Trong khuôn viên Trường Đại học An Giang có một vườn thuốc Nam đặc biệt. Đặc biệt từ sự đa dạng chủng loại, đối tượng phục vụ đến cách thức quản lý cây thuốc bằng hệ thống dữ liệu số.
Chúng tôi có dịp tham quan khu vườn rộng khoảng 1.500m2 nằm bên trong Khu thực nghiệm Trường Đại học An Giang. Khu vườn trồng gần 100 loại dược liệu quý, như: đinh lăng, mật nhân, sâm bố chính, sâm đất… Đây là nơi được các thành viên Câu lạc bộ (CLB) thuốc Nam chăm chút để góp phần thực hiện ý tưởng bảo tồn nguồn dược liệu quý.
Hướng dẫn tôi tham quan khu vườn, Nguyễn Văn Thuận (sinh viên năm 4, ngành bảo vệ thực vật, Trường Đại học An Giang) chia sẻ: “Khi vào trường học, em bắt đầu tham gia CLB và gắn bó suốt 4 năm qua. Những cây dược liệu trồng ở đây chỉ đủ để cung cấp nguồn thuốc nhỏ cho nhà thuốc, bởi mục tiêu chính CLB thuốc Nam đặt ra là tạo lập khu vườn để giúp học sinh, sinh viên và mọi người nhận biết các cây thuốc, giá trị của chúng để chung tay bảo vệ và nhân rộng”.
Cùng là thành viên chủ chốt của CLB thuốc Nam, Mai Thanh Phong (sinh viên năm 3, ngành bảo vệ thực vật, Trường Đại học An Giang) cho biết: “CLB hiện có 20 thành viên nòng cốt, mỗi buổi chiều chúng em tới để chăm sóc cây thuốc, làm cỏ khu vườn. Ngoài ra, còn có nhiều bạn sinh viên ở ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt và công nghệ thực phẩm… thường xuyên đến để tìm hiểu về cây thuốc”.
Ngoài công việc chăm sóc vườn thuốc, cứ khoảng 3 tháng, CLB còn tập hợp sinh viên đến thu hoạch, trồng cây mới hoặc đi sưu tầm cây thuốc ở núi Sập (Thoại Sơn) tặng cho nhà thuốc Nam. Mỗi đợt thu hút khoảng 100 sinh viên tình nguyện tham gia.
Từ niềm đam mê với cây thuốc Nam, Thuận cùng các thành viên khác của CLB thuốc Nam tiếp tục thực hiện Dự án Vườn thuốc Nam online. Dự án nhằm tạo nên hệ thống dữ liệu số về các loại cây thuốc Nam, với mục đích cung cấp thông tin chi tiết về cây thuốc thông qua QR code, giúp mọi người dễ dàng tra cứu về các loại dược liệu.
Thuận cho biết: “Trước đây, tại mỗi cây thuốc, tụi em sử dụng một bảng tên để giới thiệu về cây, tuy nhiên, bảng tên nhỏ không hiển thị được nhiều thông tin, công dụng và giá trị của cây thuốc muốn truyền tải, vì vậy, em cùng các bạn trong CLB nghĩ đến việc làm QR code để lưu trữ nhiều thông tin hơn và tiện cho người đến vườn tra cứu, tìm hiểu. Hiện, QR code được phát triển cả mã offline và online. Mã offline có thể truy cập được khi không có Internet, nhưng nội dung hiển thị chỉ giới hạn trong 300 chữ. Còn mã online sẽ hiển thị nhiều thông tin hơn, bao gồm các nội dung như: tên chính, tên khác, tên khoa học, vùng phân bố, công dụng… Những nội dung này được tụi em trích dẫn từ các sách dược liệu uy tín”.
Hiện, Dự án Vườn thuốc Nam online của Thuận đã thu hút được hơn 60 tình nguyện viên phát triển hệ thống dữ liệu số về các loại cây thuốc, cập nhật thông tin về cây thuốc Nam thông qua QR code.
Thực hiện Dự án Vườn thuốc Nam online, ngoài sản phẩm “bảng tên cây dược liệu” bằng QR code, Thuận và các thành viên sáng lập dự án còn thực hiện “ảnh triển lãm cây dược liệu”, hiện đang tiếp tục phát triển thêm Website “vtno.org” và cuốn “Cẩm nang cây dược liệu” để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn về thông tin cây thuốc.
“Sau khi thực hiện hoàn thiện phiên bản tiếng Việt khoảng 1.000 cây dược liệu, tụi em sẽ tiến hành biên dịch sang tiếng Anh các thông tin về cây thuốc để cả người nước ngoài cũng có thể hiểu được cây dược liệu Việt Nam phong phú như thế nào”, Thuận kỳ vọng.
Với ý tưởng Dự án Vườn thuốc nam online, Thuận cùng các thành viên của dự án đã tham dự cuộc thi “Sinh viên với sở hữu trí tuệ lần I - 2020” do Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ phối hợp Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Kết quả, dự án Vườn thuốc nam online đoạt 2 giải: “Dự án tiềm năng” và “Dự án được yêu thích nhất”.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.