Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2019 | 13:45

Phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao

Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp với Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao”.

 

Nhiều tiềm năng

an_giang1.JPG

Tham quan mô hình trồng nấm rơm dạng trụ tại hộ ông Dương Văn Tài, ấp Hòa Lợi 3, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

 

Việt Nam có nhiều tiềm năng về sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO, 2019) thì sản xuất nấm ở nước ta xếp hàng thứ 9 trong khu vực, bằng 0,3% sản lượng nấm của Trung Quốc và 0,23% tổng sản lượng nấm của thế giới.

Theo kết quả điều tra sản xuất nấm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (2018), sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu thời gian qua có nhiều thay đổi theo xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, sản xuất nấm còn tồn tại những hạn chế như: Sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, tiêu thụ tự túc, dễ gặp rủi ro, thiếu ổn định; liên kết chuỗi giá trị còn ít và không lâu dài; kỹ thuật sản xuất của nông dân không đồng đều, thiếu cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Đồng Nai là tỉnh có ngành sản xuất nấm điển hình và tiêu biểu nhất tại vùng Nam Bộ, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 hộ tham gia sản xuất và chế biến nấm. Tại An Giang, từ năm 2014 đến nay, diện tích trồng nấm ăn (chủ yếu là nấm rơm) không ngừng tăng; năm 2014 có 300ha, đến nay duy trì khoảng 400ha. Kinh nghiệm sản xuất nấm không ngừng được cải tiến qua từng năm, nhờ đó sản lượng tăng dần, từ trên 3.000 tấn năm 2014 lên 4.200 tấn năm 2018, năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha.

Ngoài ra, các tỉnh, thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang... cũng tham gia sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, chủ yếu là sản xuất nấm rơm và nấm bào ngư. Hình thức sản xuất quy mô nông hộ là phổ biến nhất, các hộ tự sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua thương lái tại nơi sản xuất, một số ít tiêu thụ ở cửa hàng, siêu thị hoặc chế biến thành các sản phẩm (muối, sấy khô).

Tận dụng nguồn nguyên liệu lớn

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, cho biết, An Giang là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất lúa gạo với sản lượng lúa hàng năm khoảng 4 triệu tấn, chiếm 9% tổng sản lượng. Ngành công nghiệp chế biến lúa gạo trên địa bàn  cũng phát triển mạnh mẽ với hàng trăm doanh nghiệp chế biến và cơ sở xay xát, thải ra lượng trấu khoảng 800.000 tấn/năm. Đồng thời, một lượng lớn rơm rạ khổng lồ cũng cũng được sản sinh ra từ quá trình thu hoạch lúa, tương đương 2 triệu tấn/năm.

Theo bà Vân, nguồn tài nguyên sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn; các phụ phẩm như trấu, rơm rạ, sản phẩm phụ từ cây màu,… được tận dụng, khai thác sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau đã góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Vân cho rằng, An Giang đã sớm nhận thức về các tác động môi trường phát sinh từ quá trình canh tác, chế biến lúa và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trước đây, do chưa có quy hoạch cụ thể, chưa xác định được rõ ràng các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường nên việc sử dụng rơm rạ, mạt cưa, bã mía, cùi bắp, trấu… vào các mục đích không phù hợp.

Nhưng hiện nay, An Giang đã ban hành “Chiến lược quản lý và sử dụng năng lượng sinh khối từ chất thải của cây lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu” với mục tiêu đến năm 2020 cắt giảm phát thải khí nhà kính và giảm lượng khí thải nhà kính là 33.601 tấn CO2/năm và 300.888 tấn/CO2/năm, thông qua các biện pháp như thu gom và sử dụng hiệu quả rơm rạ, trấu và các phụ phẩm khác từ nông nghiệp…

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chính sách thu hút, mời gọi doanh nghiệp liên kết tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các viện, trường đại học trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình trồng nấm ăn đạt hiệu quả cao…

Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đang gặp không ít khó khăn về giải pháp công nghệ, nguồn giống nấm, chính sách ưu đãi về vốn vay cho người trồng nấm,…

Nhóm giải pháp phát triển

Để phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao, TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng, ngành nông nghiệp địa phương cần có quy hoạch của từng vùng về chủng loại nấm, mùa vụ sản xuất, gắn sản xuất với thị trường.

Về tổ chức sản xuất, cần theo hình thức cộng đồng nông dân như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, câu lạc bộ cùng sở thích, làm cơ sở để tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, liên kết sản xuất.

TS. Trần Văn Khởi yêu cầu các địa phương cần tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân như giống mới, quy trình sản xuất mới, chế biến... Xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất về xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại sản phẩm phục vụ tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Đồng thời, TS. Trần Văn Khởi cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố tăng cường hơn nữa tư vấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất nấm, tiến bộ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, thủ tục hình thành và vận hành các tổ chức của nông dân...

 

 

Đỗ Tuấn - Nguyễn Nhung
Ý kiến bạn đọc
Top