Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 4 năm 2018 | 8:21

Thanh Hóa: Dự án “ma” và những hệ lụy

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện trên địa bàn xã Quảng Vinh (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) được phê duyệt từ năm 1994, những người trong ban dự án đa số đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, vậy mà đến nay dự án vẫn chỉ tồn tại trên giấy.

Kỳ 1: Làng "ba không"

Đã hơn 20 năm nay làng không có những ngôi nhà mới, người dân phải sống tạm trong những căn nhà cũ nát, xiêu vẹo mà ông cha ta để lại. Không dừng lại ở đó, ngay cả nguồn nước sạch để dùng cũng không có.

Đất cha ông nhưng không được sử dụng

Theo phản ánh của người dân thôn 5, phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn, vào đầu năm 1994, Nhà nước có chủ trương xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn trên địa bàn xã Quảng Vinh, giao cho Công ty Toàn Tích Thiện làm chủ đầu tư.

Cũng trong năm đấy, chính quyền sở tại đã đến kiểm kê để cấp sổ đỏ cho bà con nhân dân nơi đây. Tuy nhiên, do đất nằm trong diện quy hoạch nên chính quyền vẫn chưa cấp sổ.

1-1.jpg
Nhiều ngôi nhà đã cũ nát nhưng không dám xây mới vì đất nằm trong dự án

Ông Trần Xuân Chinh (60 tuổi) cho biết: “Chúng tôi sống trên mảnh đất do ông cha để lại. Năm 1994, chúng tôi được chính quyền thông báo trên loa truyền thanh về việc không cấp sổ đỏ vì đất chúng tôi ở nằm trong dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn.

Chúng tôi đã chờ đợi để Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) đến kiểm kê tài sản và tái định cư, cho chúng tôi sang nơi ở mới. Nhưng chờ đến bây giờ vẫn chưa một cơ quan nào đến đây làm việc với chúng tôi”.

Chỉ tay về ngôi nhà cấp bốn cũ nát của mình, bà Nguyễn Thị Cúc (66 tuổi) bức xúc nói: “Tôi không biết họ xây dựng cái dự án nào mà để cho chúng tôi phải sống khổ sở suốt hơn 20 năm qua. Nhà cửa thì dột nát, không dám sửa chữa và xây mới, hễ bàn đến chuyện xây nhà, chính quyền lại xuống cấm và phạt hành chính”.

2-1.jpg
Bà Cúc cho biết, nhà bà được xây từ năm 1951 trước khi bà chào đời 

Cũng theo phản ánh của người dân, từ khi được thông báo đất nằm trong diện dự án đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào xuống họp bàn, thống nhất với dân về các phương án đền bù, họ chỉ nhận được thông báo trên loa truyền thanh với nội dung lên xã nhận tiền.

Ông Lê Văn Nhàn (60 tuổi) nói: “Không hiểu tại sao ban GPMB với chính quyền không đếm kiểm kê tài sản mà vẫn gọi chúng tôi lên xã nhận tiền, thử hỏi như vậy có minh bạch hay không?”.

Nhận thấy việc làm của phía công ty và chính quyền địa phương có mờ ám, đa số những hộ dân thuộc thôn 4 và thôn 5, xã Quảng Vinh không lên xã nhận tiền mà làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng có câu trả lời chính đáng.

3-1.jpg
Ban quản lý dự án đóng cửa hơn 20 năm không một bóng người xuất hiện.

Hàng trăm lá đơn từ năm này qua năm khác cứ thế ra đi mà không một lần hồi âm trở lại. Trong khi những ngôi nhà họ sinh sống đã xuống cấp cần phải sửa chữa, những đứa con đến tuổi lấy vợ cần xây dựng cửa nhà để ra ở riêng thì lại không được phép. Hay nói đúng hơn là họ không có quyền sử dụng đối với mảnh đất mà cha ông của họ để lại.

Từ khi có chương trình xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn, những hộ gia đình ở đây phải sống trong tình trạng  “ 3 không”: Không chứng nhận quyền sử dụng đất, không được xây dựng và sửa sang nhà cửa, không có nước sạch để sinh hoạt.

Dự án của những số không

Từ những vướng mắc của người dân, chúng tôi đã đến cơ quan chức năng tìm câu trả lời. Tuy nhiên, chính quyền phường Quảng Vinh từ chối làm việc với phóng viên và cho rằng cần phải có văn bản chấp thuận từ phía UBND TP. Sầm Sơn mới làm việc.

Sau một tuần đặt lịch, cuối cùng chúng tôi cũng được UBND thành phố sắp xếp làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố.

Ông Lê Quý Thơ, Phó trưởng ban điều hành dự án 2 cho biết: “Cuối năm 2017, sau khi tiếp nhận bàn giao từ huyện Quảng Xương, chúng tôi chỉ giữ được 2 bản phô tô liên quan đến phía Công ty Toàn Tích Thiện. Chúng tôi cũng làm báo cáo gửi UBND thành phố và đề nghị phía Quảng Xương bàn giao tất cả giấy tờ liên quan”.

20180406_083437.jpg
Báo cáo của Ban quản lý dự án có nhiều điểm bất cập...

Cầm báo cáo của Ban quản lý dự án, phóng viên không khỏi giật mình bởi dự án lớn như vậy nhưng trong báo cáo của ban chỉ có hai từ “không có”.

Lý giải về vấn đề này, ông Thơ cho biết: “Trước đây phường Quảng Vinh thuộc huyện Quảng Xương, nên tất cả các giấy tờ liên quan đều bên Quảng Xương giữ. Những người trong ban ấy bây giờ đã nghỉ hưu hết nên rất khó tìm lại giấy tờ. Nếu muốn hiểu rõ hơn thì các đồng chí nên liên hệ với anh Nhân, Phòng Công Thương bên Quảng Xương lấy thêm”.

Quả bóng trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã đẩy người dân vào cảnh điêu đứng trong hơn 20 năm qua, nhà cửa không được xây, dự án cũng không được triển khai, nằm bất động một nơi.

Một dự án lớn “nằm chết” trên địa bàn đã hơn 20 năm, nhưng vẫn chưa tìm được phương án xử lý khiến cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khốn cùng khi có đất cũng như không.

Kỳ 2: Dự án nằm chết, chủ đầu tư nói gì?

 

Hà Khải - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top