Các xã Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nằm ở cao trình trên 800m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, rất phù hợp cho các loài cây ăn quả ôn đới như lê, mận, đào sinh trưởng và phát triển.
Bà con nông dân tham quan mô hình tại xã Giang Ma.
Nhằm giúp người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, quy mô 37ha với 212 hộ thuộc 3 xã trên tham gia. Các chủng loại cây đưa vào trồng gồm: lê Đài Nông, lê DL21, đào chín sớm DCS1, đào chín sớm Flordaprince, mận Úc và hồng Fuju.
Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% cây giống và vật tư phân bón; được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn chi tiết kỹ thuật đào hố, ủ phân lót, trồng, chăm sóc, tỉa cành tạo tán cho cây.
Sau gần 3 năm trồng, các loại cây đều sinh trưởng, phát triển khá tốt. Mận đạt chiều cao cây 1,8 - 2m, đường kính tán 1,4-1,6 m, đường kính gốc 6- 7cm, tỷ lệ sống đạt 83%. Đào chiều cao cây bình quân đạt 1,8-2m, đường kính tán 1,6-2m, đường kính gốc 7-8cm, tỷ lệ sống đạt 85%. Lê chiều cao cây đạt 1,4-1,6m, đường kính tán 0,7 - 0,8m, đường kính gốc 5-6cm, tỷ lệ sống đạt 87%.
Cây đào đã cho thu hoạch bói khoảng 50 - 70% diện tích, năng suất đạt 600- 840kg/ha. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, cho thu nhập 18 - 25 triệu đồng/ha cây đào năm thứ 3. Một số diện tích mận cũng bắt đầu cho thu hoạch. Như vậy, có thể kết luận 3 loại cây đào, mận, lê rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại các xã Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng.
Anh Giàng A Sang, nông dân bản Bãi Bằng, xã Giang Ma, cho biết: “Gia đình tôi là một trong những hộ tham gia dự án được trồng 2 loại cây đào, lê. Qua 3 năm trồng, tôi thấy hai cây này sinh trưởng, phát triển rất tốt, một số cây đào đã cho thu hoạch. Tôi thấy các loại cây này rất phù hợp với điều kiện của địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ mua thêm giống để mở rộng diện tích”.
Từ triển vọng của mô hình, ông Trần Văn Sứng, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đường yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền 3 xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ kỹ thuật sát sao trong việc hướng dẫn người dân chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cho cây ăn quả; tham mưu cho huyện trong việc lập quy hoạch vùng trồng để phát triển mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.
Ông Hà Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu, đánh giá, dự án đã đạt kết quả tốt, đồng thời giao Trung tâm Khuyến nông và các cơ quan chuyên môn tiếp tục hướng dẫn người dân trong việc chăm sóc vườn cây, việc bảo quản và vận chuyển đào quả đến nơi tiêu thụ, tránh bị hư hỏng, giập nát.
Được biết, thời gian tới, huyện Tam Đường sẽ tiếp tục phát triển cây ăn quả ôn đới thông qua chính sách hỗ trợ theo Quyết định 29 của UBND tỉnh. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 112ha cây ăn quả ôn đới tại các xã Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng, Khun Há và Sơn Bình.
Hoàng Đình Chinh
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.