Để giữ lại màu xanh cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bên cạnh việc trồng, bảo vệ rừng, tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp để bà con phát triển, có thu nhập ổn định từ rừng.
Hiệu quả mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng
Năm 2020, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) lựa chọn thực hiện mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại 2 thôn: Bản Hột và Bản Kép. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt, số vụ phá rừng, cháy rừng giảm. Bên cạnh đó, rừng tạo sinh kế, bảo vệ nguồn nước sản xuất nông nghiệp và tạo thu nhập ổn định cho người dân từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Bà Lò Thị Thượng, thôn Bản Hột chế biến quả ré - lâm sản phụ trong rừng để tăng thu nhập cho gia đình.
Đến với các thôn Bản Hột và Bản Kép, chúng tôi thấy màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng tự nhiên trải dài trên sườn núi, ôm trọn những ngôi nhà dưới thung lũng, tạo môi trường sống trong lành cho người dân nơi đây. Những cánh rừng tự nhiên có diện tích gần 750ha, với nhiều loại cây tạo thành từng tầng tán, trong đó có rất nhiều cây gỗ nghiến quý hiếm. Từ bao đời nay, rừng đã bao bọc, bảo vệ và nuôi sống con người. Do đó, các hộ dân trong cộng đồng 2 thôn đều có ý thức và trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng khai thác rừng trái pháp luật, nhất là tình trạng khai thác gỗ nghiến khiến rừng bị xâm phạm, loại gỗ quý ngày càng hiếm.
Để bảo vệ rừng, năm 2020, UBND xã Mường Đun đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại 2 thôn: Bản Hột và Bản Kép. Mục đích xây dựng mô hình nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
UBND xã Mường Đun tổ chức họp, triển khai chủ trương thực hiện mô hình đến tất cả các hộ dân trên địa bàn 2 thôn; tổ chức cho người dân bầu, thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng gồm 6 người và thành lập tổ bảo vệ rừng với 30 người; tổ chức cho 170 hộ dân cả hai thôn đăng ký tham gia mô hình và ký cam kết bảo vệ rừng. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền xã, ban quản lý rừng cộng đồng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, văn bản pháp luật liên quan; thông báo vị trí, địa điểm, ranh giới diện tích rừng của cộng đồng trên cả bản đồ và ngoài thực địa cho người dân.
Hiện nay, 100% hộ dân 2 thôn đều nắm rõ vị trí, địa điểm các khu rừng được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Hàng tháng, hàng tuần, Ban quản lý rừng cộng đồng xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, PCCCR, kế hoạch khai thác lâm sản phụ để tổ bảo vệ rừng và người dân trong thôn tổ chức thực hiện. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, số vụ phá rừng, khai thác rừng trái phép tại 2 thôn: Bản Hột và Bản Kép đã giảm rõ rệt.
Ông Vì Văn Kim, Trưởng thôn Bản Hột cho biết: Từ khi triển khai thực hiện mô hình, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Người dân luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với diện tích rừng được giao quản lý. Hộ nào có nhu cầu khai thác gỗ làm nhà đều viết đơn, xin ý kiến của Ban quản lý rừng cộng đồng, UBND xã, nếu được cho phép thì mới khai thác và khai thác đúng vị trí, số lượng phê duyệt. Các thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng luôn làm việc trách nhiệm, nhiệt tình tham gia các buổi tuần tra, bảo vệ rừng.
Những khu rừng tự nhiên được quản lý bảo vệ tốt đã tạo sinh kế, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp tạo thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Rừng cung cấp củi khô phục vụ sinh hoạt, đun nấu; lâm sản phụ và cây dược liệu. Tán rừng rộng, thảm thực vật phong phú tạo thành nhiều bãi chăn thả giúp các hộ dân phát triển chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. Đặc biệt, hàng năm, cộng đồng 2 thôn đều được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống từng bước được cải thiện.
