Mới đây, cơ quan chức năng TP. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ hàng chục tấn bánh Trung thu không nguồn gốc, hay các loại bánh bán trên MXH giá siêu rẻ, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn.
Hà Nội, xe 'luồng xanh' chở 10 tấn bánh Trung thu không nguồn gốc
Thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 20/8, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp Đội CSGT số 15 và Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất một xe tải “luồng xanh” tại chốt kiểm soát dịch bệnh số 20, tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cao trên địa bàn xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển gần 10 tấn bánh trung thu, nhãn hiệu “Con gấu”, do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên các sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt.
Số bánh Trung thu trên được đặt trong khoảng 1.000 thùng carton, mỗi thùng chứa 8 hộp bánh, tổng cộng hơn 200.000 chiếc. Quá trình làm việc, lái xe chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Lái xe “luồng xanh” khai nhận được thuê vận chuyển số hàng hóa trên từ cửa khẩu Lào Cai đi TP. HCM để tiêu thụ. Toàn bộ số hàng hóa liên quan đã được tạm giữ để làm rõ vi phạm. Đây là vụ việc thu giữ bánh Trung thu nhập lậu có số lượng lớn nhất từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội.
Cùng ngày, lực lượng chức năng kiểm tra ô tô tải BKS 71C-077.76, phát hiện trên xe có khoảng 850 thùng bánh do nước ngoài sản xuất; có nhãn chữ nước ngoài không có tem, nhãn phụ, được vận chuyển từ Lào Cai về Hà Nội. Lái xe là anh Trần Kim Biên, trú ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm - Vĩnh Long) chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.
Theo Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội), hiện không ít lái xe lợi dụng phương tiện vận tải đang được ưu tiên là xe “luồng xanh” để vận chuyển hàng hóa nhập lậu xuyên các tỉnh, thành phố, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình theo dõi.
"Thời gian tới, để giữ gìn an ninh trật tự trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp, đặc biệt để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố dịp Tết Trung thu, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, nhập lậu các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng", Trung tá Trung cho biết thêm.
Vĩnh Phúc phát hiện nhiều vụ bán bánh Trung thu không hoá đơn chứng từ
Mới đây, Đoàn kiểm tra số 2, đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Viên Kết do ông Phùng Quang Viên (trú tại Thôn Thượng, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh phúc) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở kinh doanh này đang bày bán 128 chiếc bánh Trung thu do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Chủ cơ sở kinh doanh đã không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hoá trên. Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hoá để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ở một diễn biến khác, ngày 11/8, Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc) tiến hành kiểm tra cửa hàng tạp hóa Vinamart, địa chỉ tại số 2 tòa 11T2 chung cư Vinaconex, phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên), do bà Trần Thị Thu, làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 102 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của hàng hóa.
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 2 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tạp hóa Hưng Dung, địa chỉ tại khu 1 xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, do ông Nguyễn Bá Hưng làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 14 danh mục sản phẩm hàng hóa là hàng thực phẩm gồm bánh, kẹo, sữa bột (đóng hộp) đã hết hạn sử dụng. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm của 2 cơ sở trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là địa bàn nông thôn, xa trung tâm cho thấy, việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ thương mại còn chưa nghiêm, vẫn xảy ra các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa hết hạn sử dụng.
Thời gian tới, nhất là trong dịp cận kề đến dịp Tết Trung thu 2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với nhóm hàng thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức của các thương nhân trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ, thương mại góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Bánh Trung thu giá rẻ bán tràn lan trên mạng
Trên thị trường, hoạt động mua bán bánh trung thu đang diễn ra khá nhộn nhịp. Đặc biệt, hiện nay tại nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, nhiều người rao bán bánh trung thu mini với giá siêu rẻ. Theo đó, loại bánh trung thu mini được quảng cáo là “hàng nội địa” Trung Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), có giá chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/chiếc.
Theo tìm hiểu ở một số trang mạng xã hội, cá nhân quảng cáo bánh "có nguồn gốc từ Trung Quốc" vỏ bánh mềm và thơm ngon”. Loại bánh này được bán với giá 89.000 đồng/kg (khoảng 30-40 chiếc), tính ra mỗi chiếc chỉ khoảng 3.000 đồng, với đủ các vị. Thậm chí, khách lấy nhiều giá chỉ còn khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Trinh, người đăng bán loại bánh này khi được hỏi thì cho biết “không ngon em hoàn lại tiền luôn”, giá 35.000 đồng/10 chiếc được chọn vị thoải mái. Hạn sử dụng trong vòng nửa năm, tính từ ngày sản xuất in trên bao bì.
Đặc biệt, chị này còn khẳng định, loại bánh này rất dễ bảo quản, để dài ngày cũng không bị cứng, mốc, hỏng. Tuy nhiên, khi người mua ngỏ ý muốn đến tận nơi xem hàng thì người bán cho biết, cơ sở chỉ bán online trên chợ mạng và sàn thương mại điện tử chứ không bán trực tiếp.
Đáng lưu ý, những loại bánh Trung thu mini này chủ yếu được rao bán theo lời giới thiệu của người bán, không hề có giấy tờ, thông tin để chứng minh về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Theo quan sát, bao bì của loại bánh trung thu này đều in bằng tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo người dân cần lựa chọn và bảo quản bánh Trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc xảy ra.
Khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Đồng thời, sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị giập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có mầu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.../.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.