Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 12 năm 2021 | 16:33

Quyết liệt ngăn chặn khai thác cát trái phép

Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, thế nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép của các chủ mỏ, đơn vị khai thác.

Hút cát trái phép trên sông Đà
 
Thượng tá Bùi Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Mai Sơn (Sơn La) thông tin báo chí: Vào khoảng 5 giờ ngày 20/12 vừa qua, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an huyện đã phát hiện một tàu không biển kiểm soát đang thực hiện hút, xả cát trái quy định trên sông Đà.
Khu vực phát hiện chiếc tàu đang hút, xả cát là ven sông Đà thuộc địa phận xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn. Thời điểm kiểm tra chiếc tàu này đang hút, xả cát bằng đường ống bạt màu xanh phi 100.
Toàn bộ số cát được hút, xả từ xà lan của tàu lên khu vực bãi đất của hộ ông Hoàng Văn Tuyên, sinh năm 1973, trú tại bản Tà Chan, xã Chiềng Chăn.
b050e7ff4bbda2e3fbac.jpg
Khu vực tàu hút, xả cát.
Quá trình kiểm tra phát hiện khối lượng cát đã hút lên bờ là 10m3, khối lượng cát còn trong tàu là 20m3. Ông Hoàng Văn Hạnh (là chủ tàu) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số cát trên tàu.
Ông Hạnh khai nhận, số cát trên được hút từ khu vực lòng sông Đà thuộc bản Pắc Ngà, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vào tối 19/12. Sau khi hút xong, cát được vận chuyển và đưa lên bãi cát của gia đình ông Tuyên thì bị tổ công tác công an huyện Mai Sơn kiểm tra phát hiện, lập biên bản vi phạm.
Gần đây, việc khai thác, vận chuyển và buôn bán cát trái phép tại một số địa bàn Sơn La diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng ban đêm để hút, vận chuyển và tập kết cát lên các xe tải.
Tại huyện Mai Sơn, do các lực lượng chức năng kiểm soát thường xuyên nên việc hút cát trên sông Đà không còn xảy ra. Tuy nhiên, một số đối tượng thường di chuyển tàu sang địa bàn khác để hút cát rồi lợi dụng đêm tối chuyển dắt lên bờ.
 
 
Bắt quả tang, khởi tố hàng loạt trường hợp khai thác cát 
Lực lượng kiểm tra liên ngành Đồng Tháp vừa bắt quả tang trường hợp khai thác cát sông trái phép trên địa bàn huyện Châu Thành.
khathcatsog.jpg
Phát hiện phương tiện thủy khai thác trái phép cát sông (Ảnh:T.L)
Cụ thể: Trên sông Tiền thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Châu Thành, ngành chức năng vừa bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Ngọc Quang (SN 1976, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) và Trần Văn Tiến (SN 1972, ngụ tỉnh Bến Tre) đang thực hiện hành vi khai thác trái phép cát sông.
Lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật gồm: 1 ghe gỗ, khoảng 5m3 cát sông cùng một số tang vật khác có liên quan để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, ngày 28/12, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Long đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Huỳnh Văn Công (SN 1962, ngụ xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, vào khoảng 23h15 ngày 6/12, Tổ kiểm tra hoạt động khai thác cát sông của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Long phát hiện Công đang thực hiện hành vi bơm, hút cát từ lòng sông lên phương tiện thủy nội địa không có số đăng ký trên tuyến sông Cổ Chiên, đoạn thuộc thủy phận xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

huỳnh-văn-công-tại-cơ-quan-công-an.jpg
Huỳnh Văn Công tại cơ quan công an.

Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện đã khai thác được 4,6 m3 nhưng chủ phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Được biết, Huỳnh Văn Công đã có tiền sự về hành vi “Khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” bị UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre ra quyết định xử phạt với số tiền 30 triệu đồng. Hiện, vụ việc đang được ngành chức năng tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.


Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân bắt quả tang đối tượng khai thác cát trong đêm. Ảnh: CAHT

 

Thực hiện đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành tuần tra kiểm soát trên tuyến sông. Qua công tác tuần tra trong đêm, vào khoảng 21h ngày 22/12/2021, trên tuyến sông Lam, thuộc xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân phát hiện Nguyễn Văn Hùng, SN 1985, trú tại xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đang sử dụng thuyền máy BKS: NA6464 khai thác cát trái phép trên sông Lam.

