Mang tiếng là phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng bất cứ ai ngắm nhìn cơ ngơi mà họ tạo dựng đều phải thán phục bởi đôi tay và tinh thần “thép”.
Xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều chọn con đường kinh tế trang trại để thoát nghèo, làm giàu và xây dựng cơ nghiệp cho bản thân và gia đình. Họ xứng đáng được được gọi là “nữ tướng”.
Người phụ nữ đa tài
Vùng đất hoang vu dưới chân đèo Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn - Bình Định) ngày nào giờ đã trở thành trang trại tổng hợp với đàn heo cả ngàn con, vườn chuối cấy mô hàng ngàn cây trồng xen với hàng trăm cây dừa xiêm, ao nuôi tôm và cánh rừng keo cho doanh thu 6 - 7 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt, người “đánh thức” vùng đất này lại là một phụ nữ từng có thời phải chạy xe ôm. Đó là bà Nguyễn Thị Thắm (56 tuổi) ở thôn Xuân Vinh.
Vừa rót nước trà tiếp khách, bà Thắm vừa trò chuyện: “Từ cái thời tôi còn chạy xe thồ chở mướn cá từ Lộ Diêu đi Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), hàng ngày đi ngang qua đây tui đã mê vùng đất này. Mê nhất là nguồn nước tự nhiên không bao giờ cạn dẫn từ trên núi xuống, tắm cả ngàn con heo và tưới cả vườn chuối mấy ngàn cây thoải mái”.
Bà Thắm kể, quá trình vừa chạy xe ôm vừa buôn bán tạp hóa cho người dân làng chài Lộ Diêu, bà dành dụm được số vốn kha khá. Năm 2001, bà vào nghề nuôi tôm. Những năm ấy nguồn nước nuôi chưa ô nhiễm, nuôi đâu trúng đó, lưng vốn đội lên ào ào. Ăn nên làm ra, bà đầu tư làm lớn luôn, nuôi đến 12 hồ. Riêng năm 2006 bà nuôi tôm thẻ chân trắng thu lãi ròng đến 100 cây vàng. Mấy năm sau tôm phát sinh dịch bệnh, nhắm không xong, bà sang bớt ao tôm để lấy vốn xây dựng trang trại dưới chân đèo Lộ Diêu.
Đầu năm 2012, bà bắt đầu xây dựng 3 dãy chuồng trên diện tích gần 1ha, có thể nuôi đến 1.000 con heo với mức đầu tư gần 1,3 tỷ đồng. Mỗi dãy chuồng đều có đặt ống ngầm dưới đất dẫn nước thải vào sâu trong núi để làm phân tưới cho rừng keo. Nhờ đó, chuồng nuôi cả ngàn con heo nhưng không bao giờ có mùi hôi. Môi trường trong lành, heo nuôi chóng lớn, những năm heo có giá, bà lãi to. Từ năm ngoái đến nay giá heo tuột dốc, nhưng bà Thắm vẫn duy trì và chuyển sang nuôi heo siêu nạc nên vẫn có lãi.
“Tui hợp đồng với Công ty Japfa tại Đồng Nai mua giống của họ, heo giống siêu nạc khá đắt, hiện có giá đến 1 triệu đồng/con nhưng sạch bệnh, nhanh tăng trọng và tiêu thụ tốt. Hiện, giá heo tuột thấp nhưng công ty cam kết khi xuất chuồng sẽ hỗ trợ 300.000 đồng/con nên tui vẫn mạnh dạn nuôi”, bà Thắm nói.
Từ khi khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm đến nay công cuộc làm ăn của bà Thắm đã trải qua nhiều bước chuyển đổi. Bây giờ nhìn lại, bước chuyển nào cũng hiệu quả và kịp thời.
“Từ khi tui sang bớt 10 hồ nuôi tôm, chỉ còn giữ lại 2 hồ để thuận lợi đầu tư nuôi thâm canh, vụ nuôi đầu năm nay lãi được 200 triệu đồng. Bây giờ nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm, nuôi nhiều sinh dịch bệnh thì càng chết”, bà chia sẻ.
Năm ngoái, hầu hết người nuôi heo ở Bình Định đều khốn đốn do giá heo giảm mạnh và ế ẩm, nhưng riêng đàn heo siêu nạc của bà Thắm vẫn cho lãi khá. Bà kể: Năm ngoái tui nuôi 3 lứa heo, tổng cộng 1.200 con heo thịt, bình quân bán 5 triệu đồng/con, riêng tiền bán heo tui thu được 6 tỷ đồng.
Ở gần vùng nuôi tôm, Hoài Mỹ cũng là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi heo nên bà Thắm “kiêm” thêm nghề cung ứng thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi cho các hộ trong vùng. Mỗi năm bà cung ứng khoảng 400 tấn thức ăn thủy sản, mỗi tấn giá 25 triệu đồng, doanh thu 10 tỷ đồng/năm và 300 tấn thức ăn chăn nuôi, mỗi tấn giá 10 triệu đồng, doanh thu thêm 3 tỷ nữa.
