Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 4 năm 2021 | 16:11

Phát triển cây ăn quả: Cách làm của Sơn La

Những năm gần đây, Sơn La khá thành công trong việc cải tạo vườn kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, gắn với tìm kiếm thị trường để nông sản “xuất ngoại”.

Từ “thủ phủ” trồng ngô, giờ đây, Sơn La trở thành hình mẫu trong phát triển cây ăn quả của cả nước.

 

t5.jpg

Từ vùng đất dốc kém hiệu quả

Sơn La một thời “ngô leo lên núi, núi ngả cúi đầu”, bấp bênh vụ đói, vụ no, bao trùm cuộc sống nghèo khó. Chủ trương về phát triển cây ăn quả trên đất dốc như  cuộc cách mạng nông nghiệp ở Sơn La, làm thay đổi nhận thức của nhà quản lý và tư duy của người sản xuất, làm cho cây trái ngát xanh triền đồi núi với những mùa quả ngọt bội thu.

Đúng như lời phát biểu của ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025: Sơn La là một “hiện tượng” trong phát triển kinh tế đối với các tỉnh Tây Bắc nói riêng và nhiều tỉnh khác nói chung.

Sơn La là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng những năm trước đây nhiều diện tích cây trồng mang lại hiệu quả không cao, trong đó có cây ngô. Năm 2015, có thời điểm diện tích ngô lên tới 200.000ha, giá bán chỉ 2.000 đồng/kg. Giá thấp, nông dân không quan tâm chăm sóc, nên năng suất ngày càng giảm. Đặc biệt, qua nhiều năm canh tác, các triền đồi trở nên bạc màu, cùng với biến động của thị trường, cây ngô trở nên rủi ro.

Thời điểm này 5 năm trở về trước, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La nghi ngút khói từ những vạt nương, triền đồi, người dân phát, đốt nương, làm đất chuẩn bị gieo ngô, xuống hom sắn. Những vạt nương cháy xám, tro cuốn theo chiều gió, bụi đỏ mắt, rừng thu hẹp dần, đồi trọc lốc. Thời hoàng kim, Sơn La là vựa ngô lớn nhất, nhì cả nước, vụ nào lãi 20-30 triệu đồng/ha đã nức lòng nông dân. Trông chờ chủ yếu vào cây ngô nhưng khi giá giảm,  bao hộ nông dân lao đao, tái nghèo, đói vẫn hoàn đói. Thậm chí có nhà phải bán nương gán nợ, đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Thực tiễn yêu cầu phải chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng cây gì thì bao năm vẫn chưa tìm ra? Thực tiễn cũng xuất hiện cách làm mới, một số hộ  đã áp dụng kỹ thuật ghép cải tạo vườn cây ăn quả giống cũ, có tín hiệu tích cực, hé mở  hướng đi tươi sáng hơn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La trăn trở, tìm bài toán cho sản xuất nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để tổ chức lại sản xuất, mở rộng mô hình chuỗi kết nối giá trị trong sản xuất nông nghiệp? Thay vì sản xuất theo lối cũ, Sơn La xác định, sản xuất hàng hóa để bán, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ. Đây là vấn đề cốt yếu giúp Sơn La “bừng tỉnh”, xoay chuyển được tình hình trong sản xuất nông nghiệp.

Đến đột phá chính sách

Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La (nhiệm kỳ 2015-2019), tâm sự, năm 2015, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Sơn La thực hiện một bước chuyển lớn trong nông nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Sau đó, HĐND tỉnh ra quyết định hỗ trợ tài chính, tuy không lớn nhưng đưa ra đúng thời điểm. Những diện tích cây lương thực, cây ăn quả kém hiệu quả được cải tạo, ghép các giống cây ăn quả mới hiệu quả cao hơn.

 

t5a.jpg
Những năm gần đây, Sơn La đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài nước.

