Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 5 năm 2021 | 14:22

San gạt, lấn chiếm đất dự án, đất nông nghiệp: Xử lý vi phạm phía trước thì phía sau “tiếp diễn”?

Tình trạng san gạt, lấn chiếm đất dự án, đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn đang diễn ra ngày càng phức tạp, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuốc xử lý nhưng dường như vẫn không hiệu quả… Phải quyết liệt ngay từ khi mới phát sinh?

San gạt, lấn chiếm đất dự án, đất nông nghiệp - Xử lý xong lại tái diễn?
 
Phải kể đến vụ đất nông nghiệp của người dân vẫn đang trồng hoa màu nhưng bị san gạt lấn chiếm, hay là vụ đất dự án chậm triển khai tại TP công nghệ Xanh ở Đại Mỗ là một điển hình của thực trạng hiện nay.
 
Cụ thể, dự án Thành phố công nghệ xanh Hà Nội (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) có tổng diện tích đất thu hồi dự kiến là 57,5 ha, trong đó có tới hơn 43,9 ha là đất nông nghiệp của các hộ gia đình và hơn 13,4 ha là đất do UBND các phường trong khu vực quản lý.
 
Ngày 23/11/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6321/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết thành phố Công nghệ xanh Hà Nội nằm ở phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
 
Theo bản quy hoạch tỷ lệ 1:500, dự án có tổng diện tích khoảng 57,5ha, với dân số dự kiến khoảng 4.000 người. Dự án đến nay do “treo” đã lâu nên nhiều khu vực bị người dân lấn chiếm, dựng lều quán, nhà tạm để kinh doanh hoặc làm kho chứa gây tình hình phức tạp.
đất-nông-nghiệp-cũng-bị-sạt-gạt-để-tạo-mặt-bằng-làm-nhà-xưởng.jpg
Đất nông nghiệp cũng bị sạt gạt để tạo mặt bằng làm nhà xưởng (Nguồn/ảnh: ANTD.VN)
Ghi nhận cho thấy, tại các phần diện tích đất thuộc diện chuẩn bị thu hồi phục vụ dự án thuộc 2 tổ dân phố số 1 và số 2 (Ngọc Trục, phường Đại Mỗ) đang có tình trạng người dân rầm rộ lấn chiếm, san gạt lấy mặt bằng. Thậm chí, một số hộ kinh doanh còn dựng xưởng sản xuất, lập bãi chứa chất thải xây dựng, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa…
 
Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ đầu tháng 4 đến nay, tại khu vực đất dự án và đất nông nghiệp chưa thu hồi ở Ngọc Trục, Đại Mỗ, hàng đêm có cả chục chiếc xe tải trọng lớn gắn logo Cường Linh cùng với máy xúc, máy ủi hoạt động san gạt nền rầm rộ.
chính-quyền-phường-đại-mỗ-nam-từ-liêm-cứ-ra-quân-xử-lý-xong-vi-phạm-lại-tái-diễn.jpg
Chính quyền phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm cứ ra quân xử lý xong vi phạm lại tái diễn (Nguồn/ảnh: ANTD.VN)
Không chỉ san lấp đất nằm trong dự án TP Công nghệ Xanh, các đối tượng còn ngang nhiên san lấp cả đất nông nghiệp của các hộ dân do xen kẹt, điều kiện không trồng trọt được nên đang để không hoặc trồng rau màu cũng bị san lấp. Hoạt động san gạt ruộng diễn ra rầm rộ nhất ở khu vực ngõ 24 đường Ngọc Trục.
 
Liên quan đến tình trạng vi phạm lấn chiếm đất dự án và đất nông nghiệp trên địa bàn phường, UBND phường Đại Mỗ đã xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm tại tổ dân phố số 1 Ngọc Trục.
 
Cụ thể, mục đích của kế hoạch là xử lý triệt để toàn bộ trạc thải đổ trên đất công, đất nông nghiệp. Thời gian thực hiện xong trước ngày 15/5/2021.
 