Ông Cà Văn Phiến, Chủ tịch UBND xã Mường Đun đánh giá: Mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại 2 thôn: Bản Hột và Bản Kép đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thông qua mô hình, người dân đã hiểu tầm quan trọng và giá trị của tài nguyên rừng và lợi ích rừng mang lại cho cuộc sống. Từ đó nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thời gian tới, xã Mường Đun sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, lựa chọn và nhân rộng mô hình ra nhiều cộng đồng trên địa bàn xã.
Mường Chà: Giao khoán quản lý, bảo vệ để giữ rừng bền vững
Với tổng diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 7.370ha, trải rộng trên địa bàn 3 xã của huyện Mường Chà, gồm: Mường Tùng, Huổi Lèng và Hừa Ngài, những năm qua, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Mường Chà là một trong những đơn vị triển khai tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến từng cộng đồng dân cư. Qua đó, rừng không chỉ được bảo vệ tốt mà cuộc sống người dân cũng khấm khá hơn nhờ hưởng lợi từ rừng.
Thành viên Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng bản San Xả Hồ, xã Hừa Ngài đi tuần tra rừng.
Giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, giảm các vụ cháy rừng, phá rừng. Để nhận được sự ủng hộ của đồng bào dân tộc thiểu số tại từng địa phương, BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ rừng. Đến nay, trong tổng diện tích hơn 7.370ha rừng được giao quản lý, bảo vệ và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã giao khoán gần 7.280ha rừng cho 13 cộng đồng thôn, bản và 6 nhóm hộ gia đình quản lý; hơn 91ha diện tích còn lại do Ban tự quản lý và bảo vệ.
Năm 2016, cộng đồng bản Pom Cại, xã Mường Tùng nhận giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 210ha rừng từ BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà. Bản có hơn 70 hộ dân, với 2 dân tộc là Mông và Thái cùng sinh sống và đều được nhận tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ðến nay, diện tích rừng giao cho người dân trong bản quản lý đã tăng lên gần 430ha, đều phát triển tốt; rừng không bị xâm hại, không xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Trưởng bản Pom Cại, Lò Văn Thân chia sẻ: Ðể bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng được giao khoán, bản Pom Cại đã thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng gồm 5 thành viên và Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng gồm 12 thành viên có nhiệm vụ định kỳ, đột xuất tuần tra, kiểm tra diện tích rừng đã được giao cho cộng đồng bản; tuyên truyền, vận động người thân, dân bản cùng chăm sóc, bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng. Giữ rừng tốt không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ ẩm cho đất, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp mà còn giúp bà con có thêm thu nhập. Thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua, bản đã được nhận số tiền tạm ứng hơn 151 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng của năm 2021. Số tiền trên, sau khi trích lại một phần để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng của bản, còn lại được chia đều cho các hộ dân nhận khoán. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã được đón một cái tết đủ đầy hơn.
Để công tác bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả, Ban Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà còn thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm 11 thành viên, chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm phân công trực 3 ngày luân phiên nhau. Theo ông Hạng A Thàng, Tổ trưởng Tổ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, các thành viên trong tổ chuyên trách sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các xã: Mường Tùng, Huổi Lèng, Hừa Ngài và lực lượng kiểm lâm địa bàn, các tổ quản lý bảo vệ rừng ở các thôn, bản tuần tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng, vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Vào mùa hanh khô, tổ tuần tra hướng dẫn người dân phát, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật, tránh để lửa cháy lan vào rừng; tổ chức dọn thực bì thường xuyên, phát đường băng cản lửa tại các vị trí giáp ranh; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Công tác giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng được triển khai hiệu quả, cũng nhờ vậy, diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà quản lý được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cũng ngày càng tăng. Nếu năm 2016, số tiền được nhận là hơn 900 triệu đồng, thì đến năm 2021 số tiền được nhận đã tăng lên hơn 4,2 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Điện Biên trên 14 tỷ đồng. Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt tăng thêm thu nhập cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, tinh thần gắn kết cộng đồng được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Xác định rừng là tài sản quý giá, không chỉ có tác dụng đối với bảo vệ môi trường thiên nhiên mà còn góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, những năm qua, đơn vị luôn làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, từ khi triển khai giao khoán các diện tích quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình thì ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt, qua đó giảm thiểu việc chặt phá rừng làm nương của người dân địa phương và các vụ khai thác gỗ trái phép. Mừng hơn nữa là người dân còn có thêm thu nhập từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó, bà con ngày càng đoàn kết cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng bảo vệ rừng bền vững.
Sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ giúp người dân, các chủ rừng có thêm thu nhập mà còn mang lại nguồn kinh phí để các thôn, bản xây dựng các công trình phúc lợi, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống cộng đồng. Khi chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, bà con, cộng đồng sẽ yên tâm gắn bó với rừng, tập trung quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.
Hệ thống mái tôn nhà văn hóa bản Mường Pồn 2 lắp đặt nhờ nguồn kinh phí chi trả DVMTR.
Cộng đồng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) có gần 60 hộ dân được giao quản lý và chăm sóc 217ha rừng. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng năm cộng đồng tổ dân phố 2 được chi trả phí DVMTR khoảng 100 triệu đồng. Dù số tiền được chi trả chưa nhiều nhưng tổ dân phố 2 đã trích phần lớn kinh phí dành cho các hoạt động của tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Nếu số tiền được chi trả còn dư, cộng đồng phố sẽ họp bàn để sử dụng vào mục đích sửa chữa các công trình công cộng hay mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho các hoạt động của tổ dân phố.
Ông Lò Văn Ngoan, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà chia sẻ: “Khi cộng đồng được hưởng tiền DVMTR, tổ dân phố đã tiến hành họp và xây dựng quy ước để sử dụng tiền DVMTR cho hợp lý, trong đó tập trung chủ yếu chi tiền cho tổ bảo vệ rừng để mọi người ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng. Số tiền đó là tài sản chung nên khi sử dụng vào mục đích gì khác, như: sửa chữa đường bê tông xuống cấp, hay nhà văn hóa, mua sắm thiết bị… chúng tôi đều phải họp bản và thông qua cộng đồng. Khi tập thể nhất trí, tổ dân phố mới được sử dụng để làm các việc đó, nếu không sẽ đưa vào quỹ chung nhằm duy trì các hoạt động của tổ dân phố”.
Việc sử dụng tiền DVMTR của các cộng đồng trên địa bàn xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) trong thời gian qua cũng phát huy hiệu quả rõ rệt. Toàn xã có gần 6.000ha đất có rừng; trong đó, diện tích được hưởng chi trả DVMTR là trên 3.500ha. Nhờ vậy, bình quân, mỗi năm người dân trên địa bàn xã được hưởng trên 3 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR, cao hơn so với nhiều xã khác cùng huyện Điện Biên. Công tác chi trả DVMTR tại xã Mường Pồn được triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống nhân dân.
Là bản gần trung tâm xã, bản Mường Pồn 2 (xã Mường Pồn) được giao quản lý bảo vệ hơn 900ha rừng. Số tiền được chi trả DVMTR bản đều dành phục vụ các hoạt động quản lý bảo vệ rừng; ngoài ra còn để xây dựng các công trình phúc lợi chung của cộng đồng. Dẫn chúng tôi tham quan nhà văn hóa của bản, anh Quàng Văn Trưởng, Trưởng bản Mường Pồn 2 cho biết: “Với diện tích được giao quản lý, bảo vệ hơn 900ha, từ năm 2020 trở về trước, bản đều được chi trả phí DVMTR cho toàn bộ số diện tích trên. Còn từ đó trở lại đây, do những vướng mắc, chưa thống nhất trên bản đồ nên bản chỉ được chi trả DVMTR khoảng 300ha. Với số tiền được chi trả, dân bản đã ổn định cuộc sống hơn; từ đó người dân cũng gắn bó với rừng, ký cam kết khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng được giao.
