Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 11 năm 2021 | 18:59

Phó Bí thư thị trấn Kẻ Sặt có biết thủ quỹ thu tiền của người mua đất?

Người dân cho biết, đã nộp tiền mua đất hàng trăm triệu đồng, nhưng trong văn bản gửi UBND huyện Bình Giang (Hải Dương), ông Quách Văn Hưng, khi là Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt, lại báo cáo là đất không được Nhà nước giao, gia đình tự sử dụng.

Bức xúc vì bỏ tiền mua nhưng đất không được cấp sổ đỏ
 
Trong đơn gửi Kinh tế nông thôn, các hộ dân đã nộp tiền mua đất nằm đối diện UBND thị trấn Kẻ Sặt (trước là UBND xã Tráng Liệt) cho biết, UBND xã Tráng Liệt đã bán đất cho dân, đã thu tiền, nhưng đến bây giờ vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ, mặc dù dân đã xây dựng nhà cao tầng và sinh sống ở đó từ năm 2015.
dsc_6644.JPG
Khu đất bán cho các hộ dân đã được xây dựng nhà kiên cố.
 
Theo ông Phạm Đức Thuận (người dân xã Tráng Liệt), năm 2012, gia đình thông gia với ông được chính quyền xã bán cho thửa đất có diện tích 90m2 nằm đối diện UBND xã. Khu đất này trước kia là Trường THCS Tráng Liệt. Sau khi trường này chuyển đến địa điểm mới, UBND xã chia thành 13 thửa để bán cho người dân trên địa bàn.
 
dsc_6633.JPG
Ông Phạm Đức Thuận đề nghị chính quyền cấp giấy CNQSD đất cho gia đình ông.
Do chưa có nhu cầu sử dụng nên gia đình thông gia đã nhượng thửa đất trên cho ông Thuận. Để là chủ sử dụng hợp pháp và thuận tiện làm các thủ tục sau này, thông gia và ông Thuận đã đến UBND xã làm các thủ tục chuyển đổi tên người nộp tiền từ tên của gia đình thông gia sang tên ông Thuận.
 
Ông Thuận nói: “Tôi đã 2 lần nộp tiền cho UBND xã Tráng Liệt, với tổng số tiền lên đến 600 triệu đồng. Lần thứ nhất nộp 500 triệu đồng (ngày 07/9/2012); lần thứ 2 nộp số tiền còn lại (ngày 08/6/2015). Cả hai lần nộp tiền đều do ông Trần Tuấn Hảo là cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ UBND xã thu và đưa phiếu thu có đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt. Hiện nay, gia đình đã xây dựng nhà cao tầng trên thửa đất này để sinh sống”.
 
tráng-liệt-3.jpg
Phiếu thu tiền mua đất của UBND xã Tráng Liệt. 

 

Không chỉ gia đình của ông Thuận mà 13 hộ gia đình mua đất ở đây đã nộp tiền cho UBND xã, tất cả đều có phiếu thu và những phiếu thu này đều được đóng dấu treo của UBND xã Tráng Liệt, thủ quỹ thu tiền là ông Trần Tuấn Hảo.
 
Điều làm cho ông Thuận và các hộ dân ở đây rất bức xúc, đó là họ đã nộp tiền mua đất cho thủ quỹ, có phiếu thu, đã xây dựng nhà cao tầng kiên cố và cũng đã rất nhiều lần đề nghị chính quyền hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy CNQSDĐ, nhưng mãi vẫn chưa được cấp.
 
Ông Thuận và các hộ dân ở đây đề nghị chính quyền xem xét và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ, bảo đảm quyền lợi của người dân.
 
 
Ngỡ ngàng vì đất “chưa được Nhà nước giao”
 
Ngày 31/10/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương có Kết luận Thanh tra số 08/KL-STNMT về việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với UBND xã Tráng Liệt trong công tác quản lý, sử dụng đất.
20211113_164550.jpg
Đất trước UBND xã Tráng Liệt được Kết luận là đất CDK (đất chuyên dùng khác – trường học, sân vận động).