 

Theo ông Chất, lúc này (năm 2015), Sơn La có đến 30.000ha cây ăn quả, trong khi hỗ trợ vườn tạp mỗi hộ chỉ 200.000 đồng. Thời điểm đó, giá mỗi mắt ghép lên tới 12.000 đồng, như vậy, tỉnh chỉ hỗ trợ được 15 - 16 mắt ghép/hộ. Trong 2 năm thực hiện Đề án đã có gần 90.000 hộ, chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh thực hiện cải tạo vườn tạp, số tiền hỗ trợ 18 tỷ đồng. Đây được coi là đột phá khẩu có tính “mồi” mang lại hiệu quả rõ nét mà chi phí không cao.

Giai đoạn 2015 - 2020, Tỉnh ủy Sơn La ban hành 8 văn bản liên quan đến phát triển cây ăn quả, đặc biệt là Kết luận số 121-TB/TU 30/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc có ý nghĩa cởi nút thắt, mở đầu cho quá trình chuyển đổi sản xuất. Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cây ăn quả với quy mô hợp lý, từng bước giảm vững chắc diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc; lấy sản xuất quả hàng hóa là mục tiêu gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; phát triển vùng nguyên liệu quả gắn với các nhà máy chế biến, tăng hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm. Chỉ đạo thành lập các HTX trở thành trung tâm ứng dụng kỹ thuật, thống nhất quy trình sản xuất an toàn và là đầu mối ký kết với các doanh nghiệp thu mua nông sản cho nông dân.

Cùng với đó, Sơn La tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương. Chủ động làm việc với các tập đoàn thực hiện sưu tầm, cải tạo bộ giống mới, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tổ chức lại từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, kết nối hàng chục nghìn hộ nông dân, các trang trại thông qua vai trò là hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.

Ngoài hỗ trợ kinh phí, lãi suất vay ngân hàng, năm 2017, HĐND tỉnh Sơn La thông qua Nghị quyết hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả. Sau khi hỗ trợ ghép mắt, cải tạo vườn tạp, năm 2018, tỉnh chuyển sang hỗ trợ công tác xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý vùng trồng, khuyến khích ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP. Năm 2019, tập trung hỗ trợ tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm.

Thu hút DN đầu tư chế biến

Với một loạt giải pháp đồng bộ từ chính sách ứng dụng khoa học công nghệ cao, thay đổi giống, ghép, áp dụng quy trình sản xuất mới, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp của Sơn La những năm gần đây đã khởi sắc. Nhiều diện tích cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; na Hoàng hậu 1 tỷ đồng/ha. Đặc biệt, tỉnh đã thành công trong việc tìm kiếm thị trường để nông sản “xuất ngoại”.

Chị Phạm Thuỳ Trang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh (huyện Sông Mã), tâm sự, HTX có 50ha nhãn, sản lượng năm 2020 đạt 400 tấn, phần lớn nhãn được sấy đưa đi xuất khẩu; nhãn sấy đến đâu khách đặt hết đến đấy. Hiệu quả cây nhãn mang lại cao hơn trồng ngô, lúa, sắn, trừ chi phí, gia đình còn lãi 800 triệu đồng; các hộ khác lãi trung bình 200 triệu đồng.

Ông Võ Văn An, Chủ tịch Hội Ngành nghề Nông nghiệp - Nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết, nhờ phát triển cây ăn quả mà một bộ phận nhân dân có thu nhập cao. Ví dụ, trước đây 1ha trồng ngô thu 15-20 triệu đồng, bây giờ trồng cây ăn quả lên tới 80-100 triệu đồng, thậm chí lên tới vài ba trăm triệu đồng, có hộ trồng na thu hơn 1 tỷ đồng. Cùng với đó, đảm bảo môi trường, chống xói mòn, hiệu quả kinh tế rất lớn.

Năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Sơn La ước đạt 7.580 tỷ đồng; tỉnh có gần 80.000ha cây ăn quả, tổng sản lượng quả đạt 336.330 tấn, trong đó, diện tích ghép cải tạo đạt 13.109ha, diện tích cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn 17.538ha; cấp 181 mã số vùng trồng cho 4.701ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 21 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.

 

t5b.jpg
Ngoài việc bảo đảm an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu để xuất khẩu, Sơn La quan tâm tới truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng yên tâm sử dụng.