Để sử dụng tiền DVMTR một cách hợp lý, trước đó, chúng tôi sẽ tiến hành họp cấp ủy bản, sau đó họp chi bộ và họp dân; thống nhất sử dụng số tiền hiệu quả. Gần đây nhất, năm 2020, bản đã thống nhất sử dụng số tiền chi trả DVMTR để bắn mái tôn nhà văn hóa (trị giá khoảng 40 triệu đồng); mua sắm xoong nồi, bàn ghế, bát đĩa và tăng âm loa, đài, phục vụ cho các hoạt động của bản. Nhờ vậy, người dân trong bản cũng rất phấn khởi, trách nhiệm với rừng hơn”.
Có thể thấy, lợi ích từ DVMTR không chỉ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn đem lại nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân và xây dựng các công trình phúc lợi của thôn bản. Năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng lần 1, 2 qua tài khoản ngân hàng cho gần 760 chủ rừng. Trong đó, diện tích rừng đủ điều kiện tạm ứng là 186.025ha, với tổng số tiền tạm ứng trên 74 tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho người dân đúng quy định, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của các cộng đồng.
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Những năm qua, việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả tích cực, từ đó huy động được sức mạnh cộng đồng trong các thôn, bản, nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cùng với việc từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân, giúp họ thêm gắn bó với rừng. Hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí DVMTR của các cộng đồng. Thực tế cho thấy, số tiền DVMTR các cộng đồng được hưởng chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân. Đầu tiên nguồn kinh phí này sẽ dùng để trả công cho các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng. Một số địa phương, như: Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé… nhiều cộng đồng trên địa bàn đã sử dụng một phần kinh phí nhất định trong số tiền DVMTR được hưởng phục vụ cho việc mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất chung.
Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn, bản đã sử dụng một cách hợp lý nhằm xây dựng nhiều mô hình phát triển sinh kế, xây dựng các công trình phúc lợi và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các gia đình. Khi rừng phát triển đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cộng đồng; từ đó từng bước góp phần vào việc thực hiện thành công chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng ở Mường Nhé
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua Hạt Kiểm lâm Mường Nhé đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi diễn biến rừng bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS. Qua đó đã giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm… với tính chính xác cao.
Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền đến người dân xã Mường Nhé về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Huyện Mường Nhé có hơn 125.797ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó diện tích đất có rừng hơn 85.664ha. Diện tích rừng phân bố không tập trung; dân cư sống đan xen trong rừng, gần rừng nên việc quản lý, kiểm tra gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Trước đây, muốn theo dõi diễn biến rừng, lực lượng kiểm lâm phải tổ chức các đợt kiểm tra tại hiện trường; chủ yếu sử dụng bản đồ giấy gặp khó khăn trong việc xác định diện tích, vị trí hiện trạng rừng thay đổi. Phương pháp này cần rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả lại không cao; việc xác minh một số vụ việc liên quan đến diễn biến của rừng còn hay bỏ sót, nhầm lẫn. Do đó số liệu hiện trạng rừng chưa đảm bảo độ chính xác với tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện.
Ông Nguyễn Đình Cương, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé cho biết: Để khắc phục hạn chế trên, thời gian gần đây Hạt Kiểm lâm Mường Nhé đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, đơn vị đã và đang khai thác, sử dụng ảnh vệ tinh trên một số nền tảng website: https://eos.com; https://www.planet.com, hoặc trên Google Earth. Đồng thời, theo dõi các điểm cháy rừng qua hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm (tại địa chỉ http://www.kiemlam.org.vn/). Cuối năm 2021 đơn vị đã được trang bị và sử dụng biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động.
