Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 12 năm 2017 | 1:56

Bưởi Tràng Xá đã có thương hiệu

Sau gần 20 năm miệt mài trồng và xây dựng thương hiệu, sản phẩm bưởi của Hội Làm vườn (HLV) xã Tràng Xá (Võ Nhai - Thái Nguyên) đã được cấp chứng nhận VietGAP. Người dân rất vui, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm như: giữ vững thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm thêm bạn hàng. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức của Tràng Xá, nơi có 200ha bưởi/500 hộ tham gia trồng.

Chủ tịch HLV xã Tràng Xá  Chu Thanh Phong bên vườn bưởi vừa được cấp chứng chỉ VietGAP.

Hội viên đồng tình cao

Ông Hoàng Văn Hãn, hội viên HLV xã Tràng Xá, cho biết, cũng mảnh đất 1,5ha này, trước đây ông thử nghiệm trồng nhãn, vải và hồng không hạt, nhưng không có hiệu quả. Năm 2011, HLV Thái Nguyên hỗ trợ 2.000 cây giống bưởi Diễn cho 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến. Ông Hãn được hỗ trợ 300 - 400cây, đến nay, số bưởi này đã cho quả. Sau đó, ông trồng thêm bưởi da xanh, bưởi Hoàng Trạch (giống mua ở Hưng Yên), không biết xuất xứ từ đâu, nhưng loại bưởi này gần giống như bưởi Diễn, cả về “tính nết” và chất lượng. Bưởi da xanh, không hiểu sao rất thích hợp ở Tràng Xá, dễ trồng, chất lượng tốt, được thương lái lựa chọn, giá bán lại cao, 50.000 đồng/quả, trong khi bưởi Diễn chỉ 25.000 đồng/quả, Hoàng Trạch 28.000- 30.000 đồng/quả  nên bà con đang tích cực mở rộng diện tích loại bưởi này. Hiện, ông Hãn đã có 450 cây bưởi cho quả vụ đầu tiên, được cấp chứng nhận VietGAP tháng 11/2017, bước đầu ông ­­­thu được trên 120 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Hãn vẫn còn trên 600 cây bưởi nữa, đang phấn đấu để đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2018 và những năm tiếp theo. Do thu nhập từ bưởi cao, thời gian tới, ông sẽ mở rộng diện tích bưởi da xanh thêm 1ha nữa.           

Ông Chu Thanh Phong, Chủ tịch HLV xã Tràng Xá, cho biết,  năm 2000, gia đình ông có cửa hàng buôn bán nhỏ, đủ để cả nhà bận rộn. Năm 2009, HLV xã Tràng Xá thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch Hội; năm 2011, HLV tỉnh Thái Nguyên phát động phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng bưởi; ông là Chủ tịch Hội, nên đi tiên phong và kêu gọi bà con cùng hưởng ứng. Lúc đó, ông đã chuyển đổi 1,2ha sang trồng bưởi Diễn,  bưởi da xanh, HLV Thái Nguyên cử cán bộ chuyên môn về hướng dẫn. Theo đó, phải đào hố sâu 60cm, mỗi năm bón 2 lần các loại phân đạm, lân, kali, trước khi bón phân vô cơ phải bón lót phân chuồng ủ hoai. Thường xuyên theo dõi, nếu có sâu mới được phun thuốc (không phun định kỳ như trước đây, dù có sâu hay không đều phun). Nhìn chung, trồng bưởi không khó lắm, chỉ cần không hạn, không úng quá, đất vừa phải, cộng với việc chăm sóc kỹ càng là bưởi phát triển tốt.  

Được biết, vụ bưởi đầu tiên, năm 2017, ông Phong đã có 50 cây cho quả, lãi ròng 25 triệu đồng. Ngoài ra, ông vẫn còn 450 cây chưa ra quả, đang tiếp tục chăm bón để đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2018.  Cũng như bà con Tràng Xá, thời gian tới, ông Phong sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh, dự kiến còn khoảng 100 cây nữa. Hiện, chưa biết vì sao loại bưởi này lại thích hợp với đất Tràng Xá, nhưng thực  tế cho thấy, 1 cây bưởi da xanh 6 năm tuổi có thể cho 55 - 65quả, có quả nặng tới 1,8kg. Điều đáng nói là, nếu như trước đây, ông và bà con trong xã phải sang Hưng Yên mua cây giống, thì nay Võ Nhai đã tự cung cấp được bưởi giống.    

