Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 10 năm 2017 | 12:26

Những hội viên dân tộc Tày, Nùng làm kinh tế giỏi

Những năm gần đây, Hội Làm vườn (HLV) huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) nổi bật với mô hình trồng hồng vành khuyên, không chỉ mang lại thu nhập cao cho hội viên mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Điều đáng nói, những hộ trồng hồng vành khuyên giỏi đều là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Bà con đã giúp nhau tăng gia sản xuất, mở ra hướng thoát nghèo, cùng làm giàu.

Hội viên HLV Văn Lãng làm cỏ cho hồng vành khuyên bằng máy xén cỏ.

Cây xóa nghèo, làm giàu         

Ông Hoàng Hiến Đại, dân tộc Tày, ở thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt, cho biết, gia đình ông có trên 4ha hồng, tương đương 1.000 cây, hiện 800 cây đã cho quả, cây lâu năm nhất được trồng cách đây 22 năm. Dự kiến, mùa hồng năm nay, gia đình ông thu hoạch 6- 7 tấn, giá bán tại vườn 18.000 - 22.000 đồng/kg. Để tăng diện tích, mỗi năm ông Đại trồng mới khoảng 200 - 300 cây; năm 2017, do trồng mới trên đồi cao, độ dốc lớn, đá cuội nhiều nên ông rất vất vả vì phải đào bỏ lớp đá sỏi dày 40-50cm, sau đó, cho đất tốt vào mới trồng được cây. Trung bình, cây từ 2-3 năm tuổi đã cho quả; cây trưởng thành cao 8-12m.

Theo ông Đại, từ chăm sóc, bón phân đến hái hồng đều rất vất vả do phải gánh, vác từ chân núi lên đồi cao và ngược lại, sau đó lại phải dùng xe máy chở sản phẩm đến nơi thu mua. Từ nhà ông đến khu đồi trồng hồng, nơi xa nhất 2 -3km, gần cũng 1km, 2 năm nay đã có đường bê tông đến chân núi, tuy còn hẹp nhưng xe máy đã đi lại dễ dàng hơn.

Trồng hồng phải chăm sóc quanh năm, theo đó, khoảng 10/8 âm lịch hàng năm hồng bắt đầu chín để đón Trung thu, đến 15/9 âm lịch vào chính vụ và khoảng 10/10 âm lịch thì thu hoạch xong. Tháng 12 âm lịch, bắt đầu làm cỏ, bón phân, vì đây là thời điểm cây ngủ đông; sang tháng 3 âm lịch cây ra hoa, đậu quả; bà con lại tiếp tục chăm sóc để tháng 8 thu hoạch. Cứ như vậy, quanh năm đồng bào Tày, Nùng gắn bó với cây hồng vành khuyên.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Xuân, ông Nông Văn Hội, dân tộc Nùng, cho biết, HTX thành lập năm 2001 với 10 xã viên, chủ yếu trồng hồng và dịch vụ ươm cây giống. Mỗi xã viên có từ 1-2ha hồng, giá bán ổn định như năm 2016, khoảng 18.000 -20.000đồng/kg; mùa hồng năm nay hộ nhiều nhất thu 3 tấn, ít nhất 2 tấn. Ngoài ra, bà con xã viên còn tham gia ươm các loại cây giống như: hồng vành khuyên, mận cơm, mận tím; mỗi vụ ghép từ 5.000-10.000 cành mận các loại, giá bán 15.000-20.000 đồng/cành; 3.000-4.000 cành hồng vành khuyên, giá 25.000-30.000 đồng/cành…; thu nhập bình quân của xã viên 3-5 triệu đồng/người/tháng.   

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Làm vườn Văn Lãng, ông Đinh Long Xuyên, cho biết: “Hồng vành khuyên Văn Lãng không những là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp bà con dân tộc Tày, Nùng làm giàu bền vững. Hiện, 660ha hồng trên toàn địa bàn đều do bà con đảm nhận, như con ong chăm chỉ họ vừa làm đẹp cho núi rừng, vừa làm giàu cho bản thân. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 40% khu vực đồi của đồng bào ở những địa bàn xa thôn bản, khó khăn trong việc vận chuyển khi thu hoạch. Hoặc, đến mùa bón phân, chăm sóc hồng, bà con phải đi lại rất vất vả; chủ yếu gánh và vác trên vai do đồi núi dốc; xe máy chưa vào được chân núi. Hiện, đường bê tông cấp phối mới đến các trục đường xã, chưa về được thôn, bản. Vì vậy, để bà con thuận lợi trong canh tác, cũng như thu hoạch hồng, tỉnh Lạng Sơn cần hỗ trợ làm đường giao thông cho địa phương; nhất là đến những địa bàn trọng điểm để thuận tiện cho việc thu hái, vận chuyển và chăm sóc hồng”.      