Hiện nay, 100% cán bộ, công chức Hạt Kiểm lâm Mường Nhé được đào tạo, tập huấn, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh để kiểm tra, cập nhật các điểm biến động tăng rừng, giảm rừng trên địa bàn. Để thu thập các biến động về rừng, lực lượng kiểm lâm sử dụng máy định vị cầm tay GPS hoặc một số phần mềm phổ biến, như: FRMS mobie (sử dụng trên máy tính bảng, điện thoại thông minh), Mapinfo (sử dụng trên máy vi tính) và đặc biệt là sử dụng ảnh vệ tinh đa thời gian trên các website trực tuyến (ảnh được cập nhật hàng ngày) để phát hiện, thu thập, khoanh vẽ diện tích đồng bộ hoặc xuất dữ liệu cập nhật vào phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS của Tổng cục Lâm nghiệp, làm cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền công bố hiện trạng rừng hàng năm.
Việc theo dõi qua vệ tinh, các phần mềm công nghệ thông tin nhằm phát hiện sớm, kịp thời các điểm cháy, phá rừng giúp ngăn ngừa, huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời, không để cháy lớn xảy ra. Căn cứ vào vị trí, toạ độ điểm cháy từ vệ tinh để biết chính xác điểm cháy thuộc tiểu khu, khoảnh, lô. Tương tự, việc sử dụng biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động giúp cho việc cảnh báo những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao được nhanh chóng, kịp thời. Thông tin về cấp dự báo cháy rừng được chuyển qua SMS cho lực lượng kiểm lâm, không cần phải tính toán, xác định cấp dự báo cháy rừng.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bảo vệ rừng, năm 2021 Hạt Kiểm lâm Mường Nhé đã phát hiện 11 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; đã xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 76 triệu đồng. Điển hình, thông qua khai thác, sử dụng ảnh vệ tinh trên nền tảng website: https://eos.com; https://www.planet.com/, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý kịp thời 1 vụ phá rừng tại xã Nậm Vì; phát hiện 4 điểm cháy nhỏ trên địa bàn xã Chung Chải. Nhờ đó, số vụ vi phạm rừng giảm 35 vụ, diện tích bị thiệt hại giảm 14,76ha (giảm 95% thiệt hại về diện tích); tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,6%.
Giữ rừng bằng hương ước
“Tùy mức độ vi phạm, cá nhân hoặc hộ gia đình sẽ không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng trong năm, thậm chí không được tham gia vào các sinh hoạt, hoạt động truyền thống của bản”. Đó là một trong những quy định được người dân bản Nậm Chan 1, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng thống nhất đưa vào hương ước bảo vệ rừng trong nhiều năm qua.
Rừng ngay cạnh bản Nậm Chan 1 nhưng luôn được bảo vệ phát triển xanh tốt.
Không phải ngẫu nhiên dân bản Nậm Chan 1 có ý thức bảo vệ rừng tốt. Theo các cụ cao niên trong bản, nhiều năm về trước, cánh rừng quanh bản gần như bị “khai tử” để trồng lúa, ngô. Mấy vụ đầu, ngô, lúa được hạt. Về sau bạc màu, người dân lại chuyển sang phá rừng khác để làm nương, vì vậy rừng thưa dần. Cây măng, cây nấm, mật ong rừng không còn. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, khi hậu quả của việc phá rừng tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, người dân trong bản mới thấy thấm thía!
