Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đang chung sức, đồng lòng đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nhiều tín hiệu tích cực đang đang được đơm hoa kết trái.
Phát triển bền vững cây ăn quả có múi
Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trên địa bàn tỉnh diện tích cây ăn quả có múi, nhất là các giống bưởi liên tục tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 2013, diện tích bưởi chỉ là hơn 1.470ha, sản lượng hơn 9.800 tấn quả; đến nay, tổng diện tích đạt hơn 4.900ha, trong đó có 3.000ha bưởi cho thu hoạch, sản lượng bưởi quả đạt trên 34.000 tấn. Giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích cho thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Tại nhiều địa phương, người dân còn chủ động trồng thử nghiệm các giống bưởi khác như bưởi Xuân Vân, bưởi Da Xanh, bưởi Đỏ... được đánh giá thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh, cho chất lượng ban đầu khá tốt.
Đoan Hùng là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích trồng bưởi, hiện có 2.450ha. Trong đó, giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu 530ha, bưởi Bằng Luân 890ha, bưởi Diễn là 830ha, còn lại là một số giống bưởi khác. Với sản lượng bưởi đặc sản 8.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt trên 180 tỷ đồng; so sánh với các cây trồng khác, bình quân 1ha bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè. Tới nay, cây bưởi đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Xã Chí Đám hiện có trên 90ha với khoảng 2.700 gốc bưởi Sửu, năng suất trung bình đạt từ 200 - 300 quả/cây/năm. Sản phẩm bưởi đặc sản Chí Đám đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và chính thức dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc từ năm 2017. Đây là “đòn bẩy” quan trọng giúp sản phẩm bưởi Sửu nói riêng và cây ăn quả có múi của tỉnh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.
Đến hết năm 2019, tổng diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Thanh Sơn có khoảng 500ha; trong đó chỉ có 222,96ha bưởi Diễn trồng theo dự án; 3 mô hình trồng cam áp dụng tiến bộ kỹ thuật tại xã Lương Nha, Văn Miếu, Tinh Nhuệ với diện tích 4ha còn lại là diện tích trồng trong dân. Tại khu Quyết Tiến (xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn) có 192 hộ dân thì nhà nào cũng trồng bưởi Diễn, hộ trồng ít thì khoảng 20 - 30 gốc, hộ nhiều lên tới 300 gốc. Ông Đặng Ngọc Phong ở khu Quyết Tiến trồng 80 gốc bưởi Diễn từ năm 2009, hiện đã cho thu hoạch.
Trang trại tổng hợp của ông Phạm Hồng Diến (thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê), có diện tích rộng 7ha. Trong đó đã trồng 3.000 gốc cam lòng vàng, cam canh, 2.000 gốc bưởi da xanh, 600 gốc bưởi diễn còn lại là giống bưởi Tân Lạc lõi đỏ, bưởi Hoàng. Năm nay là năm đầu tiên trang trại có hơn 1.000 gốc cam canh ra bói, dự kiến cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả. Trang trại trồng cây theo mô hình an toàn VietGap vừa bảo vệ môi trường vừa an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện đã có một số siêu thị ở Hà Nội đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm của trang trại.
Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xác định phát triển cây ăn quả có múi an toàn, bền vững, trong đó có cây bưởi là cây trồng mũi nhọn, trước hết các địa phương cần tập trung thực hiện quy hoạch tạo vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Thúc đẩy thực hiện tích tụ đất đai, tạo quỹ đất tập trung nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, công tác tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, đầu tư cải tạo, thiết kế vườn đồi, lắp đặt hệ thống tưới, áp dụng quy trình sản xuất an toàn nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bước đầu đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem điện tử trên bưởi đặc sản Đoan Hùng; xây dựng được website cho Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Đoan Hùng, làm cơ sở cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo ra kênh trao đổi tin cậy giữa người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng.
Đề cao vai trò của kinh tế làng nghề, kinh tế hợp tác
Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành nghề chính là: Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; làng nghề thủ công mỹ nghệ; làng nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; làng nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh. Các làng nghề nông thôn của tỉnh đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Các hoạt động của làng nghề đang duy trì việc làm cho trên 15.000 lao động, tạo ra thu nhập gần 1.300 tỷ đồng mỗi năm.
