Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 7 năm 2016 | 2:8

Những chiến sĩ thời bình

Phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới, những năm qua, nhiều cựu chiến binh  đã vượt qua khó khăn, tích cực làm giàu, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đồng thời giúp đỡ đồng đội cùng vươn lên thoát nghèo.

Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ

Ai đã từng đặt chân đến khu đồng Trũng thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội) thời nghèo đói thì giờ  không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay ở nơi đây. Bởi, khu đất khó canh tác này đã mọc lên những trang trại san sát, mở ra hướng đi mới về phát triển kinh tế trên vùng quê nghèo.

Cựu chiến binh Đặng Đình Đáo đang sở hữu 5 trang trại gà sạch kết hợp với Công ty CP Group.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, xã Ngọc Hòa tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên các khu đồng trũng, xa khu dân cư.

Nắm bắt được chủ trương này, với bản chất truyền thống của người lính bộ đội cụ Hồ, dám nghĩ, dám làm, cựu chiến binh Đặng Đình Đáo đã mạnh dạn nhận toàn bộ ruộng về khu đồng trũng làm trang trại VAC với khoảng trên 5ha.

Hiện, ông Đáo đang sở hữu 5 trang trại gà, mỗi trang trại nuôi 10.000 con. Tất cả vừa được xuất chuồng, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng và giờ ông đang nuôi lứa tiếp theo.

Ông cho biết: “Xuất ngũ trở về địa phương, tham gia Hội Cựu chiến binh, chúng tôi tiếp tục kết hợp với nhau bàn về phương pháp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Điều may mắn là, thời điểm này đúng dịp chủ trương của Đảng và Nhà nước về dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Nhận thấy đây là hướng làm giàu, chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi để làm trang trại. Trước đó, bản thân tôi cũng đã đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, được các cấp lãnh đạo giúp đỡ nên việc chăn nuôi gà sạch cho Công ty CP Group của các gia trại bước đầu khá ổn định. Điều này tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển kinh tế gia đình”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cửu Nhường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngọc Hòa, cho biết: “Ở xã Ngọc Hòa hiện có hơn 10 trang trại gà và trang trại lợn do cựu chiến binh làm chủ. Các đồng chí đều phát huy bản chất truyền thống, ý chí của người lính, bản thân đã và đang làm giàu trên chính quê hương, giúp con cháu tránh xa tệ nạn xã hội”.

Thích ứng mọi hoàn cảnh

Người dân xã Văn Lợi (Quỳ Hợp - Nghệ An) không ai không biết cựu chiến binh Võ Văn Thứ, người luôn phát huy tốt truyền thống của anh bộ đội Cụ Hồ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất vươn lên trở thành gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã.

Cựu chiến binh Võ Văn Thứ, người tiên phong đưa thanh long ruột đỏ về địa phương. Trong ảnh: Ông Thứ bên cây thanh long ruột đỏ cho trái bói.

Năm 1978, ông Võ Văn Thứ lên đường nhập ngũ, chiến đấu chống lũ Pôn Pốt giúp nước bạn Campuchia. Trong một lần làm nhiệm vụ cảnh giới, ông bị thương và trở thành thương binh hạng 4/4.

Rời chiến trường trở về, ông luôn trăn trở tìm cách để thoát nghèo. Trước đây gia đình ông chủ yếu là trồng ngô, lạc, nhưng trừ chi phí, thu nhập chẳng được là bao. Khi có nhà máy đường về phát triển vùng nguyên liệu, từ đó đến nay gia đình ông luôn trồng 2ha mía. Bình quân mỗi năm sản lượng mía cây đạt từ 120 đến 150 tấn. Doanh thu đạt trên dưới 120 triệu đồng. Tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và trồng thêm 8 sào cỏ voi, gia đình ông Thứ đầu tư  vào  nuôi bò nhốt, dê đàn, trâu kéo để tăng nguồn thu nhập.

Để mở hướng làm giàu, năm 2014, sau khi tìm hiểu các địa phương lân cận, gia đình ông Thứ mạnh dạn chuyển đổi  1ha trồng cây kém hiệu quả sang trồng cam để có thu nhập cao hơn. Sau hơn 2 năm chăm sóc, đến nay, cam đang phát triển khá tốt, hứa hẹn đem về nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông trong những năm tới. Ngoài ra, ông thứ còn trồng 50 gốc thanh long ruột đỏ, đến nay đã cho thu hoạch quả.

Ông chia sẻ: “Từ trước đến giờ chủ yếu là làm mía bán cho nhà máy đường. Hiện gia đình phát triển cây cam với diện tích 1ha, mới trồng được hơn 2 năm. Hiện cây mới có quả bói, khả năng thu nhập cao hơn trồng mía nên đa số các gia đình hướng lâu dài sẽ trồng cam. Ngoài ra, chúng tôi chăn nuôi bò nhốt, tiếp tục đầu tư phát triển trồng cam, quýt để có thu nhập cao hơn”.

