Không chỉ có dấu hiệu lách luật, UBND tỉnh Thái Nguyên còn “qua mặt” HĐND và Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng chưa đúng về quá trình triển khai Dự án sông Cầu.
LTS. Sau khi Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh về “Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu” (gọi tắt là Dự án sông Cầu), ở TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), tổng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 làm chủ đầu tư theo hình thức BT, ngày 28/6/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5714/PVCP-V.1 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin Báo phản ánh.
Ngày 2/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc ký Văn bản số 2570/UBND -TH gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo các nội dung liên quan đến phản ánh của Báo Kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, nhiều nội dung UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ chưa trung thực, không đúng sự thật, báo cáo không đúng bản chất sai phạm tại Dự án sông Cầu.
Và để bạn đọc hiểu rõ hơn về việc làm của UBND tỉnh Thái Nguyên, Báo Kinh tế nông thôn điểm lại những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình xây dựng và triển khai Dự án sông Cầu; phân tích làm rõ tỉnh này báo cáo Thủ tướng chưa trung thực.
Dự án thành đề án
Về nội dung Báo Kinh tế nông thôn phản ánh: “Dự án sông Cầu có dấu hiệu lách luật khi Ban chấp hành Đảng bộ và HĐND tỉnh Thái Nguyên đồng ý đổi tên “Dự án” thuộc nhóm A thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ thành “Đề án” thuộc nhóm B, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc HĐND tỉnh Thái Nguyên”.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định việc Báo Kinh tế nông thôn nêu “dự án có dấu hiệu lách luật” là không đúng sự thật.
Tuy nhiên, thực tế triển khai Dự án sông Cầu lại chỉ rõ UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo sai sự thật.
Cụ thể, ngày 25/8/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 2190/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất Dự án sông Cầu. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đề xuất dự án thì Dự án sông Cầu thuộc dự án nhóm A. Trình tự, thủ tục thực hiện các bước tiếp theo phải xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô đầu tư.
Tờ trình của UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án.
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan liên quan, nhà đầu tư thực hiện thủ tục để chuyển đổi Dự án đầu tư (nhóm A) thành Đề án với 9 dự nhóm B. Sau khi chuyển từ Dự án nhóm A thành Đề án nhóm B, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc HĐND tỉnh Thái Nguyên nhưng tổng mức đầu tư không thay đổi, gần 10.000 tỷ đồng.
Ngày 23/10/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có Tờ trình số 167/TTr-UBND đề nghị HĐND thông qua chủ trương chuyển từ Dự án sang Đề án.
Như vậy, ban đầu Dự án sông Cầu là dự án thuộc nhóm A, UBND tỉnh Thái Nguyên làm các thủ tục chuyển thành Đề án gồm 9 dự án thuộc nhóm B, đây là cách làm có dấu hiệu lách luật. Báo Kinh tế nông thôn phản ánh là chính xác và có cơ sở.
Một mình một chợ
Về nội dung báo phản ánh: Chủ đầu tư là đơn vị lập đề xuất dự án cũng là đơn vị duy nhất dự sơ tuyển và trúng thầu một loạt 9 dự án gần 10.000 tỷ đồng. Dư luận lo ngại đã xảy ra tiêu cực. Cho rằng, chủ đầu tư đã “vẽ” ra một dự án “đồ sộ”, tổng mức đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Mức đầu tư này nhiều nhà đầu tư khác sẽ không đủ tài chính để tham gia. Lúc này, chủ đầu tư sẽ một mình một chợ… trúng thầu.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, việc lập hồ sơ đề xuất dự án, phê duyệt đề xuất các dự án; lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đều được thực hiện chặt chẽ về trình tự thủ tục đúng quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ và Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Thực tế, xin điểm qua một số ý sau:
Thứ nhất, chưa nói đến dự án thực hiện đúng hay sai nhưng nhân dân tỉnh Thái Nguyên nói riêng, nhân dân cả nước nói chung nhìn vào dự án thấy “chủ đầu tư là đơn vị lập đề xuất dự án cũng là đơn vị duy nhất dự sơ tuyển và trúng thầu một loạt 9 dự án gần 10.000 tỷ đồng” nên nghi ngờ có tiêu cực là có cơ sở và là điều dễ hiểu.