Ngày 6/5, tổ công tác do ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường trực tiếp chỉ huy đã tiến hành lập biên bản tại hàng loạt thửa đất nông nghiệp đang tồn tại vi phạm.
 
Cụ thể là ở thửa đất số 50, số 6 thuộc tờ bản đồ số 22 đất thổ canh; thửa đất số 372, số 370 tờ bản đồ số 15 thổ canh…
đất-dự-án-bị-lấn-chiếm-tràn-lan-nhưng-không-ai-quản-lý.jpg
Đất dự án bị lấn chiếm tràn lan nhưng không ai quản lý (Nguồn/ảnh: ANTD.VN)
Tuy vậy, khi lực lượng chức năng của phường tiến hành kiểm tra thì nhiều điểm vi phạm đã khóa cửa bỏ đi, hoặc cố tình không hợp tác với lực lượng chức năng. Do đó, ông Hùng cho biết, tổ công tác chỉ có thể tiến hành xử lý tại các điểm không có tường rào, công trình vi phạm.
 
Đáng nói, ngày 8/5, ghi nhận của phóng viên cho thấy, mọi cố gắng xử lý vi phạm của Tổ công tác phường Đại Mỗ như bằng không.
 
Toàn bộ các thửa đất, bãi đất bị cưỡng chế, thậm chí tổ công tác đã đào hào rãnh để xe không thể ra vào nhằm ngăn chặn vi phạm thì đã được san lấp bằng phẳng như cũ. Lãnh đạo phường Đại Mỗ thừa nhận, đây không phải là tình trạng cá biệt.
 
“Trước đó, phường cũng đã có biện pháp cuốc hào tương tự nhưng nhanh chóng bị lấp phẳng. Bởi vậy chúng tôi đang lên phương án quây rào tôn dự án, khi đó các đối tượng vi phạm sẽ không dám xâm phạm vì hàng rào là tài sản của nhà nước”, ông Hùng nói.

Phải quyết liệt ngay từ khi mới phát sinh – không ngại va chạm

Đơn cử như cách làm của huyện Thường Tín, là một huyện ngoại thành của Hà Nội…với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, lại có nhiều làng nghề, DN, cơ sở sản xuất, kéo theo những bất cập trong công tác quản lý đất đai, xây dựng. Để không phát sinh vi phạm mới, đồng thời xử lý dứt điểm tồn tại cũ, ngành chức năng UBND huyện Thường Tín đã quyết liệt vào cuộc một cách bài bản và hiệu quả.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là cách giải quyết những vấn đề “khó” trong việc xử lý những tồn tại và những phát sinh mới, ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, trước đây, tâm lý cán bộ địa phương còn né tránh, ngại va chạm, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị. Thời gian gần đây, nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện, trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ chuyên môn và 29 xã, thị trấn cũng được phân định rõ ràng, cụ thể làm căn cứ giải quyết, xử lý. Do vậy, chính cán bộ các phòng, ban, xã, thị trấn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nghiêm túc chấp hành thực hiện.

Thời gian qua, vi phạm xây dựng ở Thường Tín xảy ra chủ yếu trên đất nông nghiệp, đất công. Trong khi đó, quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị thực hiện theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ không có quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với đất nông nghiệp, đất công, gây khó khăn cho quá trình giải quyết. Tuy nhiên, với quan điểm của UBND huyện cương quyết xử lý vi phạm ngay từ khi mới xảy ra, chính yếu tố này đã đẩy lùi được vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn.

Nhờ có sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành nên năm 2020 toàn địa bàn huyện chỉ có 32 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công (năm 2019 có khoảng 80 trường hợp vi phạm). Từ đầu năm 2021 đến nay, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện phối hợp với các đơn vị chuyên môn và 29 xã, thị trấn kiểm tra, phát hiện 10 trường hợp vi phạm xây trên đất nông nghiệp, đất công; kịp thời vận động chủ hộ tháo dỡ công trình. Việc tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm đã không gây ra tốn kém tiền của, công sức, giảm bức xúc trong Nhân dân.

