSKT phát hiện từ 1 năm trước, nhưng do thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, hoạt động riêng rẽ từng khâu từ nhập giấy, đến in ấn, cắt xén, đóng gói, dán tem giả… rồi phát hành tiêu thụ nên việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn.

Để sản phẩm trông giống như thật, các đối tượng còn có cả tem giả. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, chúng tự phân công mỗi 1 khâu là 1 doanh nghiệp điều hành với quy mô hiện đại, chặt chẽ. Sau khi in, chúng chuyển đi đóng sách, đóng bìa ở những khu vực khác nhau, có hệ thống vận tải, tiêu thụ riêng biệt nên rất khó xâm nhập vào. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, các đối tượng thuê kho ở khu vực kín đáo để tránh bị phát hiện.

Ngày 19/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệu tập hơn 10 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả trên để làm rõ hành vi phạm tội.

Bắt nhiều vụ sách giả số lượng lớn

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt nhiều vụ sách giả quy mô lớn, trong đó nhiều vụ tập trung trên địa bàn TP. Hà Nội. Qua đây cho thấy nạn sách giả, sách lậu vẫn là vấn đề còn rất nhức nhối.

Ngày 8/4, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng có liên quan tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại bao bì Quang Minh, ở phường  Bồ Đề, Long Biên, tổ công tác phát hiện và thu giữ hơn 3 đầu sách với số lượng khoảng 100.000 cuốn sách giả gồm: vở bài tập toán lớp 9, tập 1, tập 2; vở bài tập giáo dục công dân 7 tập 1 và 650 kg bán thành phẩm (vở bài tập giáo dục công dân 7 tập 1.

 Hiện trường gia công in lậu 100.000 cuốn sách giả.

 

Làm việc với cơ quan chức năng, công ty chưa xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan điều kiện hoạt động, gia công in ấn xuất bản phẩm và hồ sơ, tài liệu cũng như chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo lực lượng chức năng, hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, với nhiều thủ đoạn đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng như: dán tem nhái, tem chống giả của các NXB, trộn lẫn sách giả vào sách thật, mua một ít sách thật lấy hoá đơn xuất trình khi bị kiểm tra...

Trước đó, ngày 8/1/2021, Công an TP Hà Nội đã phối hợp tiến hành kiểm tra ngôi nhà số 3, ngõ 89 Ngô Thì Sỹ và kho thuê ở Nhà văn hóa tổ dân phố 9 thuộc phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Tại đây cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 50 đầu sách với số lượng khoảng 40.000 cuốn sách giả thuộc các công ty phát hành sách nổi tiếng như: First News - Trí Việt, Alpha Books, NXB Trẻ, Nhã Nam…

Ước tính toàn bộ số tang vật khoảng gần 15 tấn nên phải dùng đến 4 xe tải lớn để vận chuyển. Điều hành và quản lý 2 địa điểm này là bà Nguyễn Thị Khoái (SN 1971), quê ở Thanh Oai, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, bà Khoái không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan điều kiện hoạt động, gia công in ấn xuất bản phẩm và hồ sơ, tài liệu cũng như chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

 

 Kho sách giả lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện.

 

Trước đó, ngày 18/09/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) kiểm tra một cơ sở in tại đường Nhuệ Giang, quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) phát hiện gần 60.000 bộ sách giáo khoa giả các nhà xuất bản nổi tiếng trong nước, thế giới và gần 4 tấn bản in. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc in ấn, phát hành lô sách giả nói trên. Ngay sau đó, toàn bộ sô sách giả, bản in bị lực lượng quản lý thị trường tạm giữ để xử lý theo quy định.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh

Sách giả là điểm nóng nhức nhối nhiều năm qua của ngành xuất bản, gây thiệt hại lớn cho người làm sách và tác giả. Sách giả thường được để giá cao hơn sách thật từ 30 - 50%, sau đó quảng cáo giảm giá mạnh để thu hút và đánh lừa bạn đọc. Sách này thường được được đánh máy, scan, dẫn đến tình trạng in nhầm trang, sai lỗi chính tả, chữ bị in nhòe…

Tuy nhiên, khi quảng cáo sách giả, các cơ sở thường quảng bá hình ảnh sách thật khiến phần lớn bạn đọc không thể phân biệt. Hoạt động sản xuất sách, kinh doanh sách lậu, sách giả nhiều năm qua đã khiến các đơn bị xuất bản chân chính phải chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu, còn độc giả phải chịu thiệt thòi khi bỏ tiền thật ra mua sách giả.

 

 Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ tang vật có số lượng lên đến 40 ngàn cuốn sách.

 

Với nạn sách giả, sách lậu, nhiều NXB tìm cách đầu tư cho dòng sách cao cấp, khó bị làm giả, như ấn bản đặc biệt, bìa cứng, in nổi… Hoặc làm sách tương tác, với nhiều chức năng trong từng trang sách được thiết kế cầu kỳ, phổ biến nhất là các ấn phẩm dành cho thiếu nhi… Kết hợp sách với công nghệ cũng là một trong những cách làm được lựa chọn để ngăn chặn sách giả. Tuy nhiên, làm theo cách này giá thành tương đối cao, không phù hợp số đông bạn đọc hoặc với độc giả ở những vùng chưa có điều kiện như nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Chế tài nhẹ, lâu xử lý là những điều khiến nhiều NXB, công ty sách còn ngần ngại khi muốn nhờ cậy đến cơ quan chức năng. Chị Đặng Trầm, Giám đốc thương hiệu sách STYLORY của AZ Books cho biết, với sách lậu, khi chúng tôi phát hiện ra và báo với cơ quan chức năng, thì thời gian xử lý thường rất lâu, và nhiều nhất phía làm sách lậu chỉ bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, không thấm vào đâu so với lợi nhuận họ thu được từ làm giả sách của chúng tôi.

Thực tế, tại điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về hành vi Vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm, mức phạt nặng nhất dành cho hành vi Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 100 bản đến dưới 300 bản chỉ là 20 triệu đồng.

Còn hành vi tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản, mức phạt cao nhất cũng chỉ là 3 triệu đồng. Ngay cả Công ty cổ phần Hoàng Biz bày bán sách giả tại Hội chợ sách xuyên Việt 2020 cũng chỉ bị phạt cao nhất tổng cộng là 14 triệu đồng.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top