Xuất khẩu trái cây năm 2017 đạt gần 3,5 tỷ USD, cao hơn gạo, cà phê, cao su. Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển cây ăn quả bền vững.
Theo thống kê, năm 2016, cả nước có 857,4 nghìn hecta cây ăn trái, tăng 10% so với năm 2010. Sản lượng cây ăn trái đạt trên 8,5 triệu tấn. Xuất khẩu trái cây năm 2017 đạt gần 3,5 tỷ USD, cao hơn gạo, cà phê, cao su. Song bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển cây ăn quả bền vững.
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, cơ chế, chính sách, nhu cầu thị trường, thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong phát triển bền vững cây ăn quả vùng Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả vùng Nam Bộ”.
Phát triển cây trồng chủ lực
Phát biểu tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tại Vĩnh Long, TS. Nguyễn Như Hiến, Văn phòng phía Nam - Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Nam Bộ có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển cây ăn trái. Năm 2017, Nam Bộ có khoảng 431,4 ngàn ha cây ăn trái, chiếm 46,84% diện tích cây ăn trái cả nước và có xu hướng tăng thời gian gần đây.
Theo đánh giá của TS. Hiến, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới, thời gian gần đây, năng suất, chất lượng các loại trái cây trong vùng không ngừng tăng. Đặc biệt là bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long và chôm chôm.
TS. Hiến nêu rõ, tỷ trọng lớn trái cây xuất khẩu là từ vùng Nam Bộ. Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn ở vùng Nam Bộ là Tiền Giang (gần 75 ngàn ha), Đồng Nai (khoảng 50 ngàn ha), Vĩnh Long (trên 40 ngàn ha), Hậu Giang (khoảng 35 ngàn ha)... Các loại cây ăn trái có diện tích lớn của vùng là xoài (60,5 ngàn ha), chuối (52,2 ngàn hecta), cam (40,4 ngàn hecta), nhãn (34,4 ngàn ha), bưởi (37,8 ngàn ha), dứa (28,7 ngàn ha), chôm chôm (23,3 ngàn ha), sầu riêng (22,5 ngàn ha), thanh long (17,9 ngàn ha), quýt 12,7 ngàn ha (số liệu thống kê 2017).
“Sản xuất cây ăn trái theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được đặc biệt quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất theo VietGAP, Global GAP đã được thực hiện và chứng nhận trên chôm chôm, bưởi da xanh ở Bến Tre, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, khóm (dứa) ở Tiền Giang, xoài ở Đồng Tháp...; liên kết GAP sông Tiền đạt kết quả tốt.
Về tình hình tiêu thụ các sản phẩm trái cây chủ lực, ngoài các thị trường truyền thống, ngành hàng trái cây đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand”, TS. Hiến nhấn mạnh.
Song, theo đánh giá của đại diện Cục Trồng trọt, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như tình trạng sản xuất phân tán, manh mún còn phổ biến; số lượng vườn cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp còn chiếm tỷ lệ cao do phát triển “theo phong trào”, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng “trồng, chặt”; việc đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; chất lượng không đồng đều. Khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn ít, ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu.
Đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất cây ăn trái vùng Nam Bộ chưa thật sự bền vững; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được hình thành; doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chưa đầu tư, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhà thu mua yêu cầu; chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm...
Giải pháp phát triển bền vững
Đề cập đến giải pháp phát triển cây ăn quả bền vững vùng Nam Bộ trong thời gian tới, tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp tổ chức tại Bến Tre, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, các tỉnh trong vùng cần hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực, trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trên cơ sở đổi mới phương thức tiếp cận thị trường.
Cùng với đó, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, khai thác hiệu quả lợi thế và điều kiện sinh thái mỗi vùng, mỗi địa phương đối với từng loại cây; quan tâm đến cây ăn quả đặc sản nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh ở từng địa phương.
Các địa phương vùng Nam Bộ cần tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chuyển giao công nghệ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hoá lớn; hình thành quan hệ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trái cây.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, để giảm áp lực tính thời vụ đối với trái cây, nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân trồng cây ăn quả ở Nam Bộ đã thực hiện ngày càng tốt rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp và mang lại hiệu quả rõ rệt. Các tỉnh đã chỉ đạo, điều hành rải vụ thụ hoạch một số trái cây chủ lực như xoài, chôm chôm, nhãn, thanh long, sầu riêng trên diện rộng và mang lại hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2016, rải vụ thanh long đạt khoảng 60% diện tích, xoài 20%, sầu riêng 40%, nhãn 43%, mở ra hướng mới trong chỉ đạo, điều hành liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây của cả vùng.
Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn nhận định, việc chỉ đạo điều hành tốt rải vụ thu hoạch là vấn đề hết sức quan trọng, đây cũng chính là yếu tố đóng góp vào thành công trong việc xuất khẩu rau quả trong những năm qua. Nhiều loại rau quả của Việt Nam đã xuất sang được một số thị trường; trong đó có thị trường Trung Quốc, nơi trồng những loại cây giống như Việt Nam. Tuy nhiên, trong rải vụ cần quan tâm đến hai vấn đề, trước nhất là làm sao để rải vụ vào mùa nghịch mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Kế đến, nếu như tất cả các vùng đều tập trung rải vụ thì trong mùa nghịch lại xảy ra hiện tượng thừa, mùa thuận lại thiếu trái cây. Điều này cho thấy, vấn đề quy hoạch và liên kết vùng rất quan trọng.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Thị Oanh Yến, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng, giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, năng suất, sản lượng quả và giống mới chất lượng cao, mang tính khác lạ sẽ là sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Do đó, nên nhân giống từ cây đầu dòng để đảm bảo cây giống chất lượng và phát triển giống cây ăn trái sạch bệnh.
TS. Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ, về lâu dài, sản xuất rau quả nước ta cần có sự cải thiện tốt hơn nữa về chất lượng sản phẩm, nghĩa là phải đồng nhất, ổn định, tốt, có quanh năm và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu giải được bài toàn này, ngành rau quả sẽ khẳng định được thương hiệu để đứng vững trên thị trường và phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cũng đề nghị, cần thực hiện rà soát quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch để tạo ra vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, vùng nguyên liệu cho xuất khẩu hoặc chế biến. Sản xuất tập trung theo vùng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức nông dân thành các HTX, Tổ hợp tác gắn với chứng nhận sản phẩm...
Đồng thời, đẩy nhanh việc hình thành tổ chức liên kết của nông dân trong sản xuất trái cây như các câu lạc bộ, hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị giữa nông dân - doanh nghiệp theo từng loại sản phẩm trái cây.
Mặt khác, các đơn vị cơ sở cần phát huy hơn nữa các tổ, ban chỉ đạo sản xuất trái vụ, nghịch vụ trái cây đã được hình thành và phân công các tỉnh làm tổ trưởng.
Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông cần chú trọng tham gia nâng cao năng lực sản xuất của nông dân thông qua tập huấn, mô hình, phát tài liệu, tờ rơi....
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.