Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 10:56

Thạch Thành phát triển cây ăn quả tập trung, áp dụng công nghệ cao

Một số loại cây ăn quả trên địa bàn huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã khẳng định chất lượng và trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, như: cam, bưởi, ổi, thanh long, mít...

Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt hơn 2.490ha, sản lượng gần 39.800 tấn/năm; trong đó, diện tích cây ăn quả tập trung quy mô lớn hơn 700 ha; 98ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobarGAP.

1.jpg
Nông dân xã Thành Tâm (Thạch Thành) chăm sóc ổi lê Đài Loan.

 

Quy hoạch vùng trồng tập trung

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, hiện cây ăn quả có múi như cam, bưởi là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, với diện tích hơn 500 ha, sản lượng bình quân hàng năm hơn 10.000 tấn, doanh thu 500 - 600 triệu đồng/ha/năm. UBND huyện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cam Vân Du và đã được cấp văn bằng bảo hộ, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với sự phát triển cây có múi, một số loại cây ăn quả cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung và cho hiệu quả kinh tế cao, như: ổi, mít, thanh long, mắc ca... với diện tích tập trung khoảng 600ha, sản lượng hơn 12.000 tấn/năm.

Nhằm từng bước khai thác tiềm năng đất đai và phát triển bền vững, hiệu quả các loại cây ăn quả trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thành  phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện quy hoạch vùng cây ăn quả sản xuất tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị trên đơn vị diện tích, thu nhập bình quân của các mô hình đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

Điển hình như 4 mô hình trồng cam, bưởi ứng dụng hệ thống tưới và thâm canh (quy mô hơn 20 ha/mô hình) tại xã Thành Công và thị trấn Vân Du; 2 mô hình trồng thanh long (quy mô 5 ha/mô hình), tại các xã Thành Tiến, Thành Tâm; mô hình trồng mít Thái tại xã Thành Tâm, quy mô 2 ha; mô hình trồng ổi lê Đài Loan tại xã Thành Tâm, quy mô 5 ha; mô hình trồng cây mắc ca tại thị trấn Vân Du, quy mô 20 ha...

Nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cây ăn quả đạt hiệu quả, như: Hệ thống tưới tự động, tưới và chăm sóc tự động, áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm; quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM).

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Thạch Thành, Đỗ Thị Phiến cho biết: Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế và phát triển cây ăn quả trên địa bàn, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển cây ăn quả sản xuất tập trung để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đến năm 2025”. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, chú trọng chuyển diện tích đất màu, đất vườn, đồi thấp sang trồng cây ăn quả.

Đồng thời, phát triển cây ăn quả gắn kết chặt chẽ sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học tiên tiến; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nhân lực; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc áp dụng các tiêu chuẩn tương tự trong sản xuất nông nghiệp; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xây dựng thương hiệu một số loại cây ăn quả trên địa bàn để liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Đưa một số loại sản phẩm cây ăn quả chủ lực vào thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất cây ăn quả toàn huyện là 2.854ha, sản lượng 48.023 tấn. Trong đó, ưu tiên phát triển vùng cây ăn quả tập trung đến năm 2025 đạt 1.000ha, sản lượng 25.000 tấn.

Ứng dụng tiến bộ

kỹ thuật

Để đạt kế hoạch đề ra, bà Đỗ Thị Phiến cho biết: Huyện tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả an toàn tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định cụ thể từng vùng cây ăn quả có lợi thế gắn với sản xuất tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm; quy hoạch vùng cây ăn quả liền vùng theo định hướng của huyện.

Củng cố, nâng cao năng lực Hội Làm vườn cấp huyện, cấp xã và các tổ hợp tác, HTX tại các vùng sản xuất tập trung để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, làm đầu mối tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Khuyến khích chuyển đổi những diện tích cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả và việc chuyển đổi phải đánh giá điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp để lựa chọn cây trồng đưa vào sản xuất.

Nghiên cứu, đưa giống cây ăn quả có chất lượng vào sản xuất; trước mắt phối hợp với các viện, trung tâm sản xuất giống lựa chọn, du nhập các giống tốt đưa vào sản xuất, giới thiệu các địa điểm, cơ sở kinh doanh giống cây ăn quả có chất lượng, uy tín trong và ngoài huyện để nhân dân biết, lựa chọn.

Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác các loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung từ khâu giống, gốc ghép phù hợp, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, kỹ thuật bao trái, quản lý dịch hại tổng hợp, quy trình xử lý lộc, ra hoa, đậu quả, vụ sản xuất, cải tạo vườn cây. Ứng dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả hiệu quả theo hướng an toàn thực phẩm, ưu tiên sử dụng biện pháp sinh học, an toàn với con người và môi trường, áp dụng các biện pháp trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh hại.

Mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn, hữu cơ tạo ra sản phẩm có chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX trong tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Thu hút doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả. Tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng mới đường giao thông, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn để đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo quy mô lớn.

Đi đôi với đó, huyện Thạch Thành tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có của Trung ương, của tỉnh và của huyện về khuyến khích phát triển cây ăn quả. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ trồng, thâm canh cây ăn quả và sơ chế, bảo quản, chế biến quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. UBND huyện nghiên cứu, đề xuất HĐND huyện hỗ trợ sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao để khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top