Bắc Giang hiện có trên 12 nghìn hecta nuôi thủy sản, sản lượng khoảng 30 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề mà người nuôi thủy sản quan tâm bởi nó là yếu tố quyết định sự thành bại của vụ nuôi.
Hiệu quả cao
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang triển khai xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản sử dụng các dòng chế phẩm sinh học thế hệ mới với mục tiêu: người nuôi cá ít phải thay nước mà chất lượng nước trong ao nuôi vẫn đảm bảo tiêu chuẩn trong giới hạn cho phép; dùng các hóa chất thân thiện với môi trường làm cho môi trường ao nuôi trong sạch hơn mà hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo.
Qua 3 năm thực hiện, kết quả của mô hình nuôi thủy sản dùng chế phẩm sinh học đều rất khả quan. Cá sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh. Đặc biệt, sau 8 tháng nuôi, năng suất cá ở ao có sử dụng chế phẩm sinh học đạt 15 tấn/ha, trong khi ở ao nuôi không sử dụng chế phẩm sinh học chỉ đạt 8-10 tấn/ha. Hạch toán kinh tế thấy, ao nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học đạt cao hơn ao nuôi đối chứng.
Năm 2016, gia đình anh Thân Văn Doanh ở thôn Hạ, xã Song Mai (TP. Bắc Giang) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang lựa chọn xây dựng mô hình xử lý tại chỗ môi trường ao nuôi thủy sản với diện tích 0,5ha. Sau khi sử dụng chế phẩm, anh thấy nguồn nước xanh và sạch hơn; đàn cá khỏe mạnh, nhanh lớn, ít dịch bệnh, cá không bị chết.
Chia sẻ kinh nghiệm, anh Doanh cho biết, đầu chu kỳ nuôi, cứ 15 ngày xử lý nước một lần; cuối chu kỳ lượng phân và thức ăn tồn đọng dưới đáy ao nhiều thì 7 ngày xử lý ao một lần và thường dùng vôi bột với lượng 2-4 kg/100m3 nước để tiêu diệt mầm bệnh, 2 - 3 ngày sau dùng chế phẩm sinh học ANZ để làm sạch môi trường và cải tạo ao nuôi. Hàng tháng, chỉ nên sử dụng 1-2 lần chế phẩm sinh học để khử trùng nguồn nước. Tuyệt đối không được xả phân chuồng trực tiếp xuống ao nuôi. Từ cách làm đó, sản lượng cá nâng lên đáng kể, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Trước kia, khi chưa xử lý môi trường, với cùng diện tích đó, anh thu được 4 tấn cá/vụ, sau khi dùng chế phẩm sinh học thì tăng lên 5- 5,5 tấn/vụ, cao gấp 1,5 lần.
Triển khai nhân rộng
Cùng với gia đình anh Doanh, nhiều hộ nuôi khác khi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý tại chỗ môi trường ao nuôi đều thấy hiệu quả rõ rệt. Chính vì vậy, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh như Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên và TP. Bắc Giang.
Mới tham gia mô hình nhưng anh Dương Văn Tuệ ở thôn 1, xã Việt Tiến (huyện Việt Yên) nhận thấy, môi trường ao nuôi trong sạch, cá khỏe mạnh. Anh Tuệ cho biết, vào thời điểm này ở những năm trước, mặt nước ao thường có màng, rêu xanh đen, cá hay nổi đầu. Năm 2018, tham gia mô hình xử lý tại chỗ môi trường ao nuôi, bước đầu theo dõi thấy mặt nước và nguồn nước sạch hơn, màu nước đẹp, cá khỏe mạnh, ăn tốt, không bị nổi đầu vào những ngày thời tiết thay đổi.
Hiện nay, tại vùng nuôi cá của tỉnh Bắc Giang, lượng nước đáp ứng cho việc nuôi cá thay nước định kỳ không nhiều, nhất là vào mùa khô nên ứng dụng mô hình nuôi ít thay nước là phù hợp. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong vùng nuôi ít thay nước thì việc xử lý tại chỗ môi trường nước trong ao tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thủy sản phát triển, hạn chế dịch bệnh là rất cần thiết.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.