Tham gia Hội để phát triển kinh tế

Ông Xuyên cho biết thêm, Hội Làm vườn Văn Lãng được thành lập năm 2014, đến nay phát triển được 5 cơ sở, thuộc các xã: Hội Hoan, Hoàng Việt, Tân Lang, Trùng Quán, Tân Mỹ; tổng số hội viên 3.505 người, 62 chi hội. Đa số hội viên đều đam mê nghề vườn và làm kinh tế VACR. Tiêu biểu, xã Hội Hoan đã thành lập 10 chi hội, trong đó có 6 Chi Hội Làm vườn và 04 Chi hội sản xuất hoa hồi, các hộ trồng hồi cùng nhau nghiên cứu, phát triển cây hồi để có chất lượng sản phẩm và đầu ra ổn định. Xã Hoàng Việt thành lập 19 chi hội/18 thôn; trong đó có 14/14 Chi hội Làm vườn thôn, 4 chi hội hồng vành khuyên và 01 chi hội chăn nuôi lợn nái. Được biết, chi hội lợn nái không theo thôn mà tập hợp nhiều thôn lại với nhau để cùng hợp tác phát triển.

Riêng xã Tân Mỹ đã thành lập hội cây hồng vành khuyên tại 20/20 chi hội trong toàn xã. Tại Tân Lang và Trùng Quán đã thành lập HLV trồng cây ăn trái truyền thống. Ngoài ra, Hội còn kết nạp được một số hội viên danh dự gồm: thương lái chuyên thu mua nông sản; doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp và một số nhà khoa học tại các viện nghiên cứu để tham gia hỗ trợ hoạt động của Hội.

Mặc dù mới thành lập nhưng bước đầu Hội đã triển khai thành công đề tài khoa học cấp tỉnh: “Xây dựng nhãn hiệu tập thể hồng vành khuyên Văn Lãng 2015-2017”; mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái tại xã Hoàng Việt với quy mô 20 nái. Đến nay, đàn nái phát triển tốt, với hình thức trả lại 1 lợn con, đến nay đàn nái đã có 45 con/ 45 hộ được hưởng lợi. Mô hình khoai tây Caramen tại xã Trùng Quán, diện tích 3ha, 30 hộ gia đình tham gia, tổng mức đầu tư 105 triệu đồng, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài ra, còn có mô hình cấy lúa theo phương pháp “Hiệu ứng đường biên”, mô hình trồng chuối tây Thái Lan, nhân giống bằng nuôi cấy mô tại xã Hoàng Việt; tham quan mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tại Bắc Giang…

Thời gian tới, HLV Văn Lãng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển tổ chức Hội cơ sở, thu hút nhân dân tham gia Hội nhiều hơn. Đề xuất với các cấp, ngành để đảm nhận những phần việc phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội, như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông, lâm nghiệp, triển khai các dự án quy mô vừa và nhỏ. Tích cực xúc tiến quảng bá nông sản, liên kết tiêu thụ nông sản, đổi mới tổ chức sản xuất, hình thành một số HTX, tổ hợp tác góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nguồn lực để Hội hoạt động gồm: Huy động sự đóng góp của hội viên cho từng hoạt động cụ thể, phát huy vai trò của hội viên trong xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đảm nhận các phần việc phù hợp với tôn chỉ, mục đích và khả năng của Hội với các cơ quan nhà nước.  Khuyến khích mô hình tái đầu tư, mở rộng sản xuất đối với các mô hình đã cho hiệu quả như chăn nuôi lợn nái, trồng khoai tây…

Mặc dù mới thành lập, song nhờ hoạt động có nội dung thiết thực nên HLV Văn Lãng đã sớm củng cố được tổ chức. Tuy nhiên, Hội vẫn gặp một số khó khăn như: thiếu kinh phí hoạt động; cán bộ Hội hầu hết đều kiêm nhiệm, nên chưa dành được nhiều thời gian công tác  Hội. Vì vậy, thời gian tới, đề nghị huyện Văn Lãng xem xét hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động của Hội, đưa phong trào đi vào nề nếp. 

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top