Hàng loạt công trình sai phép, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận khiến bức tranh đô thị của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trở nên méo mó, biến dạng.
Tình trạng này diễn ra ở mọi cấp độ, quy mô từ căn hộ tập thể đến những công trình nằm ngay trong lòng khu phố cũ, phố cổ… Điều đáng buồn là mọi việc diễn ra ngay trước mắt chính quyền địa phương và các cấp quản lý nhưng đều bị làm ngơ, bỏ qua một cách kỳ lạ.
Sai phạm từ chung cư cho đến nhà phố
Đầu tiên phải kể đến công trình xây dựng cao tới 9 tầng nằm ở vị trí nhạy cảm của khu phố cũ 52 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là tuyến đường đắc địa bậc nhất Thủ đô khi giá trị giao dịch trên thị trường lên tới cả tỷ đồng cho mỗi m2 nhà mặt phố.
Công trình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại 52 Đào Duy Từ nhưng chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường Hàng Buồm vẫn chỉ xử lý trên giấy.
Điều đáng nói ở công trình có chiều cao ngất ngưởng nêu trên, trong 9 tầng thì có đến 5 tầng chủ đầu tư xây dựng vượt phép.
Trong khi đó, ngày 24/10/2013, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội. Tại phố Đào Duy Từ, mật độ xây dựng từ 60 - 70%, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1 - 3 tầng, với chiều cao từ 6 - 12m; lớp nhà sau phố được xây từ 2 - 4 tầng, chiều cao từ 10 - 16m.
Như vậy, công trình 52 phố Đào Duy Từ nằm trên một trong những tuyến phố thuộc diện cấp phép xây dựng theo quyết định trên nhưng không hiểu vì lý do gì, vẫn được xây vượt nhiều tầng, phá vỡ kiến trúc, quy hoạch phố cổ.
Làm việc với UBND phường Hàng Buồm, ông Trần Khánh Dương - Phó Chủ tịch UBND phường thừa nhận việc công trình tại số 52 Đào Duy Từ xây dựng vượt phép lên đến 5 tầng.
Theo ông Dương, công trình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ lâu. Sau đó, ông này trưng ra phiếu thu xử lý vi phạm hành chính mới toanh ghi ngày 10/4/2018 với khoản tiền 14 triệu đồng và thản nhiên cho rằng, chính quyền phường rất quyết liệt xử lý sai phạm của chủ đầu tư.
“Việc xử lý phải có quy trình, hiện nay phường đang làm rồi. Đáng lẽ việc lập phương án phá dỡ là của chủ đầu tư nhưng chính quyền đã làm thay. 3 năm nay không được cắt điện, cắt nước, theo quy định mới còn không được đình chỉ, chúng tôi phải làm thế nào?!” - ông Dương kể lể.
Nực cười cho lời nói của vị “quan phường”. Công trình xây dựng vượt đến 5 tầng thì không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai và càng không có chuyện chính quyền phường không hay biết. Thậm chí, UBND quận Hoàn Kiếm còn ban hành quyết định cưỡng chế cách đây cả năm, nhưng việc xử lý vẫn ở trên giấy và vướng ở quy trình.
Hệ quả của sự buông lỏng quản lý từ cấp phường cho đến cấp quận như một lẽ tất yếu, tại tòa nhà 52 Đào Duy Từ chẳng những không có phần vi phạm bị cưỡng chế, tháo dỡ mà chủ đầu tư ung dung thi công xây dựng, hoàn thiện, đưa công trình vào sử dụng để kinh doanh khách sạn Allure Hotel như là sự thách thức pháp luật và cơ quan ngôn luận.
Vậy đâu là tính thượng tôn pháp luật trong việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 52 Đào Duy Từ? Đơn vi, tổ chức hay cán nhân nào phải phải trách nhiệm trong vụ việc này? Động cơ nào khiến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, chậm xử lý? Giải pháp nào để kiên quyết chấn chỉnh, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong việc quản lý trật tự xây dựng, xử lý, khắc phục hậu quả?
Thông báo tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng do ông Hoàng Thạch Tâm - Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc ký ban hành nhưng không được thực thi triệt để.
Công trình nổi cộm thứ hai là tại địa chỉ số nhà 23 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vụ việc sai phạm xây dựng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà, đe dọa tính mạng người dân bất cứ lúc nào. Thế nhưng không hiểu sao, công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại khiến gia đình ông Phạm Đình Đông (trú tại tầng 1 số nhà 23 Hàng Bạc) vô cùng lo lắng và bức xúc.
Ông Đông cho biết, vợ chồng ông Nguyễn Đức Trung và bà Trần Thị Quỳnh sinh sống tại tầng 2 số nhà 23 Hàng Bạc trước đây đã từng tự ý xây dựng cơi nới tầng 3 diện tích khoảng 60m2 lấn chiếm khoảng không và diện tích sân chung của nhà số 21-23 Hàng Bạc với chiều cao 3m.