Tiếc rừng, nhưng không phải đã hết cơ hội khi bản Nậm Chan 1 được giao chăm sóc, bảo vệ trên 800ha rừng để hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đồng lòng, quyết tâm giữ rừng, hương ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng gồm 6 chương, 20 điều được dân bản Nậm Chan 1 thống nhất xây dựng. Trong hương ước quy định chi tiết từ việc sử dụng, phát triển tài nguyên rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), chăn thả gia súc, đốt nương... đến các quy định về việc xử phạt. Nhẹ thì phạt bồi thường từ 50 - 200 nghìn đồng. Nặng hơn, nếu diện tích rừng bị thiệt hại từ 200m2 trở lên, ngoài chịu xử lý theo quy định của pháp luật, người vi phạm sẽ không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng trong năm đó, không được bản xem xét ưu tiên khai thác lâm sản ngoài gỗ trong 6 tháng; đồng thời phải kiểm điểm trước cộng đồng và không cho tham gia vào hoạt động truyền thống của bản…
Lật giở từng trang quy ước trên tay, Trưởng bản Lý A Bìa chậm rãi cho biết: Hương ước được xây dựng dựa trên quy định tại một số luật của Nhà nước như: Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng... Là bản khó khăn nhất của xã Mường Đăng, bản có 66 hộ, trên 328 nhân khẩu, có 44 hộ nghèo, nhưng người Mông ở Nậm Chan 1 không vì khó khăn mà làm liều. Từ nhiều năm nay bản không phải bắt, phạt trường hợp nào, vì ai cũng có ý thức giữ rừng, tuyệt đối tuân thủ hương ước do chính mình tham gia xây dựng. Đều đặn mỗi tháng, tổ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR của bản gồm 10 người luân phiên nhau đi tuần tra rừng.
Không chỉ ở Nậm Chan 1, những năm gần đây nhiều cánh rừng ở Mường Đăng ngày càng xanh tốt nhờ cách bảo vệ rừng bằng hương ước, quy ước. Người dân bản các bản Nậm Chan 1, Nậm Chan 2, Nậm Pọng, Pơ Mu giờ đây đã được hưởng những trái ngọt từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, như: nấm, măng, sa nhân, hạt dẻ...
Anh Lý A Chài, thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng bản Nậm Chan 1 chia sẻ: Rừng cho dân mình nguồn nước, không khí trong lành, mát mẻ, che chắn gió bão nên người dân ai cũng tự giác bảo vệ rừng. Bởi vậy tuy rừng gần như thế nhưng dân bản không ai dám tự tiện vào rừng khai thác. Kể cả việc lấy củi trong rừng, người dân cũng không được chặt những cây còn sống mà phải lấy củi khô. Việc thu hái các loại sản vật khác cũng vậy, người dân không bao giờ lấy kiệt. Gắn bó với rừng, sống cùng rừng, hưởng lợi từ rừng nên người dân bản Nậm Chan 1 coi việc giữ rừng luôn xanh tốt cũng là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.
Hàng năm, bản Nậm Chan 1 được chi trả trên 300 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (từ năm 2017). Bản thống nhất để lại mỗi năm 30 triệu đồng làm quỹ duy trì các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, như: Mua trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, hội họp, tổng kết, khen thưởng, mua dụng cụ PCCCR và chi phụ cấp cho các thành viên trong tổ bảo vệ rừng, còn lại chia đều cho các hộ trong bản, tạo động lực khích lệ người dân gắn bó với rừng.
Tâm đắc với cách giữ rừng của bản Nậm Chan 1, ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Đăng đánh giá: Hương ước giữ rừng được người dân trong bản thực hiện nghiêm nên ý thức bảo vệ rừng được nâng lên, nhiều năm nay trên địa bàn không xảy ra cháy rừng; không còn hiện tượng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Qua đó góp phần giúp xã Mường Đăng có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất huyện Mường Ảng.
Hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng
Những năm qua, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tỉnh đã tổ chức ký hợp đồng thuê khoán, giao khoán bảo vệ rừng với các tổ chức, cộng đồng các thôn bản trên địa bàn. Giao khoán bảo vệ rừng mang lại lợi ích kép, vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng phá rừng giảm hẳn, người dân có điều kiện vươn lên nâng cao đời sống.
