Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 9 năm 2019 | 1:21

Suy nghĩ từ việc "bảo kê" vi phạm trật tự xây dựng tại phường Cửa Nam

Công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường Cửa Nam không bị xử lý, lãnh đạo phường nói đây là nhà của “người quen rất sâu với báo chí”… Theo ý của vị lãnh đạo này, đã có phóng viên, nhà báo “bảo kê” cho chủ đầu tư?

Báo Kinh tế nông thôn tiếp nhận phản ánh của cử tri về việc hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng tại phố Nam Ngư, phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Quá trình phóng viên tìm hiểu cũng như ghi nhận ý kiến từ người đứng đầu quản lý trực tiếp địa bàn thấy phản ánh là có cơ sở.

Tuy nhiên, một vị Phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam lại “khệnh khạng” nói: “Nhà này là của một người chơi rất sâu với báo chí”…  

cửa-nam.jpg

 

40-cửa-nam.jpg

 

26-cửanam.jpg
Những công trình vi phạm xây dựng tại phố Nam Ngư, phường Cửa Nam rất cần được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thật nghiêm nhằm nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Có thể khẳng định, thời gian qua, báo chí đã góp phần không hề nhỏ trong việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô nói chung và các tỉnh, thành nói riêng.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít  “phe cánh xã hội đen”, “thế lực” phức tạp tác động, đe dọa, can thiệp vào hoạt động của phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp.  

Khi được cơ quan chỉ đạo tìm hiểu sự việc, phóng viên đã gặp không ít khó khăn, sức ép về tinh thần khi những đối tượng “xã hội đen”, thậm chí là cả  phóng viên, nhà báo "có quan hệ sâu” như lời của cán bộ phường Cửa Nam nêu trên gọi điện can thiệp hoặc có hành động “bêu rếu” trên mạng xã hội nhằm cảnh báo (hình thức đe dọa) tới phóng viên đang thực hiện nhiệm vụ và cả cơ quan báo chí của phóng viên.

Qua đây, kính đề nghị cơ quan quản lý báo chí sớm kiến nghị với cơ quan hành pháp quan tâm tới tình hình phức tạp này. Một môi trường hoạt động báo chí lành mạnh, khách quan, mang tính phản biện thì không nên có “đất” cho những kẻ “bảo kê”, “xã hội đen” tồn tại, đặc biệt là trong vấn đề quản lý trật tự xây dựng của Thủ đô.

Và trong khi lãnh đạo TP. Hà Nội đã có những chỉ đạo sát sao đối với thực trạng của vấn đề quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng đô thị, mà tại sao vẫn xuất hiện, tồn tại nhiều công trình vi phạm xây dựng đặc biệt nghiêm trọng. Phải chăng đang diễn ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay là “lợi ích, bảo kê, tiêu cực”?

Một khía cạnh khác cần nhìn lại đối với phóng viên tham gia phản ánh vi phạm quản lý xây dựng trên địa bàn Hà Nội. “Thật đơn giản khi chỉ cần ghi nhận tìm hiểu và phản ánh đúng thực trạng. Nhưng, đâu đó lại nghe những lời hăm dọa, đồn thổi, tác động, áp lực thì cũng khó để thực hiện tới cùng vấn đề. Thậm chí là những lời “bêu rếu” phóng viên khi tham gia phản ánh vi phạm bằng những từ ngữ như “phóng viên đếm tầng”, “phóng viên IS”. Tôi không biết những người làm báo khi nói lên những lời xuyên tạc đó cho đồng nghiệp của mình, liệu có thực sự trong sạch như những gì họ viết lên mạng xã hội. Tôi nghĩ, lãnh đạo cơ quan của phóng viên đó cần có biện pháp nhắc nhở PV khi tham gia mạng xã hội” - ý kiến Phó tổng biên tập của một tờ báo tại Hà Nội.

Một ý kiến khách quan khác cũng cho rằng, “báo chí là cơ quan ngôn luận, được phép phản biện những mặt trái của xã hội nhằm cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, kiểm soát tốt hơn về tình hình địa bàn. Cớ nào, có người cũng là “phóng viên, nhà báo” lại có định kiến nhằm xuyên tạc, định hướng dư luận hiểu sai về hoạt động, thậm chí “đe dọa” chính đồng nghiệp mình?

 

 

H.T
Ý kiến bạn đọc
Top