Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 5 năm 2017 | 4:5

Rừng Xuân Lẹ tan hoang

Ngay chân rừng thuộc thôn Cả Soi, xã Xuân Lẹ (Thường Xuân - Thanh Hóa), hàng chục cây gỗ sớ đã bị đốn hạ, còn đầy nhựa. Vụ này này người dân ở đây ai cũng biết, chỉ kiểm lâm là không!?

Những cây gỗ lớn bị đốn hạ không thương tiếc.

Cây bị chặt ngay chân rừng

Địa bàn xã Xuân Lẹ được coi là mảnh đất khá “màu mỡ” của lâm tặc, bởi rừng ở đây có nhiều cây gỗ quý, như sến, sớ…

Chúng tôi được anh H., người dân địa phương, dẫn đi theo những lối mòn thuộc khu rừng sớ, địa phận thôn Cả Soi; được tận mắt chứng kiến khu rừng nguyên sinh đang ngày đêm bị lâm tặc đốn hạ.

Theo lời kể của anh H., khu đồi sớ này còn nhiều cây to, nhưng gần đây đã bị lâm tặc khai thác tận thu gần hết. Người ta chặt, kéo gỗ ngay sát chân rừng nhưng chẳng thấy bóng dáng kiểm lâm đâu.

Mất khoảng 15 phút đi từ chân núi lên đến nơi khai thác, chỉ với một khoảng nhỏ, chúng tôi đếm được gần 20 cây gỗ sớ mới bị đốn hạ, nhựa đang còn chảy dưới gốc cây. Chỉ tay về những rãnh (lối mòn kéo gỗ-PV) mà lâm tặc thường kéo gỗ từ rừng ra thành lỗ sâu hoắm, anh H. bảo, đây là minh chứng cho việc chặt phá rừng rất nhiều  trong thời gian dài. Đơn cử, những cây mà phóng viên ghi nhận được vẫn đang nằm trong rừng, vết kéo này là của nhiều lần trước đó.

Hạt phó bảo có, Hạt trưởng nói không

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn liên quan tới tình trạng chặt phá rừng trái phép trên địa bàn các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, ông Nguyễn Hữu Hậu, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, cho biết, Hạt cũng vừa tổ chức rà soát lại các khu rừng. Tuy nhiên, ở một số thôn trọng điểm, an ninh rừng vẫn chưa thực sự ổn định như các thôn Cụt Ặc, Tú Tạo (xã Xuân Chinh), Bọng Nàng, Liên Sơn, Xuân Sơn (xã Xuân Lẹ), tình trạng khai thác trái phép, xâm lấn rừng vẫn còn xảy ra nhưng ở mức độ thấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số đối tượng đầu nậu từ địa bàn khác đến đầu tư cho người dân vào rừng khai thác lâm sản trái phép, nhưng chưa đấu tranh xử lý được các đối tượng này. Các đối tượng vận chuyển lâm sản ngày càng tinh vi và xảo quyệt, không từ một thủ đoạn nào, đặc biệt là đe dọa và chống đối quyết liệt khi bị phát hiện và bắt giữ. Việc xử lý các đối tượng này chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn thiếu, dàn trải trên địa bàn rộng, nên rất khó khăn về mặt quản lý.

Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn hai xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ đã phát hiện và xử lý 75 vụ vi phạm hành chính (trong đó xâm lấn rừng 17 vụ, khai thác 3 vụ, vận chuyển 20 vụ, hành vi khác 5 vụ, vô chủ 30 vụ), thu nộp ngân sách 504 triệu đồng. Tịch thu lâm sản nhập kho nhà nước 66m3 gỗ tròn, 47m3 gỗ xẻ, 200ste củi, 2 xe máy và 2 cưa xăng.

Ông Hậu cho biết, sau khi tiếp nhận  thông tin phản ánh, ông sẽ cho anh em kiểm tra, nếu đúng như vậy thì vấn đề phá rừng là rất nghiêm trọng, sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu để xảy ra sai phạm.

Trái ngược với lời ông Hậu, ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, cho biết: “Tôi đã nắm bắt được thông tin phản ánh và tiến hành cho anh em rà soát lại toàn bộ khu vực, yêu cầu chủ tịch UBND 2 xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ kiểm tra, rà soát và báo cáo”.

“Tôi cũng đã yêu cầu anh em kiểm lâm viên địa bàn và trạm phối hợp cùng chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng kiểm tra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện được chỗ nào chặt phá rừng như phản ánh”, ông Long nói.

“Hiện tại, chủ tịch xã Xuân Chinh báo cáo ổn định; chủ tịch xã Xuân Lẹ báo cáo đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện được phá rừng”, ông Long cho biết thêm.

Ngày 23/5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Việt, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Thường Xuân, Hạt Kiểm lâm kiểm tra, làm rõ những vấn đề phóng viên phản ánh”, ông Việt nói.

Theo ông Việt, trước đó, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân đã báo cáo việc có 6 cây táu muối (gỗ sớ) bị đốn hạ ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Lẹ. “Quan điểm của chúng tôi là sau khi kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan”, ông Việt khẳng định.

Rất mong các ngành chức năng ở Thanh Hóa sớm vào cuộc để có biện pháp bảo vệ rừng trước khi quá muộn.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Xuân Sơn

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top