Làng nghề Sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ từ khi thành lập HTX đến nay đã hoạt động hiệu quả, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, các hộ trong HTX được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ máy móc, phân vi sinh, máy hút chân không…, tạo lập nhãn hiệu tập thể, có dán tem truy suất nguồn gốc. Đến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm, sản phẩm chè xanh của các thành viên trong HTX có giá bán cao gấp 3 lần so với trước khi vào HTX, bình quân từ 250.000 – 300.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh chia sẻ: “Các thành viên trong HTX cùng giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cải tiến kỹ thuật chế biến để đạt tiêu chuẩn chè loại 1, chú trọng tìm kiếm thị trường. Qua đó, thành viên tham gia HTX có thêm các cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
Tại làng nghề mộc Vân Du, xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, mô hình doanh nghiệp phát triển trong làng nghề mới chỉ xuất hiện 2 năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện có 3 doanh nghiệp hoạt động ổn định trong làng nghề là Công ty TNHH chế biến gỗ Phúc Lộc, Công ty chế biến lâm sản Phúc Đại Thành và doanh nghiệp tư nhân Vân Du. Các doanh nghiệp đã đưa sản phẩm của làng nghề ra nhiều thị trường lớn, trở thành cầu nối trong việc đặt hàng, góp phần tạo dựng thương hiệu sản phẩm uy tín, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giải quyết việc làm ổn định tại chỗ cho nhiều người dân trong xã.
Ông Nguyễn Thành Đô – Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đại Thành cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng việc tìm tòi mẫu mã, đa dạng các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Công ty thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động, duy trì ổn định khoảng gần 20 lao động thường xuyên, cho thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người. Doanh thu của công ty trung bình từ 2-3 tỷ đồng/năm”.
Người dân tích cực làm giàu
Tuổi đời còn trẻ, anh Đặng Đình Hợp, sinh năm 1998, người dân tộc Dao (khu Hạ Thành, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn) trước đây gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng kinh tế gia đình. May mắn hơn thế hệ cha ông trước đây, lớn lên, được đi học và tiếp cận với những tri thức mới giúp anh có nhiều hoài bão, ước mơ về việc phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và bản thân. Năm 2019, thông qua tổ chức Đoàn, anh được tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn số tiền 53,5 triệu đồng. Với số tiền này, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi bò 3B thương phẩm. Tuy mới hình thành được khoảng hơn 1 năm nhưng bước đầu, mô hình đã mang lại những kết quả khả quan.
Anh Hợp tâm sự: Ở xã, hầu hết thanh niên đều đi làm công ty, nhà máy, người trẻ ở nhà làm nông nghiệp không nhiều vì ở vùng cao chủ yếu là đồi núi nên muốn phát triển kinh tế cũng không dễ dàng. Với quyết tâm bám trụ lại mảnh đất nơi mình sinh ra, tôi đã suy nghĩ và quyết định đầu tư vào chăn nuôi bò 3B bởi đây là giống bò cao sản dễ nuôi, sức đề kháng cao, tăng trưởng nhanh.
Với tinh thần cần cù, chịu khó, từ năm 2019 đến nay, mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của gia đình anh Hợp đã từng bước phát triển, anh nuôi khoảng 15 - 20 con bò 3B, cho thu nhập bình quân khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Mục tiêu của anh trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi theo mô hình thân thiện với môi trường và tìm đầu ra ổn định hơn cho chăn nuôi bò. Ngoài ra, gia đình anh cũng phát triển chăn nuôi thêm các con vật khác như: Gà, ngan, vịt, cá… và đầu tư trồng trên 1,5ha cây lấy gỗ, 1.500m2 cây bưởi Diễn.
Ông Lê Bá Ngọc (khu 7, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông) được biết đến không chỉ là Bí thư, Trưởng khu tận tâm, nhiệt tình trong các phong trào thi đua của địa phương, mà còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế. Với quyết tâm làm giàu, dám nghĩ, dám làm, ông mạnh dạn bỏ vốn hàng trăm triệu đồng để xây dựng trang trại lợn. Đến nay, trang trại của ông với gần 100 con lợn cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Bằng việc mua con giống chuẩn, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, từ nhiều năm nay trang trại của ông chưa từng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, nêu cao tinh thần phòng tránh bệnh dịch cho vật nuôi là cách tốt nhất để phát triển kinh tế trong thời buổi dịch bệnh nhiều như hiện nay”, ông Ngọc nói.
Đánh giá vai trò và những cống hiến của ông Lê Bá Ngọc với các phong trào địa phương, ông Nguyễn Danh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tề Lễ khẳng định: “Với vai trò là Người có uy tín, không chỉ là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Ngọc còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, là điển hình dân vận khéo ở địa phương”.
Nghị quyết Số 05/2019/NQ-HĐND, ngày 16 tháng 7 năm 2019 của HĐND tỉnh Phú Thọ về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tạo hành lang rộng để các tổ chức cá nhân đẩy mạnh sản xuất ở khu vực nông thôn. Tin tưởng, thời gian tới kinh tế nông thôn Phú Thọ sẽ không ngừng phát triển, nhiều vùng nông sản mới, hiệu quả lại hình thành, các mô hình kinh tế tiếp tục phát triển, thu nhập của người dân và giá trị sản xuất của tỉnh không ngừng tăng lên.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.