Năm 2018, ngoài tập trung cho cây lúa, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) còn khuyến khích cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng sinh kế cho người dân.
“Thay áo” cho vườn cây
Gia đình ông Nguyễn Văn Quang, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, một trong 12 hộ của xã tham gia cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng và được địa phương hỗ trợ cây giống. Ông Quang cho biết: Trước đây, với 4.000m2 vườn, có lúc tôi trồng dừa, mía, khi thì trồng quýt, chuối…, mỗi loại trồng một thời gian ngắn nhưng hiệu quả mang lại không cao. Sau khi được cán bộ kỹ thuật định hướng, tôi cải tạo vườn, trồng 1-2 loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Hiện, tôi đã lên liếp trồng cam sành, cam xoàn và bưởi da xanh. So với các loại cây đã trồng trước đó thì cam và bưởi phát triển tốt, hợp đất hơn.
Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, ngoài tự học hỏi, ông Quang còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Sau gần 3 năm, ông đã thu được những quả ngọt đầu tiên từ quá trình “thay áo” cho vườn cây. Cam sành đã cho trái 2 vụ, còn cam xoàn đang cho thu trái bói.
Nếu cứ đà phát triển thuận lợi thì sắp tới, cam xoàn và cam sành sẽ cho gia đình ông thu hoạch không dưới 2 tấn trái. Trên bờ liếp, ông mới trồng thêm 100 dây bầu để sau này hái trái bán “lấy ngắn nuôi dài”. Trước đó, ông trồng mấy vụ dưa leo, khổ qua (mướp đắng) để có thêm nguồn thu chi cho sinh hoạt hằng ngày.
Ông Phùng Thái Duy, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thuận Tây, thông tin thêm: Phong trào cải tạo vườn tạp, thay thế cây trồng kém hiệu quả bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao diễn ra khá sôi nổi, nhất là trong 2-3 năm gần đây. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn xã cải tạo 25,93ha vườn tạp. Chủ yếu người dân chuyển sang trồng bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, xoài cát Hòa Lộc… Không chỉ vậy, phần diện tích liếp còn trống, bà con còn trồng xen các loại rau màu như bầu, mướp, khổ qua, dưa leo…, góp phần cải thiện thu nhập hằng tháng. Song song đó, nhiều hộ trong xã chuyển đổi cơ cấu sản xuất 2 màu - 1 lúa hoặc 2 lúa - 1 cá…, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn so với sản xuất lúa vụ 3.
Bên cạnh việc chọn loại cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, một số nhà vườn còn mạnh dạn mở rộng nhân giống để cung cấp cho nhiều hộ trong và ngoài địa phương.
Ông Nguyễn Minh Trắng, ở ấp 3, xã Vị Đông, có 16 công (1 công = 1.000m2) trồng mít ruột đỏ, trong đó có 4 công đang cho trái, ước tính mỗi công cho thu hoạch khoảng 3 tấn trái/vụ. Ngoài bán cho thương lái với giá khoảng 60.000 đồng/kg, năm nay, ông còn ương giống, ghép gần 1.000 cây giống để bán, hiện đã được đặt hàng hết, thậm chí chưa đủ cung cấp vì nhu cầu giống mít này khá cao.
Thu nhập cao
Việc cải tạo vườn tạp, thay thế dần cây trồng kém hiệu quả, phát triển sản xuất đã và đang góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế nông nghiệp của Vị Thủy. Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện, tính đến tháng 9/2018, toàn huyện có 285,3ha bưởi, 278,3ha cam, 728,8ha xoài và hơn 1.700ha các loại cây trồng khác.
Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Thủy, nhận định: Những mô hình chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế như bưởi, xoài, cam, mít… đã mang lại hiệu quả cao hơn so với mô hình cũ, cùng với đó là thu nhập của người dân cũng được cải thiện. Bên cạnh đẩy mạnh công tác định hướng, tuyên truyền, ngành chức năng huyện còn phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức nhiều đợt hỗ trợ giống, mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật, đề ra giải pháp tiếp cận vốn để tạo điều kiện cho nhà vườn mạnh dạn tham gia chuyển đổi cây trồng.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.