Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 7 năm 2018 | 13:34

Phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi mùa mưa, bão

Mưa, bão không chỉ gây khan hiếm nguồn thức ăn mà còn dễ phát sinh và phát tán dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, vì vậy, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc để tăng khả năng chống chịu cho vật nuôi.

2.jpg
Phun khử trùng tiêu độc chuồng trại.

 

Biện pháp thực hiện trước mùa mưa bão, lũ lụt

Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ngay từ thời điểm này, các địa phương cần đôn đốc các hộ chăn nuôi, trang trại đảm bảo chuồng trại vững chắc. Tu sửa và chằng chống lại chuồng trại. Mái chuồng cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão. Đồng thời, đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi.

Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt.

Quan trọng là, cần dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất: Dự trữ thức ăn xanh, phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân cây bắp đối với trâu, bò; Dự trữ thức ăn tinh và thức ăn hỗn hợp  đối với lợn, gia cầm. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.

Cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để đảm bảo đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi.

Dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa,… dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi.

Những ngày mưa bão lớn thường bị mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, bếp trấu, củi…

Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầm lớn thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do bão lụt.

Biện pháp thực hiện trong và sau mưa bão, lũ lụt

Về chuồng nuôi, cần thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi. Tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1 - 2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.

Đối với việc chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi, luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh. Chú ý giữ ấm cho gia súc, gia cầm; Hạn chế chăn thả trong mùa mưa lũ.

Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

Công tác thú y

Các đơn vị cần hướng dẫn thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Hàng ngày, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy định và có biện pháp xử lý sát trùng.

Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật  nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông  viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

Sau bão lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả.

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là trong mùa mưa bão, cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.


 

 

Tạ Thúy Hạnh
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top