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Ban quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng tuần tra, bảo vệ rừng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5 ban quản lý rừng gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện Điện Biên, Tuần Giáo và Mường Chà; Ban quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng; Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, các ban đã tổ chức hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 48.577ha rừng cho 116 cộng đồng thôn, bản với 7.206 hộ dân tham gia nhận khoán. Các thôn bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng sẽ được hưởng dịch vụ môi trường rừng đồng thời, được khai thác lâm sản phụ ngoài gỗ để tạo sinh kế, tăng thu nhập. Trên cơ sở hợp đồng ký kết, các thôn bản thành lập các tổ bảo vệ rừng thôn bản để tổ chức tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đánh giá: Việc giao khoán bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng cho các cộng đồng góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, các ban quản lý rừng được tăng cường thêm lực lượng tuần tra bảo vệ rừng giúp hạn chế cháy rừng và các vụ vi phạm, xâm phạm diện tích rừng. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa người dân với lực lượng bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ban quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng được giao quản lý, bảo vệ 2.221,35ha rừng đặc dụng thuộc 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ). Ông Trần Xuân Thắng, Giám đốc Ban quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng cho biết: Quản lý diện tích rừng lớn, có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng, Ban xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng năm là bảo vệ tốt diện tích rừng được giao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, những năm qua, ngoài lực lượng của đơn vị, Ban đã tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang.
Hiện nay, ban đang ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 26 cộng đồng với 1.877 hộ dân tham gia. 26 cộng đồng nhận khoán thành đã thành lập 26 tổ bảo vệ rừng thôn, bản. Số lượng thành viên của tổ bảo vệ rừng từ 10 - 20 người, có thôn bản 100% các hộ đều tham gia vào tổ bảo vệ. Các tổ xây kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng 2 - 4 lần/tháng, ngoài ra còn thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của ban đi kiểm tra rừng. Tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, các thôn bản được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Năm 2021, Ban đã thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 cho 26 thôn bản với số tiền gần 1 tỷ đồng. Tiền dịch vụ môi trường rừng giúp các tổ bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả và góp phấn tăng thu nhập cho các hộ tham gia nhận khoán.
Thực hiện giao khoán, bảo vệ, thời gian qua trên địa bàn 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang đã hạn chế được tình trạng phá rừng, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở. Ngoài ra, từ những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác một số lâm sản phụ như cây dược liệu dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đem lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình.
Ông Lường Văn Đại, Trưởng bản Phăng 1, xã Mường Phăng cho biết: Thôn Phăng 1 và Phăng 2 có 155 hộ dân cùng nhận khoản quản lý, bảo vệ diện tích 236.05ha rừng đặc dụng. Hai thôn thành lập hai tổ bảo vệ rừng luân phiên đi tuần tra, bảo vệ rừng. Năm 2021, thôn được nhận được gần 107 triệu đồng tiền dich vụ môi trường rừng. Hai thôn đã thống nhất sử dụng phần lớn số tiền trên để phục vụ các hoạt động của tổ bảo vệ rừng, phần còn lại chia đều cho các hộ tham gia nhận khoán. Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, các hộ dân trong bản đều có ý thức tự giác, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, nhiều năm nay, diện tích rừng do bản nhận khoán không xảy ra cháy rừng, phá rừng.
Việc giao khoán, thuê khoán rừng cho các cộng đồng thôn bản bảo vệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao. Rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều qua các năm. Từ đó, góp phần quan trọng giúp các ban quản lý rừng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được UBND tỉnh giao.
Quản lý từ “gốc”, ngăn chặn vi phạm
Để giữ lại màu xanh cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc trồng và phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý, bảo vệ rừng được làm tốt ngay từ “gốc” đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm trong chế biến lâm sản, nhất là chế biến gỗ.
Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Nhé kiểm tra hoạt động của cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.
Mường Chà hiện có 8 hộ gia đình, cá nhân chế biến thương mại lâm sản, trong đó chủ yếu là gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Tham gia chế biến gỗ, hầu hết cơ sở trên địa bàn huyện đều chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, sử dụng nguồn gốc gỗ đưa vào chế biến rõ ràng, như: Gỗ rừng sản xuất và gỗ nhập khẩu được mua lại của các công ty kinh doanh gỗ trong và ngoài tỉnh.