Ông Phạm Xuân Trường, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm Xuân Lợi, xã Văn Lợi,cho biết: “Chi hội xóm Xuân Lợi có 13 đồng chí. Từ khi xuất ngũ về địa phương, anh em trong toàn chi hội làm tốt các mô hình, nhất là vấn đề sản xuất có hiệu quả cao. Tiêu biểu là đồng chí Võ Văn Thứ, người áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ cây trồng cho đến chăn nuôi đều đi đầu bước trước, có thu nhập cao. Con cái đều thành đạt. Chi hội lấy đó làm gương để nhân ra diện rộng”.

Mặt trận nào cũng chiến thắng

Trở về cuộc sống đời thường khi một phần cơ thể đã nằm lại chiến trường, thương binh hạng 4/4 Hoàng Văn Đoản ở thôn Hin Lạn B, xã Lâm Thượng (Lục Yên – Yên Bái) đã chống chọi với bệnh tật, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho gia đình và xã hội.

Thương binh Hoàng Văn Đoản là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi.

Sinh năm 1959, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1977, ông Đoản nhập ngũ tại C3-D7-Trung đoàn 66-Sư đoàn 10- Quân đoàn 3, đóng quân tại Tây Ninh với nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc. Năm 1978, trong một trận đánh chống quân xâm lược ông bị thương và được xuất ngũ. Khi trở về quê, thương bố mẹ, các em còn nhỏ, ở vùng quê nghèo, kinh tế gia đình lại khó khăn, không vốn liếng, không nghề nghiệp, chỉ phụ thuộc vào vài sào ruộng, vợ chồng ông bắt đầu vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Với bản chất của người lính, không cam chịu đói nghèo, “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Hoàng Văn Đoản đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình theo hướng nông - lâm nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp dần ông phát triển theo hướng hàng hóa cho thu nhập ổn định.

Ban đầu không có nhiều vốn, ông Đoản thực hiện phương thức lấy ngắn nuôi dài như trồng sắn, ngô trên diện tích đất đồi, nuôi trâu sinh sản, sau khi có điều kiện ông mạnh dạn mở rộng quy mô, diện tích, tiến hành trồng măng mai, xây dựng ao thả cá… Qua nhiều năm chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó mở rộng mô hình, đến nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Đoản thu về hàng trăm triệu đồng.

 Ông Hoàng Văn Đoản tâm sự: “Bản thân tôi là thương binh, sống ở vùng khó khăn nên luôn luôn học hỏi kinh nghiệm của đồng đội để phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định và xây dựng mô hình kinh tế vững chắc lâu dài”.

Hiện nay, thu nhập chính của gia đình thương binh Hoàng Văn Đoản là từ trồng ngô, măng mai, nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi trâu sinh sản. Đối với trồng trọt, cây ngô được ông chọn từ nhiều năm nay, mỗi vụ trồng khoảng 3ha, thu về 3 tấn, 1 năm 2 vụ cho thu khoảng 40 triệu đồng. Mấy năm trở lại đây, thực hiện theo chủ trương của huyện, xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Đoản tiến hành trồng măng mai với trên 300 gốc, hiện nay có khoảng 200 gốc đang cho thu hoạch, mỗi một vụ thu hoạch 10 tấn bán tươi được 50 - 60 triệu đồng. Trong chăn nuôi, ông luôn quan niệm  nuôi trâu phù hợp với điều kiện gia đình, từ một con làm giống, sau mấy năm số lượng đàn trâu lên đến 4 con, mỗi năm cho bán một lần được khoảng 20-30 triệu đồng/con. Tận dụng nguồn nước tự nhiên trong núi gần nhà, ông Đoản đầu tư xây dựng hệ thống ao kiên cố với các loại cá như: trắm, chép, bỗng, rô phi…, vừa phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống gia đình, vừa là nguồn thu nhập đáng kể.

Với  ý chí, nghị lực của người thương binh tàn nhưng không phế, mỗi năm từ chăn nuôi và trồng trọt mà ông Hoàng Văn Đoản trở thành tấm gương  thương binh tiêu biểu trong chi hội về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bản thân và gia đình ông luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương, tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo của địa phương. Là hội viên CCB Chi Hội thôn Hin Lạn, ông Đoản luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Văn Cói, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lâm Thượng khẳng định: “Thời gian qua, xã có nhiều tấm gương  cựu chiến binh tiêu biểu. Thương binh Hoàng Văn Đoản là điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới hội viên cùng học hỏi và làm theo ông”.

Nam - Hường – Điệp

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top