Sau lùm xùm về dự án “đất vàng, giá bèo” thuộc mặt bằng quy hoạch số 3241, gần 400 lô đất (diện tích 57.908,24m2) tại Khu đô thị Đông Hương (TP. Thanh Hóa) sẽ được đưa ra đấu giá trong tháng 10/2018.
Tuy nhiên, dư luận lo ngại, liệu có diễn ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong quá trình đấu giá tại đây?!
Huỷ bỏ quyết định phạm luật
Trước đó, MB số 3241/QĐ-UBND là một trong những vụ việc để lại nhiều điều tiếng trong quá trình đấu giá đất diễn ra tại Thanh Hóa. Bà Lê Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là người ký quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) của dự án này năm 2017.
Thế nhưng, mới đây, chính bà Thìn đã phải ký “hủy bỏ” văn bản do chính mình ban hành. Đồng thời, ký lại văn bản mới, nâng giá đất khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2 lên thành 9 triệu đồng/m2 và ngân sách nhà nước có thể thu về thêm gần trăm tỷ đồng.
Mới đây, UBND TP. Thanh Hóa đã ủy quyền cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thanh Hóa đưa dự án dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương ra đấu giá, với 375 lô đất.
Đơn vị bán đấu giá tài sản trên là Công ty Đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên (Công ty Hoàng Nguyên) do bà Lê Thị Hiền Lương làm Giám đốc.
Theo đó, 375 lô đất thuộc dự án này được Công ty Hoàng Nguyên thông báo (lần 1) mở bán hồ sơ tham gia đấu giá bắt đầu từ ngày 4/9, kết thúc bán hồ sơ vào ngày 24/9 với mức giá là 5 triệu đồng/hồ sơ, tiền đặt trước là trên 52 tỷ đồng/bộ hồ sơ, giá khởi điểm 375 lô đất được đưa ra đấu giá là hơn 521 tỷ đồng.
Sau nhiều lần thông báo điều chỉnh thời gian bán hồ sơ, thời gian nộp tiền đặt cọc, ngày 20/9, Công ty Hoàng Nguyên ra Thông báo số 235 về việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho các thông báo trước đó.
Thay vì mở thầu vào ngày 24/9, Công ty Hoàng Nguyên điều chỉnh, thông báo tới các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp về thời gian mua hồ sơ (giữ nguyên từ ngày 4/9), thời gian nộp tiền đặt cọc trước ngày 8/10/2018 và thời gian sẽ được đấu giá bắt đầu từ 14 giờ ngày 9/10/2018 tại số nhà 102, đường Triệu Quốc Đạt, phường Tân Sơn.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện đã tham gia mua hồ sơ, nộp tiền đặt cọc để được tham gia đấu giá quyền sử dụng 375 lô đất, với giá bình quân 9 triệu đồng/m2.
Trước đó, ngày 22/1/2018, dự án này đã được đưa ra đấu giá lần đầu, với mức giá hơn 434 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP Nakama Việt Nam, do bà Mai Thị Thắm làm Chủ tịch HĐQT với giá 437,786 tỷ đồng (chỉ cao hơn giá sàn khoảng 3,474 tỷ đồng).
Do vi phạm các quy định trong khâu đấu thầu, UBND TP. Thanh Hóa đã hủy bỏ việc trúng thầu và mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt giá sàn để đưa ra đấu giá 375 lô đất trên là hơn 521 tỷ đồng, cao hơn giá lần đầu gần 100 tỷ đồng.
Lo “quân xanh, quân đỏ”?!
Tuy được đấu giá lại, nhưng MB 3241 vẫn gây nhiều “hoài nghi” cho nhà đầu tư nộp hồ sơ về tính minh bạch, công khai, đúng thời gian, pháp luật và có thể thu tiền tối đa về cho ngân sách.
Các nhà đầu tư đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND TP. Thanh Hoá và các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm túc quy định về đấu giá quyền sử dụng đất tại QĐ số 07/2018-UBND, ban hành ngày 9/3/2018.
Đồng thời, đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cử lực lượng tham gia giám sát trình tự, thủ tục về việc thu, nộp hồ sơ đấu giá; thu, nộp tiền đặt trước và phí tham gia đấu giá (tại tài khoản đấu giá dự án) của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá dự án, đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt quá trình đấu giá cho đến khi có kết quả đấu giá; tránh tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp “quân xanh, quân đỏ”, cản trở quá trình đấu giá của dự án.
Và đề nghị đơn vị tổ chức đấu giá thực hiện nghiêm túc quy chế và các quy định của pháp luật về công tác đấu giá tài sản quyền sử dụng đất. Công khai thông tin trong suốt quá trình phát hành hồ sơ và quá trình đấu giá, đảm bảo sự minh bạch, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Nếu trong quá trình đấu giá phát hiện sự thiếu minh bạch và có dấu hiệu bất thường, phải dừng ngay đấu giá…
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.