Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 1 tháng 2 năm 2020 | 13:46

Sự kiện 24/7: Bộ Y tế công bố dịch bệnh do nCoV gây ra tại Khánh Hoà

Ngày 1/2, Bộ Y tế công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.

khanh-hoa.jpg

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn Luật này, trên cơ sở công bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng liên quan đến bệnh truyền nhiễm do chủng mới của nCoV của tổ chức Y tế Thế giới ngày 31/1/2020 và theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà về việc công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ Y tế công bố dịch bệnh truyền nhiễm tại tỉnh Khánh Hoà với các nội dung sau:

  • Tên dịch bệnh: Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
  • Thời gian xảy ra dịch: Ngày 31/1/2020, là thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
  • Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Bệnh nhân nữ 25 tuổi, có địa chỉ thường trú tại xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, là lễ tân tại khách sạn.

Theo báo cáo giám sát dịch tễ học, bệnh nhân có tiếp xúc gần với 2 trường hợp người bệnh (người Trung Quốc) ngày 17/1/2020, cả 2 trường hợp này đã được chẩn đoán xác định với nCoV. Bệnh khởi phát ngày 18/1/2020 với triệu chứng ho, sốt và đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với nCoV ngày 31/1/2020.

Tính đến 17 giờ ngày 31/1/2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã được thu dung, cách ly và điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà; số người nghi nhiễm là 23 trường hợp (13 trường hợp đã loại trừ nCoV do kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV).

Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Do chủng mới của virus Corona lây qua đường hô hấp từ người sang người. Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A với nguy cơ ở mức khẩn cấp toàn cầu.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch đối với người dân: Sử dụng khẩu trang che miệng và mũi, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn với thời gian ít nhất là 20 giây; tránh tiếp xúc gần với người bị ho hoặc sốt; thông báo cho UBND, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất khi phát hiện người mắc bệnh hoặc dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV;

Tuân thủ các quy định về cách ly và điều trị của cơ quan y tế trong trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Đối với các cơ quan, tổ chức, thực hiện các biện pháp giám sát, chống dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận, cách ly, điều trị người mắc viêm đường hô hấp cấp do nCoV theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Công Thương: Chỉ thị khẩn phòng chống dịch bệnh nCoV

Tiếp theo cuộc họp bàn các giải pháp đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra, chiều 31/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh.

 

qltt.jpg

Bộ trưởng chỉ đạo Tổng Cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết. Ảnh: QLTT.

 

Chỉ thị nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV diễn biến rất phức tạp tại Trung Quốc và trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố dịch bệnh do virus Corona lây lan từ Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, trong bối cảnh số người lây nhiễm tăng mạnh.

Để chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị gồm: Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ: Thị trường châu Á-châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên, Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách.

Theo đó, Vụ Thị trường trong nước khẩn trương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường; theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước trong đó cần tập trung hỗ trợ kết nối các mặt hàng nông, thủy sản từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ: Thị trường Châu Á-Châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên đánh giá chính xác và toàn diện về tác động của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đối với quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ổn định thị trường trong nước; đánh giá tác động tổng quan chung của dịch bệnh đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Phối hợp với ngành y tế tìm kiếm các nguồn nguyên liệu từ các thị trường nước ngoài để phục vụ sản xuất các sản phẩm phòng chống dịch.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi bệnh dịch. 

Riêng đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa. Nếu phát hiện các hành vi nói trên thì cần xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra cao điểm về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao và xử lý nghiêm nếu có các hành vi vi phạm.

Cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

Yêu cầu lực lượng quản lý thị trường trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện để phục vụ cho cán bộ, công chức quản lý thị trường bảo đảm an toàn trong quá trình thi hành nhiệm vụ.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc cấm đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tạm đóng cửa các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian có dịch bệnh.

Cục Công nghiệp phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ việc phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra tăng cường sản xuất, cung ứng các sản phẩm nêu trên và ưu tiên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; tổ chức các đoàn làm việc để tháo gỡ khó khăn nếu có cho các doanh nghiệp sản xuất.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường; phối hợp với Sở Y tế, lực lượng thanh tra Y tế tăng cường kiểm tra cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao.

Vì sao Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp?

