Sở hữu vị trí vàng 2 mặt tiền, công trình 52 Đào Duy Từ đã bị xử phạt vi phạm hành chính, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định cưỡng chế nhưng gần một năm nay, phần vi phạm vẫn chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ.
Không những thế, công trình này đã được đưa vào sử dụng làm khách sạn ALLURE HOTEL và hoạt động khá rầm rộ. TP. Hà Nội cần sớm làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan...
Gần một năm chưa tháo dỡ
Báo Kinh tế nông thôn đã có loạt bài phản ánh về công trình 52 phố Đào Duy Từ (phường Hàng Buồm, UBND quận Hoàn Kiếm), được phép xây 4 tầng nhưng chủ đầu tư bất chấp pháp luật, ngang nhiên xây tới 9 tầng.
Dư luận cho rằng, để xảy ra vi phạm trên là do UBND phường Hàng Buồm, UBND quận Hoàn Kiếm buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, nếu không nói là tiếp tay, làm ngơ để chủ đầu tư xem trời bằng vung, đứng trên pháp luật. Bởi thứ nhất, công trình 52 phố Đào Duy Từ xây dựng 9 tầng, vượt 5 tầng so với giấy phép, không thể thi công trong ngày một, ngày hai mà phải mất một thời gian dài để xây dựng và hoàn thiện. Công trình này chỉ cách UBND phường Hàng Buồm khoảng 1km, cách UBND quận khoảng 3km, nằm trên tuyến phố cổ đông đúc bậc nhất Hà Nội thì không thể nói chính quyền không biết.
Thứ hai, công trình đã bị xử phạt hành chính, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định cưỡng chế từ giữa năm 2017. Tuy nhiên, gần một năm nay, phần vi phạm vẫn chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ?
Để có câu trả lời dư luận, báo đã có văn bản gửi trực tiếp ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhưng hai tháng trôi qua, ông Tuấn vẫn im lặng một cách bất thường!
Vi phạm nghiêm trọng
Theo điểm d, khoản 11, Điều 15, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở mới có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, thì 5 tầng xây sai phép tại công trình 52 Đào Duy Từ buộc phải tháo dỡ.
Ngày 19/8/2014, UBND TP. Hà Nội ban hành Văn bản số 6175/UBND-XDGT về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Theo đó, để tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND hành phố yêu cầu: UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các quy định về quản lý trật tự xây dựng, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định, thông báo đến lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không kịp thời kiểm tra, xử lý, báo cáo đến cấp có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết.
Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, hoặc để các vụ vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong công luận, lãnh đạo địa phương đó và cán bộ thanh tra xây dựng theo dõi địa phương đó phải chịu trách nhiệm; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở Xây dựng phải xem xét, đề xuất xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo quy định.
Ngày 24/10/2013, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội. Theo đó, tại phố Đào Duy Từ, mật độ xây dựng từ 60-70%, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, với chiều cao từ 6-12m; lớp nhà sau phố được xây từ 2- 4 tầng, chiều cao từ 10-16m.
Như vậy, công trình 52 phố Đào Duy Từ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội. Đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm vi phạm tại 52 phố Đào Duy Từ theo quy định; đồng thời làm rõ trách nhiệm của UBND phường Hàng Buồm, UBND quận Hoàn Kiếm và các cá nhân liên quan, nhất là Chủ tịch UBND phường Trần Thị Nga, Chủ tịch UBND quận Dương Đức Tuấn, khi để xảy ra vi phạm nhưng không kịp thời xử lý gây bức xúc dư luận.
Liên quan đến vi phạm tại công trình 52 Đào Duy Từ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm xử lý kịp thời, trả lời báo chí theo luật và có văn bản gửi về Ban Tuyên giáo Thành ủy. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo chuyển văn bản của Báo Kinh tế nông thôn xuống UBND quận Hoàn Kiếm xử lý các vấn đề báo phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 52 Đào Duy Từ. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.