Thứ hai, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, việc lập hồ sơ đề xuất dự án, phê duyệt đề xuất các dự án; lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đều được thực hiện chặt chẽ về trình tự thủ tục đúng quy định là không đúng sự thật. Phải khẳng định, UBND tỉnh Thái Nguyên đang cố tình báo cáo Thủ tướng không đúng bản chất vấn đề.
Từ khâu phê duyệt đề xuất dự án, UBND tỉnh đã không báo cáo Thủ tướng theo quy định; khi HĐND tỉnh Thái Nguyên chưa thông qua chủ trương chuyển từ Dự án thành Đề án, chưa có quyết định chủ trương đầu tư nhưng UBND tỉnh Thái Nguyên đã tự ý tách từ 1 dự án thành 9 dự án, rồi tự phê duyệt đề xuất các dự án (phê duyệt đề xuất các dự án sau khi tự chuyển từ Dự án sang Đề án - PV); kéo theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khởi công 2 dự án đều không đúng quy định.
Nói gọn lại, khi HĐND tỉnh Thái Nguyên chưa thông qua chủ trương chuyển từ Dự án thành Đề án, chưa có quyết định chủ trương đầu tư, thì tất cả khâu, các bước, những việc làm trước đấy của UBND tỉnh Thái Nguyên đều không đúng quy định.
Triển khai thi công thí điểm một đoạn?
Về nội dung, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý cho chủ đầu tư khởi công thi công các dự án khi chưa đủ điều kiện khởi công. Đến ngày 29/5/2019, Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) các dự án vẫn chưa được phê duyệt. Nhiều hạng mục đã thi công trị giá nhiều trăm tỷ đồng đang nằm phơi nắng, gây lãng phí lớn.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 và trao Giấy chứng nhận đầu tư các dự án thuộc Đề án đầu tư, đồng thời triển khai thi công thí điểm một đoạn của dự án thuộc Đề án vào ngày 25/12/2016 là cần thiết.
Trong khi đó, nhiều văn bản do UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành, Đài Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên… đưa tin, ngày 25/12/2016, khởi công, thi công Đề án sông Cầu.
Và thực tế là, hai dự án số 1 và số 5 được UBND tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư khởi công vào ngày 25/12/2016, khi chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa ký hợp đồng BT, chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh), chưa được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án. Đặc biệt, các dự án này chưa có quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh.
Như vậy, UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng nói chỉ “triển khai thi công thí điểm một đoạn thuộc Đề án vào ngày 25/12/2016” là chưa đúng sự thật.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên có thừa nhận thực tế lãng phí nhưng lại đổ lỗi do nhiều nguyên nhân khách quan. Điều này cũng chưa đầy đủ.
Xin thưa, Dự án sông Cầu là dự án cấp bách nhưng qua cách làm của tỉnh Thái Nguyên thấy, quá trình triển khai chưa thực hiện đúng quy trình, dẫn đến dự án phải dừng thi công, chậm tiến độ gần 1 năm nay. Khoảng 200 tỷ đồng đầu tư vào đây đang nằm phơi nắng, phơi mưa gây lãng phí, mất mỹ quan, nguy hiểm hơn là mùa mưa lũ đã tới. Vậy do “vội vã”, dự án cấp bách thành lãng phí.
Báo Kinh tế nông thôn kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm tại Dự án sông Cầu gần 10.000 tỷ đồng, nhất là việc UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ chưa trung thực; hồi âm tới báo để báo có cơ sở thông tin tới bạn đọc.
Trong văn bản gửi Thủ tướng về nội dung báo phản ánh: “Nhiều hạng mục đã thi công đang nằm phơi nắng gây lãng phí..”, UBND tỉnh Thái Nguyên thừa nhận thực tế là có thật; tỉnh tiếp thu, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Còn về nội dung báo nêu: “Đến ngày 29/5/2019, Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) các dự án vẫn chưa được phê duyệt”, UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực tế là có thật, nhưng bởi có lý do trong quá trình thực hiện có những tác động về quy hoạch phát sinh như: Điều chỉnh chỉnh quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2035, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ tỉnh Thái Nguyên, điều chỉnh quy hoạch đê điều tỉnh Thái Nguyên… Chính vì vậy, Báo cáo nghiên cứu khả thi buộc phải điều chỉnh cho phù hợp, nhưng trong quá trình điều chỉnh phải qua nhiều thủ tục, lộ trình, cho nên thời gian có bị kéo dài, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực chỉ đạo sớm hoàn chỉnh theo quy định. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.