Mặc dù dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm đến nay, song, Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phong trào phát triển kinh tế VAC xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại nổi trội.
Đặc biệt, đáng ghi nhận là, hội viên đã tặng sản phẩm nông sản, để san sẻ cho vùng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trị giá trên 300 triệu đồng.
“Chia lửa” với vùng dịch Covid-19
Trong tháng 5, các cấp Hội ở Bắc Ninh đã tổ chức được 10 cuộc tập huấn, kết hợp với tuyên truyền cho 1.035 lượt hội viên, về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, hội viên đã thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy Bắc Ninh: “Nói không với thực phẩm bẩn” và “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”.
Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Tính đến ngày 28/4, các cơ sở đã ủng hộ trên 1.000 tấn rau, củ quả, lương thực, thực phẩm và tiền mặt, giá trị trên 300 triệu đồng. Riêng Ban chấp hành tỉnh Hội, và một số doanh nghiệp nông nghiệp, Câu lạc bộ (CLB) trang trại huyện Quế Võ, CLB trang trại huyện Gia Bình ủng hộ về tỉnh Hội 1.200 tấn rau củ quả; 5.000 khẩu trang diệt khuẩn; 3.000 quả trứng và 50 triệu đồng tiền mặt.
Ở tỉnh Hội, công việc ủng hộ chia làm 2 đợt: Đợt 1, ngày 21/4, đợt 2 ngày 28/4. Các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ lương thực, thực phẩm, kinh phí giúp cơ quan phòng chống dịch đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, vận động các chủ trang trại, hội viên, tìm hiểu Luật Hợp tác xã (HTX) và hướng dẫn hội viên các thủ tục cần thiết, để thành lập HTX theo Luật năm 2012.
Đồng thời, rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế; hoàn thành và tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Gương sản xuất VAC giỏi
Ngoài việc “chia lửa” với vùng dịch Covid-19, các cấp Hội ở Bắc Ninh còn tiếp tục thi đua sản xuất VAC giỏi, đạt nhiều kết quả khá tốt. Điển hình như ông Nguyễn Bá Phấn (thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình), với 1.300m2 nuôi chim công, rắn hổ mang, ba ba gai, ếch kết hợp với nuôi thỏ thương phẩm, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Phấn cho biết, năm 2014, ông mua 50 con chim công mới ấp nở về nuôi, sau 2,5 tuổi, bán được 25 con, thu gần 200 triệu đồng; số chim công còn lại, nuôi sinh sản. Ngoài ra, ông còn có đàn rắn hổ mang gây giống từ năm 2015, với 180 con rắn sinh sản. Mỗi năm thu trên 100 triệu đồng từ bán trứng và rắn thương phẩm.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Phấn còn có 20 cặp thỏ bố mẹ. Thỏ con được ông nuôi thành thỏ thịt thương phẩm. Do thỏ mắn đẻ nên trong chuồng ông thường xuyên có 200 con thỏ thịt, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 80 con, thu về trên 10 triệu đồng.
Là người nhanh nhẹn, có đầu óc tính toán giỏi, ông Phấn còn tận dụng triệt để diện tích ao 100m2 để nuôi thả 50 con ba ba gai, hiện đạt trọng lượng 2,5 kg/con; đồng thời, trong ao còn nuôi ếch sinh sản và ếch thịt thương phẩm. Mỗi năm, ông bán cho các hộ chăn nuôi trên 1 vạn ếch giống, và hàng tạ ếch thịt, tạo thêm nguồn thu đáng kể.
Hiện, ông Phấn còn đầu tư vào trồng hoa phong lan, hình thành mô hình nhà vườn, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi con đặc sản để làm giàu từ kinh tế vườn.
Ở huyện Quế Võ, ông Vũ Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản, cho biết, với 30 lồng bè thả nuôi các loại cá: trắm, lăng, chép, điêu hồng, lăng chấm, ngạnh… trên sông Đuống, HTX thu lãi cao. Nhờ có dòng nước lưu thông, nuôi cá trên sông không lo lượng thức ăn dư thừa, hoặc phân cá thải ra, gây ô nhiễm nguồn nước như nuôi trong ao. Giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi, thời gian nghỉ sau mỗi vụ, chi phí đầu tư giảm rõ rệt, thu nhập nâng cao.
Với 30 lồng bè, trong đó có 14 lồng nuôi cá lăng, 7 lồng nuôi cá chép, 5 lồng cá điêu hồng, 2 lồng cá trắm, 2 lồng cá lăng chấm, ngạnh, sản lượng 100-110 tấn cá/năm, HTX có doanh thu gần 5 tỷ đồng, lợi nhuận 600-650 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, năm 2019, ông Chiến đã nhanh nhạy cùng các hộ nuôi cá lồng ở xã Đức Long, thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, gồm 11 xã viên, để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương với sản lượng cá mỗi năm đạt gần 1.000 tấn, trở thành điểm sáng về nuôi trồng thủy sản trên sông của Bắc Ninh.
Chia sẻ với chúng tôi về những nỗ lực của hội viên từ đầu năm 2020 đến nay, ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, cho biết: “Hội đang tập trung kiện toàn lãnh đạo tỉnh Hội, và lãnh đạo huyện Hội Tiên Du, Quế Võ. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành về tập huấn kỹ thuật sản xuất VAC năm 2020; triển khai kế hoạch dạy nghề năm 2020.
Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các ngành triển khai kế hoạch tập huấn kỹ thuật sản xuất VAC và dạy nghề năm 2020. Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ trang trại, bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản. Hướng dẫn chủ trang trại quy mô lớn xây dựng dự án sản xuất năm 2020. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.