Ông Hoàng Quốc Hưng, chủ cơ sở chế biến gỗ tại thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) chia sẻ: Phục vụ nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ gỗ của nhân dân, chúng tôi phải lựa chọn các loại gỗ không chỉ đảm bảo về chất lượng mà phải có nguồn gốc rõ ràng. Điều này cũng thường xuyên được lực lượng kiểm lâm tuyên truyền. Chúng tôi tuân thủ nghiêm túc các quy định về thủ tục và nguồn gốc lâm sản trước khi thu mua chế biến thành các sản phẩm. Ngoài nguồn nguyên liệu của người trồng rừng, chúng tôi còn sử dụng các loại gỗ nhập khẩu; nếu gỗ không rõ nguồn gốc thì sẽ không thu mua vì như vậy vừa vi phạm pháp luật lại ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở.
Ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: trên địa bàn huyện chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân chế biến lâm sản, trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ. Để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, quản lý tốt hoạt động chế biến lâm sản, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép với các buổi họp bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó phân công kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ. Việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị chế biến lâm sản cũng là một giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng tốt hơn, không để xảy ra các điểm “nóng” về phá rừng tự nhiên lấy gỗ hay lâm sản.
Hiện nay, toàn tỉnh có 87 cơ sở chế biến, thương mại lâm sản, trong đó chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân. Mặc dù quy mô chế biến lâm sản trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún, song kể từ ngày 1/1/2019, Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có hiệu lực, việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản được quản lý chặt chẽ hơn. Càng thuận lợi hơn khi Thông tư 27 là “cái gậy” và cơ sở để kiểm lâm địa bàn, cơ quan chức năng có căn cứ kịp thời xử lý các đơn vị vi phạm quy định về chế biến lâm sản.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Những năm trước đây, công tác quản lý các cơ sở chế biến lâm sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, gần đây, các quy định của pháp luật đã được quy định chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động chế biến lâm sản. Trong đó, Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định khá rõ ràng và chúng tôi đã bám sát các quy định đó để kiểm tra, truy xuất đối với các loại lâm sản, trong đó có gỗ.
Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở và cá nhân chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập nguyên liệu gỗ từ 3 nguồn hợp pháp là: Gỗ nhập khẩu, gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng, rừng sản xuất hay một số cơ sở thu mua được gỗ từ việc xử lý vi phạm. Bên cạnh việc kiểm tra và truy xuất nguồn gốc gỗ, hàng năm, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan liên ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Việc quản lý rừng từ “gốc” sẽ góp phần hạn chế các vi phạm liên quan đến hoạt động chế biến lâm sản. Khi rừng được quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, người dân không thể tự ý khai thác gỗ bán cho các hộ gia đình hay cơ sở chế biến.
Đồng thời, kiểm lâm địa bàn cũng tăng cường kiểm tra đối với các xưởng, cơ sở chế biến lâm sản, đơn vị nào có dấu hiệu vi phạm sẽ bị xử lý; từ đó nâng cao ý thức của hộ gia đình, cá nhân trong việc chế biến lâm sản. Nhờ vậy, thời gian gần đây, hầu hết cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đều chấp hành đúng quy định của pháp luật; việc vi phạm tại các cơ sở chế biến liên quan đến nguồn gốc gỗ hầu như không có mà chủ yếu vi phạm về các thủ tục hành chính.
Mặc dù, không có vi phạm nghiêm trọng, không có tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên, song hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm lâm sản, đồ dùng bằng gỗ vẫn khá phổ biến. Thực tế đó càng khẳng định tầm quan trọng của công tác quản lý, rà roát, thống kê, kiểm tra, theo dõi hoạt động chế biến gỗ của các cơ sở trên địa bàn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng phải làm tốt ngay từ “gốc” sẽ là điều kiện tiên quyết hạn chế các vụ vi phạm trong hoạt động chế biến gỗ.
Không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng mà mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân chế biến lâm sản cũng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về chế biến lâm sản, có như vậy mới giúp người sản xuất chứng nhận được nguồn gốc, thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.