Từ diện tích lấn chiếm này, ngày 2/4/2017 gia đình ông Trung tiếp tục cơi nới tầng 3 và xây thêm tầng 4 cao 4m... ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu chịu lực của tầng 1 nơi mà gia đình ông đang sinh sống và có nguy cơ sập nhà bất cứ lúc nào.
Ngay cả khi có chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc và các đơn vị liên quan tổ chức cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng đối với hộ ông Nguyễn Đức Trung và bà Trần Thị Quỳnh theo đúng quy định, xong trước ngày 31/12/2017 và báo cáo UBND thành phố Hà Nội.
Sai phạm nhức nhối dẫn đến đơn thư khiếu kiện kéo dài, thế nhưng đã quá thời hạn theo “tối hậu thư” của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, công trình vẫn chưa được tháo dỡ đúng quy định của pháp luật.
Các hộ dân ở 20 Lê Thánh Tông bày tỏ sự bức xúc với cách xử lý của UBND phường Phan Chu Trinh và hành vi của ông Nguyễn Văn Thắng chủ hộ phòng 320.
Công trình sai phạm nổi cộm thứ ba phải kể đến là công trình vi phạm tại phòng 320 khu tập thể 20 Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do ông Nguyễn Văn Thắng ở tại căn hộ 12a07 tầng 13, nhà 34T khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo thợ phá dỡ 3 bức tường phía ban công tầng 3 tạo thành kích thước rộng 2,1m cao 2,25m; dỡ bỏ bức tường tạo thành cửa thông phòng có kích thước rộng 2m cao 2,25m; xây 2 bức tường 110mm tại hai phòng ngủ có kích thước rộng 2,3m cao 2,7m.
Quyết định cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng được UBND phường Phan Chu Trinh ban hành ra để “cất tủ”.
Hành vi cơi nới, phá dỡ trái phép của ông Thắng đang gây nguy hiểm cho các hộ liền kề, khiến dư luận bức xúc. Ông Lê Trọng Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh đã hai lần ra quyết định đình chỉ thi công và quyết định cưỡng chế công trình vi phạm... Nhưng công trình vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận và coi thường pháp luật. Vì sao lại như vậy? Và ai đã đứng đằng sau để “che chắn, chống lưng” cho gia đình ông Thắng hoàn thiện công trình trái phép này?!.
Vụ việc nổi cộm thứ tư tại phường Hàng Mã, theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Quỹ, trú tại số nhà 13B khu Tập thể 12A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, gia đình bà Quỹ thực hiện sửa chữa nhà, cải tạo nhà theo Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp; tuy nhiên công trình mới chỉ bước vào giai đoạn khởi công đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của gia đình người hàng xóm.
Hiện nay, gia đình bà Quỹ thường xuyên phải đối mặt với đơn thư kiện cáo, đòi hỏi yêu sách vô lý không phù hợp với quy định pháp luật kèm theo đó là những hành vi đe dọa thợ, cản trở việc sửa chữa, cải tạo nhà ở.
“Đến thời điểm này, gia đình chúng tôi vẫn chưa nhận được một văn bản chính thức nào trả lời giải quyết vụ việc từ các cấp chính quyền của quận Hoàn kiếm. Một vụ việc rất rõ ràng, trong đó quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ngang nhiên bị xâm phạm ngay giữa trung tâm Thủ đô, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự trị an trên địa bàn nhưng lại không được quan tâm, giải quyết dứt điểm” - bà Nguyễn Thị Quỹ bức xúc cho biết.
Văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi Ban Cán sự đảng UBND Thành phố.
Ngày 16/4/2018, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Tứ đã ký ban hành văn bản số 2266-CV/VPTU thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi đến Ban Cán sự đảng UBND thành phố. Nội dung văn bản nêu rõ:
“Xem xét Công văn 64/CV-TCMT ngày 03/4/2018 của Tạp chí Mặt trận về nội dung bài viết “Giải pháp để xử lý những vụ việc khiếu kiện kéo dài tại phường Hãng Mã”, đồng chí Bí thư Thành ủy chuyển Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra thông tin, trả lời theo quy định.
Văn phòng Thành ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy để các đồng chí biết, thực hiện”.
Theo quy định, trong vòng 30 ngày (vụ việc khiếu nại lần đầu) và 45 ngày (vụ việc khiếu nại lần hai, phức tạp), cơ quan thẩm quyền phải có trách nhiệm giải quyết đơn khiếu nại của người dân.
Đến nay sau nhiều ngày có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội và cũng đã nhiều tháng kể từ khi xảy ra khiếu kiện, UBND phường Hàng Mã vẫn không có động thái giải quyết dứt điểm, còn sai phạm về trật tự xây dựng, văn minh đô thị ngang nhiên tồn tại như “thách thức” pháp luật, đồng thời gây nên sự phẫn nộ của người dân đối với cách xử lý vi phạm của chính quyền sở tại.