 

 
Trong Kết luận, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương chỉ rõ: Đối với đất chuyên dùng: Tại vị trí đối diện UBND xã Tráng Liệt, diện tích khoảng 1.579,8m2. Theo hồ sơ quản lý, diện tích đất này thuộc thửa số 331 và một phần thửa số 330 tờ bản đồ số 01, đất dân cư đo vẽ năm 2001, loại đất CDK (đất chuyên dùng khác – trường học, sân vận động), do UBND xã Tráng Liệt quản lý nhưng hiện trạng đã được chia làm 13 thửa, trong đó có 12 thửa người dân đã xây nhà ở kiên cố, tại thời điểm thanh tra vẫn còn 01 hộ đang xây dựng nhà ở nhưng UBND xã không có biện pháp ngăn chặn.
 
Các hộ dân bức xúc cho biết: Thời gian gần đây, chúng tôi mới được tiếp cận một văn bản của UBND xã Tráng Liệt do Chủ tịch UBND xã Quách Văn Hưng ký, đó là Biên bản Tổng hợp xác định nguồn gốc, diện tích sử dụng đất của các hộ vi phạm đất đai theo Kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường. Điều làm cho chúng tôi hết sức ngờ ngàng là toàn bộ những hộ dân mua đất và đã nộp tiền cho UBND xã, thì trong văn bản mà Chủ tịch Quách Văn Hưng báo cáo là đất không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép, gia đình tự ý sử dụng.
 
hưng.jpg
UBND xã Tráng Liệt báo cáo hộ ông Thuận đang sử dụng đất chưa được giao, cấp phép, gia đình tự sử dụng
Ông Thuận bức xúc: “Tại sao lại nói chúng tôi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép, gia đình tự ý sử dụng? Chúng tôi đã nộp tiền cho UBND xã, có phiếu thu, được cán bộ địa chính xã xuống đo đạc, cắm mốc giới để xây dựng, chứ chúng tôi có tự ý xây dựng đâu. Nói như ông Quách Văn Hưng trong văn bản này thì tất cả các hộ dân chúng tôi ở đây lấn chiếm đất do chính quyền quản lý”.
 
Qua tìm hiểu, phóng viên Kinh tế nông thôn được người dân ở đây cung cấp Biên bản Tổng hợp xác định nguồn gốc, diện tích sử dụng đất của các hộ vi phạm đất đai theo Kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, do Chủ tịch Quách Văn Hưng ký ngày 28/6/2018. Trong Biên bản này, UBND xã Tráng Liệt xác định có 13 hộ dân xây dựng trên thửa đất số 331; tờ bản đồ số 01; bản đồ đo vẽ năm 2001 thể hiện là đất sân vận động do UBND xã quản lý tại khu Hạ là đất không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cấp phép, gia đình tự sử dụng.
 
Theo thông tin mà phóng viên Kinh tế nông thôn thu thập được, các hộ dân ở đây đều đã nộp tiền mua đất cho UBND xã. Cụ thể: Hộ ông Phạm Đức Thuận nộp 600 triệu đồng; hộ bà Phạm Quỳnh Nga nộp 600 triệu đồng; hộ ông Vũ Đức Hoan 550 triệu đồng… Thu với số tiền khoảng 600 triệu đồng/hộ, thủ quỹ của xã Tráng Liệt thu của các hộ dân hàng tỷ đồng.
 
Câu hỏi được dư luận đặt ra là: Ông Quách Văn Hưng là Chủ tịch UBND xã Tráng Việt lúc bấy giờ có biết việc nhân viên văn phòng kiêm thủ quỹ UBND xã thu một khoản tiền lớn như thế? Việc ông Hưng, UBND xã Tráng Liệt buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai đã rõ ràng; còn các hộ gia đình có “tự sử dụng” đất hay không rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
 
Huyện Bình Giang đã có văn bản yêu cầu UBND thị trấn Kẻ Sặt báo cáo nội dung báo chí nêu về việc các hộ dân phản ánh, giải trình số tiền đã thu, quản lý và sử dụng như thế nào, Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top