Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc và xử lý, kiểm điểm hàng chục vụ có liên quan đến cán bộ lãnh đạo ở địa phương vì những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.
UBND xã cho phép trưởng thôn đứng ra thu phí phương tiện khai thác cát?
Cụ thể, UBND xã Ân Mỹ tự ý cho trưởng thôn Mỹ Thành đứng ra quản lý một bãi bồi có trữ lượng cát rất lớn ở sông An Lão, đoạn phía Đông cầu Mỹ Thành. Tất cả người dân, phương tiện nếu đến bãi bồi này khai thác cát về làm nhà, trại chăn nuôi hay làm gì đều phải xin phép và nộp tiền phí cho trưởng thôn.
Gần đây, UBND xã Ân Mỹ còn cho phép thêm một doanh nghiệp đưa máy đào, xe ben loại 2,5 tấn đến bãi bồi để tận thu cát đi làm các công trình. Qua đó, doanh nghiệp mở đường xuống sông, khai thác cát với khối lượng lớn khiến lòng sông hình thành nhiều hố sâu nguy hiểm, làm dòng chảy bị biến động, nhiều nguy cơ gây sạt lở khi mưa lũ tới.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ Lê Văn Hưng thừa nhận, địa phương này có giao cho trưởng thôn Mỹ Thành quản lý bãi cát ven bờ sông An Lão. Ông Hưng thông tin thêm, việc quản lý và thu phí các phương tiện khai thác cát ở bãi bồi này đã có từ nhiều năm trước. Lúc đó, ông này chưa giữ chức Chủ tịch UBND xã nên không nắm rõ được nguồn gốc của sự việc.
Theo ông Hưng, mức phí mà trưởng thôn Mỹ Thành thu đối với các phương tiện khai thác cát là 2.000 đồng/m3 cát, số tiền này được nộp vào ngân sách địa phương. Còn việc xuất hiện doanh nghiệp đến khai thác cát là do xã linh động cho phép để có nguồn cát phục vụ cho một số công trình xây dựng tại địa phương nhằm giảm chi phí đầu tư.
Làm việc với báo chí liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Sau khi có phản ánh của người dân, huyện đã cùng với Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Bình Định về kiểm tra hiện trường và xác định các phản ánh của người dân là đúng.
Qua đó, huyện yêu cầu chấm dứt ngay việc thu phí trái quy định trên, đề nghị đóng mỏ cát, không cho bất cứ cá nhân nào khai thác cát. Vừa qua, UBND huyện Hoài Ân đã có văn bản đề nghị xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ khi để xảy ra sự việc trên. Ngoài ra, liên quan đến việc khai thác cát trái phép ở sông An Lão (đoạn chảy qua thôn Mỹ Thành), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu vừa có quyết định xử phạt hành chính đối với một cá nhân với số tiền 124 triệu đồng.
Kiểm điểm hàng chục cán bộ tỉnh vì sai phạm về đất đai
Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh này về việc xử lý những sai phạm đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, hàng chục cán bộ lãnh đạo tỉnh phải kiểm điểm vì những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai
Theo báo cáo mới đây của Thanh tra tỉnh Kiên Giang về việc xử lý những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngoài UBND tỉnh Kiên Giang, 22 đơn vị khác phải tổ chức kiểm điểm, xử lý cán bộ sai phạm. Đến nay, 9 đơn vị báo cáo kết quả, số còn lại đang thực hiện.
Cụ thể, hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cùng 12 người nguyên là Phó Chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm.
40 cán bộ bị kiểm rút kinh nghiệm còn lại là công chức tại các sở, ngành, UBND huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, Giồng Riềng. Riêng huyện Phú Quốc có 21 cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 5 cá nhân kỷ luật cảnh cáo và 11 người nhận kỷ luật khiển trách.
Về xử lý kinh tế, tỉnh Kiên Giang đã truy thu tiền thuế tài nguyên hơn 2,2 tỷ đồng. Đối với nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang thu hơn 822 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.549 tỷ đồng. Số tiền không có khả năng thu hồi trên 39 tỷ đồng do doanh nghiệp phá sản hoặc không triển khai dự án.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2020, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2011-2017, qua đó đã xác định hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước.
Theo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 phải chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm, thiếu sót đã nêu tại kết luận thanh tra. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan cần kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra những thiếu sót, vi phạm, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.
Kết luận thanh tra còn chỉ rõ, việc buông lỏng quản lý về đất đai gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh Kiên Giang cho phép gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc chưa phù hợp quy định, phải truy thu về cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 18,7 tỷ đồng.
Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất đối với một số chủ đầu tư chưa đúng quy định, cần phải thu hồi cho ngân sách số tiền hơn 255,8 tỷ đồng; không phạt chậm nộp với một số tổ chức có hành vi chậm nộp tiền sử dụng đất, thuê đất, tính tiền thuê đất chưa chính xác, cần phải thu hồi cho ngân sách số tiền hơn 255,4 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị cương quyết thu hồi chủ trương đầu tư hoặc thu hồi dự án gắn với thu hồi quyền sử dụng đất đối với 43 dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư.
Thiết nghĩ, việc kiểm điểm, xử lý và kết quả kiểm điểm, xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý là điều cần làm rõ và công khai trước dư luận. Bởi lẽ, nhiều người dân rất bức xúc và không hiểu công tác quản lý và trách nhiệm của chính quyền địa phương, các phòng chức năng ở đâu khi để cho nhiều đơn vị tư nhân ngang nhiên xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đât lâm nghiệp, đất chưa được thu hồi nhưng đã giao cho đơn vị quản lý...
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.