Cán bộ nào, phong trào ấy…

Ô­­­ng Phong còn cho biết, HLV Tràng Xá có gần 500 hội viên, trong số đó có 250 hội viên tham gia trồng bưởi VietGAP. Ngoài diện tích đã trồng 200ha, vẫn có thể mở rộng thêm. Nhưng trước mắt, khi vừa xây dựng thương hiệu xong, Tràng Xá vừa tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, để đảm bảo uy tín với khách hàng và xúc tiến thương mại. Từ đầu năm đến nay, HLV Thái Nguyên đã tổ chức 2 lớp học về quy trình chăm sóc, bón phân hữu cơ vi sinh cho bưởi, với 120 người tham gia. Năm nào nhiều sâu bệnh thì tập huấn 3- 4 lần, với các nội dung không bón phân tươi vào gốc, phun thuốc phải cách ly thời gian thu hoạch. Gia súc, gia cầm phải nuôi nhốt, không chăn thả bừa bãi trong vườn bưởi, tránh việc xả phân tươi ra vườn. Trong khuôn viên 1ha, hoặc 2.000 -3.000m2 phải đặt 1 thùng rác để bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Những hộ đã được cấp chứng nhận VietGAP, trong nhà phải có tủ thuốc gia đình để chăm sóc sức khỏe cho cả nhà và người trực tiếp sản xuất, thu hoạch bưởi.     

Đúng là “cán bộ nào, phong trào ấy”, mặc dù Tràng Xá mới có 5ha/200ha bưởi đạt chuẩn VietGAP nhưng đây là điều rất đáng trân trọng vì từ Chủ tịch Hội đến hội viên đều nỗ lực không ngừng. Mặt khác, đây còn là “điểm sáng” trong mô hình trồng bưởi VietGAP của Thái Nguyên, vì cả tỉnh mới có 7ha bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP (2ha còn lại ở huyện Phú Bình). Ngoài việc tập trung cho vườn bưởi, hàng năm,  HLV Tràng Xá còn tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi các địa phương bạn như: thăm mô hình cây dược liệu ở Bắc Giang, khu nuôi trùn quế và trồng dưa lưới chất lượng cao huyện Phú Lương…Vận động nông dân tham gia tổ chức Hội để cùng nhau cải tạo và làm vườn, phấn đấu có 50 - 70% hội viên giàu có từ vườn; năm 2017 đã kết nạp được 30 hội viên. Dự định, nhiệm kỳ 2018 – 2023, sẽ kêu gọi hội viên đóng góp quỹ Hội, dự kiến 100.000 đồng/người để tham quan, học tập mô hình và cho hội viên vay vốn thoát nghèo.     

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Làm vườn Thái Nguyên, bà Đào Thị Dung, cho biết: “Từ trước đến nay, bà con Tràng Xá trồng bưởi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa sản xuất theo quy trình khép kín. Vì vậy, đã bị nhiều loại bệnh, côn trùng gây hại. Sản phẩm sau khi thu hái chưa biết cách bảo quản, dẫn đến năng suất, chất lượng chưa cao. Để việc phát triển cây bưởi bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, trong nhiều năm liền HLV Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp, xây dựng và áp dụng thành công tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cây bưởi tại Tràng Xá. Sau gần 20 năm miệt mài với cây bưởi, cùng hàng trăm lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, bón phân cho cây bưởi, đến nay, Tràng Xá đã gặt hái được khá nhiều thành công. Dự kiến, năm 2018, 10ha sẽ được cấp chứng nhận VietGAP. Song, cái được lớn nhất là, người dân đã có thói quen thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất cây ăn trái”.

Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều việc phải làm, đó là giữ vững danh hiệu ở những diện tích đạt VietGAP, là mở rộng diện tích VietGAP, là xây dựng thương hiệu để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ,...

Dương An Như

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top