Dịch bệnh nCoV hiện đang diễn biến rất phức tạp. Chúng ta đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Ảnh VGP/Trần Mạnh

 

Chiều tối 31/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh như: Bảo đảm khẩu trang; kiểm soát cửa khẩu; tổ chức lễ hội; quản lý trường học; có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay không?

Trước hết về vấn đề bảo đảm khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế (khẩu trang N95, khẩu trang 3 lớp) nên năng lực sản xuất của chúng ta là “không có vấn đề”. Tuy nhiên do phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu kháng khuẩn, cho nên bên cạnh giải pháp đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá khẩu trang y tế; chỉ xuất khẩu khẩu trang y tế khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép,…

Về sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế nhấn mạnh đây là chủ trương đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ các cấp các ngành và người dân cần  nghiêm túc thực hiện. Bên cạnh đó, người dân nên hình thành thói quen sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng không chỉ để phòng chống dịch mà còn để giữ gìn sức khỏe.

Trên cơ sở khuyến cáo của WHO, các chuyên gia cho rằng, người dân chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế chuyên dụng ở những nơi có nguồn lây nhiễm cao, ví dụ như những người tiếp úc, chăm sóc trực tiếp với người bệnh, người nghi mắc bệnh… còn lại có thể sử dụng các loại khẩu trang thông thường, bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

 

Ban Chỉ đạo họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh do nCoV gây ra. Ảnh VGP/Trần Mạnh

 

Về tổ chức lễ hội, các ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện các biện pháp giảm quy mô hoạt động của các lễ hội; giảm các hoạt động, rút ngắn thời gian tổ chức lễ hội xuống mức tối thiểu; chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tiến hành khử trùng, vệ sinh, tiêu độc tại nơi diễn ra lễ hội,…

Về vấn đề học sinh nghỉ học, các ý kiến cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh để kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cho học sinh nghỉ học trong trường hợp dịch lan rộng; Sở Y tế có trách nhiệm đánh giá tình hình dịch để có khuyến nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo tỉnh. 

Các ý kiến cũng đề nghị lực lượng chức năng tại khu vực biên giới, cửa khẩu tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ công dân các nước đến Việt Nam từ vùng có dịch và công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước theo phương châm 4 tại chỗ. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông cho người dân nắm được các giải pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh các kênh thông tin truyền thống, cần sử dụng cả mạng xã hội, tin nhắn,… để tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác, định hướng dư luận.

Về việc ngày 31/1, WHO chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU, song đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa công bố. Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh,…

Thực tế từ trước đến nay, WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với 4 loại dịch bệnh, nhưng Việt Nam chưa lần nào công bố. Kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H5N1 ở Việt Nam lên tới gần 10000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp – GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, đồng thời nhận định: Dịch bệnh nCoV hiện đang diễn biến rất phức tạp. Chúng ta đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết thêm: Hiện nay Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra. Song hiện tại nước bạn cũng chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp.

 

Bộ Y tế công bố 22 đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh nCoV

Chiều 31/1, Bộ Y tế cho biết 22 đường dây nóng bệnh viện đã sẵn sàng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona (nCoV) gây ra.

 

duong-day-nong.jpg

Các đường dây nóng liên tục tiếp nhận các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và nhận tư vấn cách phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, đến đến 7h04 ngày 1/2/2020, Số người mắc bệnh trên toàn thế giới: 11.948 trường hợp, 259 người tử vong.

Tại Trung Quốc, số người mắc bệnh là 11.791; số người chết: 259 người.

Tại Việt Nam, đến thời điểm này đã ghi nhận 5 ca dương tính với nCoV, trong đó có 2 ca là công dân Trung Quốc, hiện 1 ca đã khỏi bệnh.

Ba trường hợp còn lại là công dân Việt Nam, đều trở về từ Vũ Hán. Trong đó, 1 ca đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa; 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 2 của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đối với những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân này, ngành y tế đang cách ly, theo dõi.

Đến chiều 31/1, Việt Nam chưa thấy có ca bệnh nhiễm nCoV do lây lan trong cộng đồng. Tất cả 5 ca bệnh đều là các ca bệnh xâm nhập, kể cả 2 cha con người Trung Quốc là do tiếp xúc rất gần mới bị nhiễm bệnh.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top