Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 9 năm 2021 | 9:0

Nóng tình trạng buôn, bán trang thiết bị y tế, thuốc trị Covid-19 giả

Dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự lo lắng của người dân để buôn bán trang thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19 giả, không rõ nguồn gốc để trục lợi. Nhiều vụ việc bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý theo quy định.

Bình Dương phát hiện lô hàng vật phẩm y tế không rõ xuất xứ

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT Bình Dương) số 5 phối hợp Công an tỉnh Bình Dương, kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Xây dựng SH - XY, ở địa chỉ khu phố 1B, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khi kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện nhiều mặt hàng thuốc đông dược, thiết bị vật tư y tế có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, hàng lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

 Chủ lô hàng xuất trình chứng từ, hóa đơn không trùng khớp với thực tế. 
 

Lô hàng gồm: đồ bảo hộ y tế cho người lớn; đồ bảo hộ y tế cho trẻ em; bình cồn sát khuẩn; bộ xét nghiệm nhanh Covid-19; khẩu trang N95 hiệu Nios…Đáng chú ý, 620 hộp thuốc LIANHUA QINGWEN là loại đông dược của Trung Quốc, được quảng cáo có khả năng hỗ trợ điều trị Covid-19 với giá bán trên thị trường và mạng xã hội khoảng 120.000 đồng/hộp.

Doanh nghiệp đã cung cấp chứng từ, hóa đơn nhưng không trùng khớp với số lượng, chủng loại, nhãn hiệu hàng hóa thực tế, do vậy, Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hà Nội liên tục bắt nhiều vụ buôn, bán trang thiết bị y tế, thuốc trị Covid-19 giả

Chỉ trong thời gian ngắn lực lượng chức năng TP. Hà Nội bắt nhiều vụ buôn bán trang thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19 giả. Cụ thể, chiều ngày 1/9, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh có địa chỉ số 43, Đường 3, Phủ Lỗ, (Sóc Sơn, Hà Nội) phát hiện trên 400.000 sản phẩm thiết bị y tế vi phạm.

Các sản phẩm vi phạm gồm: 11.490 khẩu trang KN95 có nhãn chữ nước ngoài; 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác/xuất xứ; 3.300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi Công ty CP đầu tư Thiện Bình; 550 bộ quần áo liền thân không rõ xuất xứ; 5.500 bao chân không rõ xuất xứ; 347.000 găng tay cao su không rõ xuất xứ. Ngoài ra, lực lượng chức năng phát hiện 20.880 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện nhãn hiệu 3M xác nhận, lô hàng có dấu hiệu giả mạo sản phẩm của công ty đã đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam. Đội QLTT số 1 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ toàn bộ số hàng hóa tại cơ sở kinh doanh để tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

 

 Đội QLTT số 6 kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ bán thuốc phòng Covid-19 do nước ngoài sản xuất.

 

Trong ngày 1/9, Đội QLTT số 6 kiểm tra điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) đã phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số hộp thuốc nói trên. Số thuốc điều trị Covid-19 bị tạm giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 10 viên/hộp. Chủ cơ sở khai, bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng/hộp tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp 2 lần. 

Đến ngày 2/9, Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) và Phòng CSĐT tội phạm về môi trường TP Hà Nội kiểm tra xe ô tô tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy) đã phát hiện thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc nói trên.

Ngày 4/9/2021, tổ công tác Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang 1 đối tượng đang giao hàng hóa tại phường Phú Diễn, (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện đối tượng đang giao 1.000 viên thuốc phòng, điều trị Covid-19 của Nga không có hóa đơn chứng từ.

 

 Các đối tượng được triệp tập tại đồn công an cùng với số lượng thuốc được cho là điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, chứng từ.

 

Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận được một người tên Thủy thuê để giao hàng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng chức năng đã triệu tập đối tượng Mai Đức Thủy, (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến làm việc.

Tại đây, Thủy khai nhận lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, tâm lý người dân muốn mua các loại thuốc phòng, điều trị bệnh Covid-19, nên mua thu gom từ các nguồn trên mạng để bán kiếm lời. Nếu bán trót lọt có thể thu lợi khoảng 100.000.000 đồng.

Hiện, toàn bộ số hàng hóa trên đã tạm giữ để điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Lạng Sơn bắt giữ 74 máy thở oxy không rõ nguồn gốc

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn phối hợp bắt giữ phương tiện đang dừng đỗ tại khu vực Ngõ 533- Đường Bà Triệu, Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn trên xe vận chuyển 74 máy thở oxy không rõ nguồn gốc.

Tổng số 74 bộ máy, mỗi bộ máy bao gồm: máy thở oxy, ống oxy, điều khiển từ xa, dây nguồn, bộ lọc không khí, Hướng dẫn sử dụng…Trong số đó có 18 máy mang nhãn hiệu Santafell loại 1-7L, power 120 VA; 56 máy nhãn hiệu Model ZY-17, power 220V150 HZ.

 

 74 bộ máy thở oxy không rõ nguồn gốc bị QLTT Lạng Sơn phát hiện, tạm giữ.

 

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là ông Nông Đức Duy, ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của toàn bộ số máy thở trên xe.

Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ hàng hóa, phương tiện vận chuyển để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước thực trạng các thiết bị y tế không rõ nguồn gốc vẫn đang bán tràn lan, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có Công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các Sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm để có căn cứ xử

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng và khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh tới cơ quan chức năng ngay để ngăn chặn kịp thời.

 

Vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Công an có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.

Xem xét báo cáo trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế; bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân nhưng không ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.

 Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay y tế không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.

 

Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu găng tay, khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng dịch và quy trình giám sát, thu gom, sản xuất, xử lý rác thải y tế. Chủ động phát hiện những sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top