 

Đến nay, Sơn La có 614 HTX nông nghiệp, trong đó 30% HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu và gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả với quy mô nhỏ. Sản lượng nông sản xuất khẩu năm 2020 đạt 108.483 tấn. Giá trị sản xuất trồng cây ăn quả đạt bình quân hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 34,44% (năm 2015) giảm xuống còn 18,62% (năm 2020).

Đặc biệt, nhờ tích cực mời gọi, thu hút đầu tư, đến nay, Sơn La đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư làm ăn. Điển hình như cuối tháng 9/2020, tại huyện Vân Hồ, Tập đoàn TH đã khánh thành Nhà máy Chế biến hoa quả với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, công suất 300 tấn hoa quả/ngày đêm. Dự án này khởi công tháng 1/2018, đã đi vào sản xuất giai đoạn I (2020 - 2025). Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, “giải quyết” hơn 35.000ha nguyên liệu.

Cuối năm 2020, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khởi công xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La tại xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) với quy mô hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Đây là cơ sở thứ 3 và là một trong những dự án lớn của doanh nghiệp này tại Sơn La.

Bài học từ Sơn La

Những hiện hữu về thay đổi cuộc sống người nông dân Sơn La càng minh chứng về chủ trương đúng, chính sách hợp lòng dân, triển khai thực hiện hiệu quả. Sau 5 năm nỗ lực đưa cây ăn quả lên đất dốc, từ một tỉnh chỉ bán sắn, bán ngô, Sơn La đã trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ 2 toàn quốc, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp”, với nhiều mô hình thu nhập  cao...

Toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 52.200ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả (trên 32.500 ha đất trồng lúa nương, ngô, sắn). Đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả trên 78.850ha; sản lượng trái cây các loại 336.330 tấn, cả diện tích và sản lượng gấp hơn 3,3 lần năm 2015; giá trị sản xuất đạt gần 3.040 tỷ đồng, bằng 22,1% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; tốc độ tăng bình quân 20,98%/năm.

Sơn La đã đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương; công nhận, quản lý và hướng dẫn khai thác nguồn giống cây đầu dòng. Nông dân thành thục ghép cây như những kỹ sư nông nghiệp lành nghề, với tổng diện tích trên 13.100ha ghép cải tạo; áp dụng kỹ thuật rải vụ, có thể cho nhãn, xoài thu hoạch dịp Tết với giá bán gấp 6 lần chính vụ; làm cho na ra nhiều lứa quả trong năm, thời gian thu hoạch kéo dài đến Tết Nguyên đán.

Độ dốc, độ cao và chênh lệch nhiệt độ ngày-đêm là những khó khăn sản xuất nông nghiệp trước đây, song đã biến thành lợi thế, tạo sản phẩm quả Sơn La có hương vị, chất lượng khác biệt với các địa phương khác.

Theo chị Phạm Thuỳ Trang, bài học rút ra đối với nhãn Sông Mã là nâng cao chất lượng, áp dụng kỹ thuật trồng trái vụ để tăng giá bán. Ví dụ, nhãn sớm đầu mùa bán với giá bình quân 50.000 đồng/kg. Cùng với đó, là sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành trong việc quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thu, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Võ Văn An cho biết, ngoài lợi thế để phát triển cây ăn quả, Sơn La có chính sách đầu tư rất kịp thời, nhất là chính sách đầu tư cho cây giống, xây dựng vườn, trang trại, thành lập HTX… Cùng với đó, làm rất mạnh công tác tiếp thị tìm đầu ra cho nông dân. Hiện, Sơn La có nhiều nhà máy chế biến lớn, thời gian qua tỉnh làm rất tốt việc này. Bài học lớn nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng quyết tâm thực hiện thành công tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Vai trò của HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 trong tạo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ được xác định đúng.