 

lực-lượng-chức-năng-huyện-thường-tín-và-xã-văn-tự-tháo-dỡ-công-trình-vi-phạm.jpg
Lực lượng chức năng huyện Thường Tín và xã Văn Tự tháo dỡ công trình vi phạm. Ảnh: Công Tâm

Theo Phó đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Việt, để giúp công tác quản lý đi vào nền nếp, ngày 5/7/2019, UBND huyện có Quyết định số 2544/QĐ-UBND ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị và 29 xã, thị trấn. Quy chế phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân và lãnh đạo cơ quan. Mục đích ban hành quyết định nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo thành phong trào thi đua trong việc tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản chia sẻ, quá trình xử lý các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công ở các xã như: Văn Tự, Tiền Phong, Thắng Lợi, Tự Nhiên… đều được tuyên truyền, vận động, giải thích các quy định, hành vi vi phạm nên nhiều cá nhân hiểu rõ vấn đề rồi chấp hành tháo dỡ công trình. Việc quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn thời gian gần đây đã giúp cán bộ gắn kết trách nhiệm trong công tác quản lý, tạo thành phong trào, không để tái diễn vi phạm.

“Hàng năm, UBND huyện còn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị cùng 29 xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kể cả ngày lễ, Tết để phát hiện, xử lý những trường hợp sử dụng phế thải xây dựng san gạt đất công, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chính sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị đã giúp vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn giảm rõ rệt” - ông Bùi Công Thản khẳng định.

Vi phạm trong quản lý đất đai - 2 cán bộ ở Thanh Hóa bị bắt

Mới đây, ngày 11/5, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hậu Lộc, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc và ông Bùi Quang Hải, cán bộ địa chính xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc. 2 người bị bắt để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trước đó, năm 2020, Thanh tra huyện Hậu Lộc đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của ông Nguyễn Văn Tuấn và ông Hải. Cụ thể, năm 2017, UBND xã Hòa Lộc làm thủ tục xét đề nghị giao đất không đúng đối tượng gồm: 22 lô (trong đó đất kế hoạch năm 2016 chuyển thực hiện năm 2017: 3 lô và đất kế hoạch năm 2017: 19 lô).

Tại thời điểm thanh tra, 6 lô đã làm nhà; 4 lô đã chuyển nhượng; 12 lô chưa làm nhà và chưa chuyển nhượng; 21/22 lô đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 1 lô đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

 

ông-nguyễn-văn-tuấn-thời-điểm-đương-chức-chủ-tịch-ubnd-xã-hòa-lộc.jpg
Ông Nguyễn Văn Tuấn thời điểm đương chức Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc

Năm 2018, xã Hòa Lộc thực hiện Dự án mở rộng khuôn viên nhà thờ lưu niệm chiến sĩ cách mạng - cụ Nguyễn Chí Hiền có quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 6.000m2; dự án sân văn hóa xã có quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 11.00 m2.

UBND xã Hòa Lộc không cung cấp được hồ sơ pháp lý có liên quan đến việc sử dụng đất đai của các dự án. Cả 2 dự án này đều không có kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND xã tự thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình trên là không đúng quy định của pháp luật.

Dù không được cấp có thẩm quyền quyết định xét giao quyền sử dụng đất và chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, UBND xã đã tự ý thu của 16 hộ, số tiền 3,2 tỷ đồng (năm 2017 thu của 6 hộ, số tiền 1,2 tỷ đồng; năm 2018 thu của 7 hộ, số tiền 1,5 tỷ đồng; năm 2019 thu của 3 hộ số tiền 460 triệu đồng). Hiện nay, các hộ đã nộp tiền nhưng chưa được giao đất.

Từ những sai phạm trên, năm 2020, ông Nguyễn Văn Tuấn đã bị Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Khoảng 1 tháng trước, ông Tuấn được UBND huyện Hậu Lộc điều động lên Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hậu Lộc.

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top