Tại thời điểm phát hiện Nguyễn Văn Hùng đã khai thác được  08m3 cát. Qua kiểm tra, thuyền máy của Nguyễn Văn Hùng có gắn máy móc, vòi rồng với mục đích hút khối lượng lớn cát từ lòng sông Lam để vận chuyển đi tiêu thụ.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản bàn giao phương tiện, tang vật cho Công an huyện Nghi Xuân xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý
 
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại. Một số loại khoáng sản có trữ lượng, tiềm năng lớn có thể phát triển thành ngành công nghiệp như dầu khí, bauxite, titan, than, đất hiếm...

Để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng cũng như từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên. Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, cho rằng: Đến thời điểm hiện nay, hệ thống chính sách và quy định pháp luật về khoáng sản đã trải qua nhiều giai đoạn. Chúng ta có Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996, sau đó sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. Đến năm 2010, chúng ta có Luật Khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Ngoài ra, chúng ta có 8 nghị định, trong đó có 2 nghị định được thay thế. Năm 2020,Thủ tướng Chính phủ chính thức ký Nghị định số 23 về quản lý cát, sỏi lòng sông. Đây là nghị định duy nhất quản lý riêng một loại khoáng sản. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và ban hành khoảng 50 thông tư, thông tư liên tịch.

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực năm 2011, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện. Đây là một bước hành lang pháp lý và cơ sở quan trọng để chúng ta quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và đưa ngành công nghiệp khai khoáng phát triển theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nguồn lực của nước ta vẫn chưa được sử dụng có hiệu quả. Không ít nguồn lực ở dạng tiềm năng chưa chuyển thành động năng, chậm được vốn hóa để đưa vào phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, chia sẻ: Từ tiềm năng thành động năng là một quá trình nhưng đầu tiên là phải tháo gỡ thể chế, thứ hai là tạo hạ tầng phát triển, thứ ba là áp dụng công nghệ. Như vậy, chúng ta có thể cạnh tranh trên thế giới, có thể tính bài toán kinh tế dựa trên giá của thị trường. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước, học hỏi kinh nghiệm của ông cha mình, kết hợp với tình hình hiện tại để tạo ra một cái riêng của Việt Nam trong bối cảnh khai thác khoáng sản hiện nay dần đi vào ổn định và theo thị trường.

Trong khi đó, ông Lại Hồng Thanh nhận định: Sau 9 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, ngành khai khoáng đã có những bước phát triển khác. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về công nghệ thiết bị về khai thác và sử dụng tiết kiệm khoáng sản hơn, quan tâm đến bảo vệ môi trường. Đến thời điểm các mỏ sẽ bị khai thác hết và đóng cửa mỏ, chúng ta sẽ đưa ra một phương án để tiếp tục khai thác, phát triển mỏ đó để chuyển sang bước tiếp theo, phát triển theo các định hướng khác, ví dụ như khu du lịch Bửu Long ở Đồng Nai. Bên cạnh đó, chúng ta cần đánh giá tiềm năng, hiện trạng của tài nguyên khoáng sản để lập ra chiến lược, kế hoạch trong giai đoạn sắp tới.

Về cơ chế chính sách, năm 2016, Bộ đã triển khai, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về chiến lược công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ đang đánh giá các tác động các chính sách, các quy định của Luật Khoáng sản sau 9 năm thực hiện. Đây là điều quan trọng nhất, bởi chúng ta xây dựng thể chế, cơ chế quản lý để quản lý chặt chẽ hơn phù hợp với tiềm năng khoáng sản của đất nước.

Thứ hai, Bộ TN&MT đã đánh giá việc thực hiện chiến lược khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ từ 2011 và đang trình Thủ tướng đề xuất sửa đổi, điều chỉnh Chiến lược khoáng sản giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thứ ba, về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ 2013, hiện nay Bộ đang lập quy hoạch để thời gian sắp tới rà soát lại toàn bộ các công việc đã làm được trong công tác điều tra cơ bản, đề xuất giai đoạn tiếp theo đến 2030, tầm nhìn đến 2050 về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản để chúng ta đánh giá được tiềm lực, tiềm năng của nguồn tài nguyên này.

Thứ tư, Bộ giao cho Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam rà soát, thống kê thực hiện Đề án thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản rắn trên phạm vi toàn quốc giai đoạn đến hết năm 2020.

“Để thực hiện được tốt Luật Khoáng sản, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản là hoàn chỉnh; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích của ba chủ thể là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo công an các địa phương, để ngăn chặn khai thác cát trái phép, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cung cấp thông tin có giá trị cho lực lượng chức năng; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm đối với hành vi liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường sông nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát trái phép nói riêng.
 
Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top