Người gửi trọn tình yêu vào đất
Với suy nghĩ “người yêu đất, đất không phụ người”, chị Phùng Thị Thơ ở thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã mạnh dạn nhận thầu 12ha đất đồi trống cằn cỗi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động với thu nhập ổn định.
Bà chủ trang trại vừa thoăn thoắt làm việc, vừa chia sẻ, là nông dân thuần túy, nguồn thu chính để nuôi bố mẹ già và 3 con nhỏ ăn học chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, khi địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, gia đình chị đã mạnh dạn nhận thầu 12ha đất đồi trống cằn cỗi theo hình thức khoán 50 năm của xã Vật Lại.
Sau khi chị Thơ cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại vườn-ao-chuồng, đã không ít lần, bản thân chị và gia đình nản chí muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Vật Lại, tạo điều kiện cho chị tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu, chị đã kiên trì, khắc phục khó khăn, không ngừng tích lũy kinh nghiệm.
Hiện, mô hình trang trại của chị Thơ đạt quy mô trên 12ha, với 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; 11ha vườn trồng hơn 1.000 cây bưởi Diễn, 1.000 cây nhãn, 600 cây mít, 20 vạn gốc dứa và 1.000m2 chuồng trại nuôi các loại gia súc, gia cầm đặc sản như nhím, lợn rừng, 800 gà thả đồi, cho tổng doanh thu 4,5-5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.
“Trước đây cũng đông nhân công lao động nhưng giờ tôi thực hiện tự động hóa, đầu tư máy đào gốc, chặt rễ cây, máy bón phân… Bên cạnh đó, nhờ theo dõi thông tin thị trường, thấy cây nhãn Hương Chi vừa ngọt vừa thơm tôi đã phát triển và được thị trường chấp nhận”, chị Thơ cho biết thêm.
Với những người có nhu cầu học tập kinh nghiệm nuôi trồng, chị Thơ đều tận tình giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, vật tư để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Chị cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với thu nhập ổn định từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.
Chị là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được vinh danh trong Chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam nhân Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra vừa qua.
Nữ thiếu tá và mô hình chăn nuôi bạc tỷ
Đến xã Phú Cường (Sóc Sơn - Hà Nội), hỏi thăm nhà Thiếu tá Nguyễn Thị Liên, người dân ở đây ai cũng biết. Bà không chỉ nổi tiếng với mô hình chăn nuôi giun quế hiệu quả mà còn là người rất tâm huyết với việc đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Thiếu tá Nguyễn Thị Liên chăm sóc đàn lợn.
Sau gần 30 năm công tác tại Nhà máy Z153 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp, năm 2002, bà Liên về nghỉ chế độ với quân hàm Thiếu tá. Đối với nhiều người, nghỉ hưu sẽ là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, nhưng ngay sau khi nghỉ chế độ, bà bắt tay vào làm kinh tế, thực hiện ước mơ làm chủ trang trại đã ấp ủ từ lâu.
Sau nhiều đắn đo, suy nghĩ, bà quyết định tìm hiểu mô hình chăn nuôi giun quế qua sách, báo. Khi đã thấy những lợi ích từ việc nuôi giun quế, bà quyết định đầu tư trang trại giun quế GHT với diện tích 400m2. Bà cho biết: Cái hay của nuôi giun quế là vốn đầu tư ban đầu không quá lớn, chuồng trại thiết kế đơn giản, thức ăn của giun quế chỉ là chất thải của gia súc. Giun quế nuôi một thời gian có thể dùng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, phân của giun quế có thể dùng làm phân bón cho cây trồng rất tốt.
Sau hơn 10 năm phát triển mô hình, trang trại giun quế GHT đã được mở rộng lên tới 2.000m2 với 3 điểm sản xuất. Ngoài giun quế, tại trang trại của bà Liên lúc nào cũng có khoảng 400 con lợn thịt, hàng trăm con lợn nái và vài trăm con gà, bao gồm cả gà thịt và đẻ trứng. Con giun quế từ trang trại GHT không chỉ được bán trên địa bàn Hà Nội mà còn có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với giun quế, mỗi tháng, trang trại của bà còn cung ứng ra thị trường vài chục con lợn thịt và vài trăm con gà sạch được nuôi từ thực phẩm chính là giun quế và các loại cám gạo, ngô, đỗ tương. Doanh thu của trang trại đạt 3,5 tỷ đồng/năm. Hiện thịt lợn sạch từ trang trại của bà Liên đã có mặt tại một số chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội.
Để nguồn thực phẩm sạch đến được với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, bà Liên cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô nuôi giun quế và xây dựng thêm chuồng trại nuôi lợn, gà. Bà cũng dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1.000m2 đất trồng rau sạch, cung ứng cho thị trường Hà Nội. Để phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, bà Liên tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và tiến tới thành lập doanh nghiệp để thuận tiện hơn trong việc giao dịch cũng như hưởng các chế độ ưu đãi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.