Tạo thế vững trong phát triển

Theo bà Lương Thị Như Hoa, Bí thư Huyện ủy Phù Yên, để có những “cú hích” mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp, song song với chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở triển khai hiệu quả chủ trương “trồng cây ăn quả trên đất dốc”, Sơn La còn triển khai nhiều chương trình quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, đã tổ chức các chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản gắn với văn hóa, du lịch…

 

t6.jpg
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ - Sơn La được Tập đoàn TH đầu tư giai đoạn 1, công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược/ngày đêm; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu.

 

Mỗi vụ thu hoạch quả, cả tỉnh như vào chiến dịch, tổ chức rầm rộ các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, như: Tuần hàng trái cây, nông sản an toàn; Hội chợ thương mại nông sản vùng Tây Bắc; Lễ hội hái mận Mộc Châu, Ngày hội xoài Yên Châu, Ngày hội nhãn Sông Mã.... Thị trường xuất khẩu quả ngày càng được mở rộng, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng toàn tỉnh vẫn xuất khẩu hơn 21.000 tấn quả các loại sang các thị trường: Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), UAE..., giúp nông dân 3 được (được mùa, được giá, được thu nhập).

Với phương châm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo hướng hiệu quả, bền vững, Sơn La luôn xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là tiêu chí hàng đầu. Vì vậy, việc bảo đảm ATTP đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục tại các vùng trồng cây ăn quả.

Theo ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới, Sơn La tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới hàng hóa chất lượng cao. Tiếp tục mời gọi doanh nghiệp, các đơn vị đầu mối mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như: Nhãn, xoài, thanh long, bơ, chanh leo, na...

Đồng thời, các địa phương, các đơn vị trong tỉnh sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm nông sản đến các thị trường trong và ngoài nước. Thường xuyên tổ chức các tuần hàng, tham gia các hội chợ trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh của Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản cũng như xây dựng các nhà máy chế biến nông sản để đảm bảo tính ổn định và bền vững.

Phân tích về bài học kinh nghiệm, theo ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, quan trọng nhất là người đứng đầu và tập thể cấp ủy phải rất đoàn kết, phải nghiên cứu để ban hành những cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống. Từ kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đội ngũ cán bộ phải vào cuộc rất quyết liệt, phân công nhiệm vụ rất cụ thể, có đôn đốc, kiểm tra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe theo quý và đôn đốc theo nhiệm vụ đã đề ra, địa phương nào chưa làm được bị phê bình nhắc nhở, nếu làm được sẽ động viên, khuyến khích kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNTN, cho rằng, Sơn La đã hợp tác rất tốt với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Đồng thời, liên kết tạo ra vùng nguyên liệu rất rộng lớn. Tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của HTX, góp phần kết nối giữa các hộ trồng cây ăn quả với doanh nghiệp, đối tác tiêu thụ, tạo ra vùng sản xuất tập trung, có điều kiện áp dụng công nghệ cũng như quy trình sản xuất an toàn và đây được xem là điểm sáng, hiện tượng Sơn La.

Nhìn lại 5 năm thực hiện chủ trương của Sơn La về phát triển cây ăn quả, tuy chưa đạt con số 100.000ha vào năm 2020, song kết quả trên cả mong đợi, đã làm xoay chuyển ngành nông nghiệp, tạo nên “hiện tượng nông nghiệp”. Từ chủ trương phát triển cây ăn quả như mũi tên trúng 3 đích. Ngoài hiệu quả kinh tế, còn mang hiệu quả xã hội tích cực: Giải quyết việc làm, thu nhập cho người nông dân thông qua việc thu hút các nhà máy chế biến quả; phát triển HTX sản xuất, chế biến quả đã góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Hiệu quả môi trường cũng thấy rõ, những vạt nương đã xanh lại bằng lá chắn cây ăn quả ngăn xói mòn, rửa trôi, bạc màu đất, tạo ra tính đa dạng sinh học.          

Với chính sách hỗ trợ kịp thời, cách làm, đầu tư bài bản từ chính quyền, người dân đến doanh nghiệp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không phát triển tràn lan, không làm kiểu phong trào, sản xuất có dự báo thị trường, tiêu thụ,... Sơn La là điểm sáng trong phát triển cây ăn quả, giá trị mang lại ngày một cao.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top