Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 10 năm 2021 | 23:17

Nóng tình trạng phân bón kém chất lượng ở các tỉnh phía Nam

Khi các tỉnh, thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách trong phòng, chống dịch Covid-19, cũng là lúc các cơ quan chức năng, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam liên tục bắt nhiều vụ vận chuyển, buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Tiền Giang phát hiện 10 tấn phân bón hữu cơ vi phạm nhãn

Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 20/10/2021, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh Tiền Giang), phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Tiền Giang), tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 62C-124.92 do nghi vấn hàng hóa vận chuyển trên phương tiện có dấu hiệu vi phạm.

 

 Đội QLTT số 1 phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông tiến hành khám xe ô tô tải chở 300 bao phân bón NPK Nutrix.

 

Kết quả kiểm tra, phát hiện trên xe có 10 tấn phân bón hữu cơ được chứa trong 250 bao, khối lượng tịnh 40 kg/bao. Tại thời điểm khám, chủ hàng hóa xuất trình được Hóa đơn giá trị gia tăng của 01 Công ty ở Tây Ninh xuất bán cho Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Thị có địa chỉ ở ấp Long Tường, xã Long An (Châu Thành, Tiền Giang), hồ sơ công bố hợp quy và Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Qua kiểm tra nhãn hàng hóa, toàn bộ số lượng phân bón này có nhãn không ghi ngày sản xuất. Lực lượng quản lý thị trường đã lập biên bản vi phạm đối với chủ Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Thị về hành vi hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa để hoàn chỉnh hồ sơ xử lý.

Trước đó, tối ngày 8/10, sau khi nhận được thông tin từ Tổ công tác tại Chốt kiểm soát dịch bệnh số 3 thuộc xã Tân Hương (Châu Thành, Tiền Giang), Đội QLTT số 1 phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông tiến hành khám xe ô tô tải biển kiểm soát 68H-8378.

Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 300 bao phân bón NPK Nutrix xuất xứ Malaysia loại 50 kg/bao do Công ty TNHH Agrifert Việt Nam nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam, với tổng khối lượng là 15 tấn có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam nhưng trên nhãn phụ không ghi các nội dung như tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Ông D.S ở Kiên Giang là người điều khiển phương tiện xuất trình được hóa đơn giá trị gia tăng của 01 Công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh xuất bán 15 tấn phân bón cho 01 cơ sở kinh doanh ở Kiên Giang nhưng chưa xuất trình được các hồ sơ, giấy tờ khác có liên quan.

Ngày 10/10/2021, Đội QLTT số 1 làm việc với chủ hàng hóa là ông N.V.S ở Kiên Giang. Ông N.V.S cho biết, 15 tấn phân bón này không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Ngay sau đó, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.

Liên quan tới phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, ngày 11/10, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 (Cục QLTT TP Cần Thơ) đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Qua kiểm tra,  Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng đối với chủ Cửa hàng về hành vi buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, buộc tái chế phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Vĩnh Long tịch thu 335 bao phân bón hết hạn sử dụng

Mới đây, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long), tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Vật tư nông nghiệp Huỳnh Phong, ở  xã Trà Côn (Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), do ông Huỳnh Công Phong làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện tại Hộ kinh doanh có 335 bao phân bón đã hết hạn sử dụng và vi phạm nhãn mác về nhãn trị giá trên 140 triệu đồng. Trong đó, 13 bao phân bón phức hợp Hưng Nông NPK 20-20-15, loại 50kg/bao, đã hết hạn sử dụng từ ngày 24/8/2020. Chủ Hộ kinh doanh chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ và quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

 

335 bao phân bón đã hết hạn sử dụng và vi phạm về nhãn mác tại Hộ kinh doanh Vật tư nông nghiệp Huỳnh Phong.

 

Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số lượng phân bón nêu trên để làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời lấy mẫu phân bón đi kiểm nghiệm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón.

Liên quan đến phân bón hết hạn sử dụng, ngày 21/9/2021 Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp) đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Tín Mai, địa chỉ: 432 ấp Tân Hòa, xã Tân Phú (Châu Thành, Đồng Tháp) do ông Nguyễn Trọng Tín làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng phát hiện cửa hàng đang bày bán 2.847 đơn vị sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và 1.450 đơn vị sản phẩm phân bón quá hạn sử dụng. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên và đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo đúng quy định.

Ở một diễn biến khác, mới đây lực lượng chức năng tỉnh An Giang phát hiện gần 500 bao phân bón với các hành vi vi phạm như: Tên sản phẩm không đúng quyết định lưu hành, thông tin ghi trên bao bì chưa đúng sự thật,… Mặc dù trên bao bì sản phẩm phân bón này ghi dòng chữ khá rõ KALI PLUS 61% nhưng bên dưới tỷ lệ chỉ có 30%. Được biết, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng An Giang phát hiện hơn 100 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, chiếm nhiều nhất vẫn là mặt hàng phân bón.

 

 Lực lượng chức năng tỉnh An Giang phát hiện số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hết hạn sử dụng.

 

Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 30/9, Tổ công tác của Đồn biên phòng Cần Thạnh phối hợp nhiều lực lượng chức năng tổ chức tuần tra trên biển. Khi đến khu vực vịnh Đồng Tranh thuộc vùng biển Cần Giờ thì phát hiện phương tiện mang biển kiểm soát LA-08008 do ông Nguyễn Ngọc Sĩ, 45 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An điều khiển, có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện có khoảng 150 tấn phân bón (nghi là phân bón tổng hợp) không có giấy tờ hợp pháp.

Mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón kém chất lượng

Thời gian gần đây, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, giá phân bón tăng phi mã đến 70-80%. Đây là nguyên nhân chính khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Trước thực trạng này,  không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Tiền Giang cho biết, hành vi vi phạm chủ yếu là giả về chất lượng, công dụng sử dụng, không có đăng ký trong danh mục những vẫn sản xuất bán ra thị trường….

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hàng năm nước ta dùng trên 10 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy cực lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

 

 

Theo khuyến cáo, để tránh rủi ro, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi. Đây cũng là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và sớm chấm dứt tình trạng bát nháo đối với thị trường vật tư nông nghiệp.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nên kêu gọi bà con tránh chiêu dụ của các đơn vị sản phân bón giả, thường người ta khuyến mại lớn, bán lượng lớn rồi chạy đi. Bà con nên mua của thương hiệu quen, có uy tín, tránh mua của những thương hiệu nhỏ chưa có tên tuổi.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top