Anh Nguyễn Thành Hưng (TP Bà Rịa) hoàn thành việc phun thuốc trừ sâu sinh học tại khu trồng rau và cây ăn trái hơn 3 ha trong một giờ nhờ máy bay không người lái.
"Bắt đầu làm nông với suy nghĩ rất mù mờ rằng chỉ cần cắm cây xuống đất và nó sẽ sống, lớn lên, tôi đã trả giá bằng những thất bại liên tiếp", anh Hưng, 40 tuổi, ở xã Hòa Long, TP Bà Rịa nói.
Năm 2017, Hưng thuê mảnh đất đầu tiên ở xã Hòa Long gieo cải thìa, rau muống, mướp, khổ qua. Cây lớn càng quặt quẹo, sâu bệnh, rồi chết rụi. Sau nhiều tháng trắng tay, anh mày mò nghiên cứu cách bón phân, trừ sâu, tưới nước và tạo ra những vườn rau, trái xanh mướt.
Hai năm nay, anh Hưng tìm kiếm, áp dụng giải pháp tưới, bón phân nhỏ giọt, máy làm đất và máy bay không người lái (drone) hơn 200 triệu đồng và mở rộng diện tích vườn lên 7ha, trồng gối đầu hơn 10 loại rau, trái. Cơ giới hóa và công nghệ đã giúp anh giảm hơn một nửa nhân công, trong khi năng suất, chất lượng rau không giảm.
Ngoài sử dụng các loại thuốc từ thảo mộc, anh tự phát triển một số sản phẩm sinh học để kiểm soát sâu bệnh hại cây trồng tốt hơn và chia sẻ cho những nhà vườn lân cận. "Tôi đang tạo ra những sản phẩm sạch bằng cách không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng và chất bảo quản", anh Hưng nói.
Chủ vườn này cũng vừa mở cửa hàng bán những sản phẩm trồng được với sản lượng gần 2 tấn rau, quả mỗi ngày, giá từ 25.000-35.000 đồng mỗi kg. "Công nghệ giúp tôi giảm nhân công, vừa tạo ra những sản phẩm hữu cơ có giá bình dân", chủ vườn nói.
Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP Bà Rịa) trước đây nuôi tôm sú và tôm thẻ quảng canh, bán thâm canh... trong ao đất rộng hơn 100 ha. Do thời tiết diễn biến thất thường, ô nhiễm môi trường khiến năng suất không ổn định, tôm dễ nhiễm bệnh.
Học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, Hợp tác xã áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (công nghệ RAS), chi phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Trên diện tích 2ha, có 4 farm nuôi, 2 ao thải và ba ao lắng được tạo ra.
Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng cho biết, nuôi tôm truyền thống mỗi m2 chỉ thả 30 con thì RAS tăng lên 500 con mỗi m2. "Chúng tôi dễ dàng kiểm soát được môi trường, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại trong nuôi tôm", ông Chuyên nói và đánh giá đây là mô hình siêu lợi nhuận khi mỗi năm nuôi được 3 vụ tôm, năng suất đạt 50-60 tấn mỗi vụ. Doanh thu mỗi năm khoảng 15-20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi 8 tỷ đồng
Năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, với mục tiêu góp xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, sức cạnh tranh cao và đảm bảo về môi trường, sức khỏe người tiêu dùng... góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông lâm thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016- 2020 là 4,5% một năm, 2021-2025 là 4,3% một năm.
Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 12.400 tỷ đồng, trong đó sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 30%.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, sau bốn năm triển khai, đề án đã tạo được sự lan tỏa, hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều áp dụng công nghệ cao.
Đến nay, địa phương đã thu hút 484 cơ sở, doanh nghiệp sản suất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, trồng trọt 342 cơ sở, với tổng diện tích là 2.800 ha; 127 trang trại hoạt động chăn nuôi trên diện tích 514,8 ha; 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống trên diện tích 392 ha.
Cùng với đó đã hình thành các chuỗi liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực trồng trọt tổng diện tích hơn 23.000 ha; thủy sản 310 ha nuôi tôm. Riêng chăn nuôi có 53 cơ sở, trong đó chăn nuôi heo 28 cơ sở với tổng đàn khoảng 29.580 con nái và 67.400 con thịt; gà 25 trang trại với hơn 2,2 triệu con.
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét cho chủ trương chuyển đổi khoảng hơn 2.500 ha diện tích đất đang trồng cây cao su của các công ty cho hiệu quả thấp sang đầu tư nông nghiệp. Ngoài ra tỉnh bố trí quỹ đất quy hoạch khoảng 1.025 ha tại huyện Châu Đức và hơn 1.500 ha đất rừng sản xuất tại huyện Xuyên Mộc để kêu gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Hồ Thúc Tiên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, giai đoạn tới, địa phương sẽ xây dựng trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Áp dụng các chính sách phát triển hợp tác, liên kết; chính sách hỗ trợ chuyển đổi kinh tế hộ gia đình thành trang trại và doanh nghiệp.... Ngành nông nghiệp địa phương sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, Oganic... xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.