Vấp phải sự phản ứng của người hàng xóm đã từng gắn bó, thân thiết, gia đình bà Nguyễn Thị Quỹ chủ động dừng thi công xây dựng, chờ đợi sự giải quyết của UBND phường Hàng Mã.
Phải chăng chính quyền phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm không giải quyết được đơn thư khiếu kiện thì “ngâm”? Có hay không việc UBND phường Hàng Mã trì trệ, dây dưa, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân? Đến nay, vụ việc không được quan tâm thỏa đáng, giải quyết dứt điểm đã chuyển sang tố cáo phức tạp, vậy trách nhiệm của ông Nghiêm Xuân Giao - Chủ tịch UBND phường Hàng Mã; ông Lê Quang Huấn - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã đến đâu trong vụ việc này?
Hy vọng, với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố sẽ là “chìa khóa” giải mã thành công được những bất thường liên quan đến sự chậm trễ trong việc giải quyết đơn thư, phát sinh khiếu kiện phức tạp, kéo dài tại phường Hàng Mã.
Bộc lộ sự yếu kém của lãnh đạo UBND quận trong quản lý trật tự xây dựng
Các công trình nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều các vụ vi phạm trật tự xây dựng nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Hầu hết các công trình này có điểm chung là đều được lực lượng Thanh tra Xây dựng thiết lập biên bản, hồ sơ sai phạm nhưng chính quyền địa phương xử lý hời hợt theo kiểu “bắt cóc, bỏ đĩa”, ra văn bản xử lý xong rồi loanh để đấy, quyết định cưỡng chế ban hành cất “cất tủ”.
Vậy tại sao các cơ quan này không tiếp tục xử lý triệt để, thực hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, làm đúng pháp luật mà lại cho tồn tại các công trình xây dựng trái phép một cách trắng trợn này, khiến cho tình trạng khiếu kiện vượt cấp của một số cử tri bị ảnh hưởng của các công trình trên càng ngày càng phức tạp hơn?!
Nhiều vụ việc nổi cộm về vi phạm trật tự xây dựng đã nảy sinh, bất chấp, coi thường pháp luật, kỷ cương, phép nước, thậm chí có những vụ việc nhức nhối đến mức đích thân Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã phải có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm xử lý nghiêm, triệt để sai phạm nhưng đến nay lãnh đạo quận Hoàn Kiếm dường như đã quên, phớt lờ luôn cả chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố.
Ngày 26/5/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Đây là chỉ thị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vi phạm trật tự xây dựng đang là thách thức lớn của Thủ đô và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quản lý lĩnh vực và quản lý địa bàn phải thực hiện.
Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn.
Rõ ràng đối với vi phạm trật tự xây dựng chúng ta không thiếu chế tài để xử lý, tuy nhiên trên thực tế, đã có những dấu hiệu buông lỏng trong quản lý xây dựng, thậm chí bao che, dung túng đối với các công trình sai phạm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn luật” của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Để bức tranh đô thị quận Hoàn Kiếm méo mó, sai phạm nhan nhản như trên không thể xa rời trách nhiệm chính của ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiềm đã buông lỏng công tác quản lý. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đã đến lúc Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm trong hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, văn minh đô thị cần phải có những giải pháp trọng tâm, cụ thể là:
Một là, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch. Tất cả các hành vi vi phạm quy hoạch xây dựng phải bị đình chỉ ngay và được xử lý kịp thời theo các quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền quản lý quy hoạch xây dựng theo phân cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những công việc quản lý được giao và phải bồi thường thiệt hại do các quyết định không đúng, không kịp thời, trái thẩm quyền gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Kiên quyết đình chỉ xây dựng, cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, xây dựng sai giấy phép, xây dựng không tuân thủ theo quy hoạch xây dựng.
Hai là, công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. UBND các cấp có trách nhiệm phải tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng phải được gửi đến tổ trưởng tổ dân phố nơi có công trình thi công, được dán công khai tại các công trình. Qua đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và nhân dân có thể theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là vấn đề mà thời gian vừa qua, tại một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhiệm vụ, chức trách của mình.
Ba là, HĐND, MTTQ các cấp đưa nội dung công tác giám sát việc thực hiện quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn vào chương trình công tác hằng năm. Khuyến khích MTTQ xây dựng cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.
Bốn là, thực hiện luân chuyển, có hình thức kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng. Trong trường hợp cần thiết, cần công khai hình thức xử lý, kỷ luật cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng sai phép, không để chủ đầu tư “lách luật” bằng hình thức “phạt cho tồn tại”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng, chây ỳ giải quyết đơn thư trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong các bài viết tiếp theo.
Phan Anh Tuấn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.