Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 7 năm 2019 | 23:5

Phân bón giả, phân bón kém chất lượng có xu hướng tăng

ĐBSCL là vùng sử dụng lượng phân bón lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trước vấn nạn phân giả, phân kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế của người nông dân mà còn đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

lực-lượng-chức-năng-tỉnh-long-an-tiến-hành-kiểm-tra-số-phân-bón-giả-kém-chất-lượng-ảnh-cục-qltt-tỉnh-long-an.png
Lực lượng chức năng tỉnh Long An tiến hành kiểm tra số phân bón giả, kém chất lượng, (Ảnh Cục QLTT tỉnh Long An).
 

Sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng ngày càng tinh vi

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng ở ĐBSCL đã kiểm tra, lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện hàng chục mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, trong đó có cả trường hợp phân bón giả, tập trung nhiều nhất là nhóm sản phẩm NPK.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, thời gian qua hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp.

Theo cục này, tình trạng buôn bán, sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn, gây thiệt hại cho người nông dân, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong dư luận.

Trong 6 tháng đầu năm 2019,  các cơ quan tỉnh Long An đã lấy 50 mẫu phân bón các loại gửi cơ quan có chức năng kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, phát hiện 12 mẫu phân bón vi phạm về chất lượng. Trong đó, có 10 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, 2 mẫu phân bón là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng số tiền 196 triệu đồng và buộc tiêu hủy 87 bao phân bón giả. Chuyển cơ quan Công an khởi tố hình sự theo quy định pháp luật 1 trường hợp kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

 

thanh-tra-sở-nn-ptnt-phú-yên-kiểm-tra-tại-một-cơ-sở-sản-xuất-phân-bón-trên-địa-bàn-huyện-đông-hòa.jpg
Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên kiểm tra tại một cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn huyện Đông Hòa.
 

Theo ngành chức năng ở ĐBSCL, hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả bị xử phạt hành chính rất cao, thậm chí còn truy cứu trách nhiệm hình sự. Phân bón giả, kém chất lượng, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho nông dân, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đất đai, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vấn nạn này vẫn là bài toán hết sức nan giải.

Bắt nhiều vụ phân bón không rõ nguồn gốc

Mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra, bắt quả tang một cơ sở đang sản xuất phân bón giả. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển giao cho Thanh tra Sở Nông nghiệp& PTNT tỉnh Bình Định để xác minh, làm rõ.

Theo đó, vào trưa ngày 1/7, Công an huyện Tây Sơn phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nhà ông Lê Xuân Lang, thôn Hòa Trung, xã Bình Tường, Tây Sơn, bắt quả tang bà Lê Thị Ngọc Thuận là con gái ông Lang đang pha trộn, đóng gói phân bón mang thương hiệu của nhiều hãng phân bón khác trên thị trường.

Cơ quan chức năng đã thu giữ 4.840kg và 60 lít phân bón thành phẩm mang nhiều nhãn hiệu khác nhau, 643kg nguyên liệu sản xuất phân bón xuất xứ nước ngoài, gần 200kg bao bì, nhãn cùng nhiều máy móc, thiết bị là phương tiện sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra ông Lang không xuất trình được các giấy tờ về hoạt động sản xuất, kinh doanh mà đoàn công tác yêu cầu.

Trước đó, ngày 16/6, trong lúc tuần tra tại khu vực biển cửa Triều thuộc tỉnh Tiền Giang, tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu BKS TG 14897 có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra phát hiện trên tàu đang chở khoảng 100 tấn phân bón.

Tại thời điểm kiểm tra trên tàu có 8 thuyền viên do ông Trần Văn Xíu, ở tỉnh Long An làm thuyền trưởng, tất cả các thuyền viên trên tàu đều không có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn, tàu không có giấy tờ, hồ sơ về tàu, hóa đơn chứng minh số phân bón nói trên.

 

khoảng-100-tấn-phân-bón-không-rõ-nguồn-gốc-đang-được-vận-chuyển-bị-phát-hiện-công-an-nhân-dân.jpg
Khoảng 100 tấn phân bón không rõ nguồn gốc bị tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện phát hiện tại tỉnh Tiền Giang(Ảnh: công an nhân dân). 

Vào chiều 20/5/2019, Đội Chống buôn lậu của Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã kiểm tra cửa hàng do Nguyễn Thị Kiều Oanh (số 354 đường Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, trong kho của cửa hàng có hàng trăm tấn phân bón với nhiều tên sản phẩm khác nhau.

Tại đây cơ quan chức năng phát hiện có hơn 20 tấn phân bón không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, một số sản phẩm đã quá hạn sử dụng và thậm chí không có ngày sản xuất.

Sau khi lập biên bản ghi nhận hiện trường, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành niêm phong toàn bộ số phân bón vi phạm trên để đưa về cơ quan tiếp tục điều tra xử lý…

Liên quan tới phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cuối tháng 3/2019, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên tiến hành thanh tra 57 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện 8 cơ sở vi phạm và đã xử phạt với số tiền hơn 330 triệu đồng.

Theo thống kê mỗi năm nước ta cần khoảng 11 triệu tấn phân bón. Tuy vậy, thực tế nguồn cung đang tăng gấp 3 lần so với nhu cầu này. Đáng lưu ý, hơn 50% số phân bón trên thị trường hiện nay có nguy cơ là hàng kém chất lượng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, phân bón giả đang gây thiệt hại tới 2,6 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top