Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nông dân thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, vật nuôi và giá cả nông sản thị trường bấp bênh. Đặc biệt, giá bán gia súc, gia cầm giảm mạnh đã làm nhiều hộ, nhiều trang trại chăn nuôi thua lỗ, trong đó không ít người là hội viên Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn (SVC&LV) tỉnh Phú Thọ.
Hơn 2ha đất vườn trồng bưởi của ông Lương Đắc Trung ở khu 3, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Đứng trước khó khăn đó, Ban chấp hành Hội SVC&LV tỉnh Phú Thọ đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở, vận động hội viên cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đến nay, Hội SVC&LV có 269 Hội cấp xã, trong đó có 197 Hội, chi HLV, 72 chi hội SVC và 1 câu lạc bộ hoa phong lan với trên 15.000 hội viên.
Ông Hoàng Văn Tiến, Phó chủ tịch Hội SVC&LV tỉnh Phú Thọ, cho biết: Thời gian qua, Hội đã tích cực tuyên truyền cho hội viên chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tổ chức thực hiện các chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh; nông nghiệp cận đô thị; sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; vận động, khuyến khích phát triển nghề vườn- SVC, coi trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, Hội đã thực hiện một số mô hình trồng bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng ở các huyện Thanh Sơn, Đoan Hùng, Phù Ninh; nuôi, trồng thủy sản ở các xã Dị Nậu, Thọ Văn, Hương Nộn, Phương Thịnh… (Tam Nông); trang trại kết hợp chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lúa, cá ở Bản Nguyên; trồng ổi, táo, bưởi Diễn ở Sơn Vi, Tứ Xã, Cao Xá (Lâm Thao) cho thu nhập từ 130 - 170 triệu đồng/ha. Những mô hình này đã trở nên phổ biến trong hội viên HLV của tỉnh.
Để hội viên có kiến thức về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, vườn trại, năm 2017, Trung tâm trợ giúp phát triển kinh tế VAC của Hội đã tổ chức 28 lớp tập huấn kỹ thuật cho 1.300 hội viên trồng các loại cây: Ổi, táo, hồng, mít Thái, chanh lõi đỏ, bưởi Diễn, bưởi da xanh; trồng rau an toàn, hoa và kết hợp chăn nuôi thủy sản, lâm nghiệp.
Ghé thăm vườn bưởi Diễn, bưởi đỏ trĩu cành hơn 2ha đất vườn của ông Lương Đắc Trung (khu 3, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập), chúng tôi mới thấy hết giá trị kinh tế của loại cây này mang lại. Chỉ vào cây bưởi sai trái, ông Trung cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, tôi thu được 65 triệu đồng từ bưởi đỏ; còn hơn 10.000 quả bưởi Diễn chưa thu hoạch, ước khoảng 150 triệu đồng nữa”.
Vườn cây ăn quả của gia đình ông Trung hiện có 200 cây bưởi Diễn và 300 gốc bưởi đỏ. Giáp Tết năm ngoái, trung bình mỗi cây bưởi cho thu về trên dưới 3 triệu đồng. Thực hiện chủ trương xóa bỏ vườn tạp, ông Trung đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống bưởi Diễn. Lúc đầu trồng thử nghiệm khoảng 30 cây, sau 2 năm trồng và chăm sóc, thấy cây bưởi Diễn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, quả sai và ngọt chẳng kém gì bưởi Diễn ở Hà Nội. Đến nay, 500 gốc bưởi nhà ông Trung đã cho thu hoạch năm thứ 3.
Không phải là xã nằm trong vùng dự án bưởi đặc sản của huyện Đoan Hùng, song những năm qua, bà con xã Vân Đồn đã phá bỏ vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có bưởi Diễn. Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế, phù hợp trồng các giống bưởi, Đảng ủy, chính quyền xã đã có chủ trương chuyển toàn bộ diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng bưởi. Đến nay, xã có trên 116ha bưởi, chủ yếu là giống bưởi Diễn, trong đó có 65ha đã cho thu hoạch. Điển hình là gia đình anh Trần Vi Vĩnh, thôn 3, trồng hơn 300 gốc bưởi Diễn cho quả sai, mẫu mã đẹp, đã có nhiều khách đặt mua, dự kiến thu hơn 100 triệu đồng. Anh Vĩnh cho biết: “Có được kết quả như hôm nay là nhờ các cấp chính quyền địa phương, cán bộ HLV đã quan tâm giúp đỡ, tập huấn về kỹ thuật trong chăm sóc bưởi, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định”.
Ông Bùi Văn Chính là một trong những người tiên phong đưa bưởi Diễn đến với đất Vân Đồn. Bén duyên với cây bưởi Diễn 15 năm nay, chưa năm nào ông Chính thấy cây bưởi lại sai quả và chất lượng quả ngon như năm nay. Ông cho biết: Gia đình đã mạnh dạn phá bỏ các loại cây trồng cũ để đầu tư, thâm canh phát triển bưởi Diễn trên diện tích 2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) đất đồi. Nhờ chú trọng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu tỉa cành, thụ phấn, tỉa quả, sử dụng phân bón hợp lý đến khâu chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch nên vườn bưởi của gia đình mấy năm nay đều cho năng suất ổn định, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng.
Từ thực tế trồng bưởi của gia đình ông Vĩnh và ông Chính cho thấy chủ trương mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao của Đảng ủy, chính quyền xã Vân Đồn là đúng hướng. Xã cũng giám sát chặt chẽ diện tích quy hoạch cây bưởi, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng hoặc rơi vào tình trạng được mùa, mất giá. Tăng diện tích trồng bưởi nhưng phải theo kế hoạch cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để chủ trương này thực sự mang lại hiệu quả. Theo quy hoạch, mỗi năm Vân Đồn phát triển thêm từ 7 - 10ha bưởi Diễn, gắn với các biện pháp ổn định đầu ra để đảm bảo phát triển cây bưởi bền vững, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân để tăng thêm năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Thời gian tới, Hội SVC&LV tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, điển hình làm kinh tế VAC giỏi; khai thác đất đai, mặt nước, trang trại chăn nuôi, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở các địa phương. Tuy nhiên, để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả, rất cần sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ khâu quy hoạch cũng như tiêu thụ sản phẩm, phát triển cây bưởi thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Thúy Hằng
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.