Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 9 năm 2021 | 7:52

Thi công đường dây 220kV ở Đắk Nông: Nhiều hộ dân chưa thống nhất mức hỗ trợ bồi thường

Quá trình thi công đường dây 220kV phục vụ các nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 vẫn còn một số hộ dân chưa đồng ý với phương án hỗ trợ bồi thường. Người dân đã gửi khiếu nại lên cấp trên đề nghị xem xét, giải quyết.

Đắk Nông có 6 dự án điện gió được phê duyệt đầu tư. Trong đó, có 3 dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 đang triển khai xây dựng. Bên cạnh thi công phần móng trụ, lắp đặt các tuabin điện gió, thời điểm này, chủ đầu tư đang tổ chức thi công đường dây 220kV để kịp hòa lưới điện Quốc gia.

Quá trình thi công, một số hộ dân chưa đồng ý với phương án hỗ trợ bồi thường dẫn đến việc ngăn cản thi công, tập trung đông người giữa dịch Covid-19.

Theo tìm hiểu của PV, tại huyện Tuy Đức sẽ thi công 17 móng trụ, 7,8 km đường dây với 95 hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ bồi thường. Gia đình ông Lài Quang Phả là một trong các hộ ở thôn Đắk K’rung, xã Quảng Tân chưa đồng ý với mức hỗ trợ bồi thường. Ông Phả cho biết, về mặt chủ trương, hoàn toàn ủng hộ dự án này, ông cũng biết được tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của tỉnh. Đối với mức hỗ trợ mà chủ đầu tư đưa ra, ông Phả cho rằng chưa phù hợp.

Ông Phả dẫn chứng, gia đình có 60m ngang mặt đường bê tông nằm trong hành lang đường dây 220kV. Theo giá thị trường, đất có giá khoảng 40 triệu đồng/m ngang, nếu bán sẽ thu về khoảng 2,4 tỷ đồng. Nhưng, chủ đầu tư nói chỉ hỗ trợ (gồm cả đất, cây trồng trên đất) tối đa 200 triệu đồng.

Ông Lài Quang Phả đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên xem xét lại mức hỗ trợ bồi thường cho gia đình.
Ông Lài Quang Phả đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan xem xét lại mức hỗ trợ bồi thường cho gia đình.

 

“Mức hỗ trợ đó chưa bằng 10% giá trị lô đất, nên tôi chưa đồng ý. Dù chưa thống nhất xong phương án đền bù, tôi chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng nhưng ngày 19/08/2021, họ vẫn tiến hành thi công. Sáng 23/08/2021, UBND xã Quảng Tân mời tôi lên đối thoại với chủ đầu tư, trong biên bản làm việc, tôi yêu cầu khi nào bồi thường xong thì mới được thi công nhưng ngay trong đêm họ đã lén kéo đường dây.

Tôi đề nghị chủ đầu tư và các bên liên quan xem xét lại phương án hỗ trợ bồi thường trên tinh thần đúng quy định của nhà nước và hài hòa lợi ích giữa các bên. Khi các bên chưa đạt thỏa thuận thì chủ đầu tư phải dừng việc thi công”, ông Phả nói.

 

 

Người dân tập trung ngăn đơn vị thi công kéo đường dây điện tại thôn Đắk K’rung, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức.
Người dân tập trung ngăn đơn vị thi công kéo đường dây điện tại thôn Đắk K’rung, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức vào ngày 19/08/2021.

 

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Đức cho biết: Dự án điện gió thuộc trường hợp nhà nước phải thu hồi đất, sẽ tiến hành hỗ trợ bồi thường, đền bù theo quy định. Tại huyện Tuy Đức, chỉ triển khai thi công phần móng trụ và hệ thống đường dây điện. Dự án đã được đưa vào Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông, nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Tuy Đức. Tỉnh khuyến khích địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng mặt bằng nhanh, nhằm đảm bảo tiến độ của dự án. Quá trình triển khai, hầu hết người dân ở huyện Tuy Đức đều đồng thuận, chỉ một số ít chưa thống nhất với phương án hỗ trợ bồi thường.

“Theo quy định, người dân đồng ý với phương án bồi thường, có biên bản bàn giao mặt bằng thì chủ đầu tư mới được tổ chức thi công”, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Đức nói.

Tương tự, tại thôn Đắk Tiên, xã Đắk N’Đrung, huyện Đắk Song, một số hộ ở đây cũng chưa thống nhất với phương án hỗ trợ bồi thường mà chủ đầu tư đưa ra.

Ông Trương Hồng Tiến, thôn Đắk Tiên, xã Đắk N’Đrung, cho biết: Dự án đường dây 220kV đang triển khai thi công nhưng ông hoàn toàn “mù” thông tin, mức hỗ trợ bồi thường căn cứ theo quy định nào cũng không được cung cấp. Dự án này “ôm” trọn toàn bộ 85m mặt đường nhựa của gia đình. Bây giờ chỗ đất ấy không thể làm nhà, có bán cũng không ai mua. Theo phương án bồi thường mà chủ đầu tư đưa ra (85m*24m*100.000đ/m2) thì gia đình chỉ được hỗ trợ 204 triệu đồng.

Mức hỗ trợ đó bằng khoảng 1/10 giá thị trường nếu như tôi chuyển nhượng trước thời điểm có dự án. Ngoài ra, mức giá hỗ trợ bồi thường đối với các công trình kiến trúc, cây công nghiệp của gia đình nằm trong hành lang đường dây 220kV, tôi cũng chưa đồng ý.

Sau khi kiểm đếm tài sản, chủ đầu tư mời ra hội trường thôn để nhận một tờ giấy A4 ghi tổng giá trị được hỗ trợ bồi thường và ký nhận tiền. Thông tin trên tờ giấy A4 được viết tay, với nhiều "không", gồm: không ghi cơ quan ban hành, không có chữ ký lãnh đạo, không đóng dấu. Vì mức hỗ trợ chưa phù hợp và có dấu hiệu mập mờ nên tôi chưa ký nhận.

Chỉ cần đồng ý với thông tin ghi trong tờ giấy A4 này, người dân sẽ được chi trả hỗ trợ bồi thường.
Chỉ cần đồng ý với thông tin ghi trong tờ giấy A4 này, người dân sẽ được chi trả tiền hỗ trợ bồi thường.

 

Ông Trương Hồng Tiến đề nghị chủ đầu tư xem xét lại mức hỗ trợ bồi thường cho gia đình và bà con.
Ông Trương Hồng Tiến đề nghị chủ đầu tư xem xét lại mức hỗ trợ bồi thường cho gia đình.

 

“Bà con hoàn toàn ủng hộ, mong dự án sớm hoàn thành việc thi công. Song cũng đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tính toán lại mức hỗ trợ cho gia đình, cho bà con trên tinh thần đảm bảo đúng quy định của nhà nước, hài hòa lợi ích của các bên”, ông Trương Hồng Tiến nói.

Ông Nguyễn Văn Lam cũng là một trường hợp khác ở thôn Đắk Tiên,  chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ bồi thường. Ông Lam cho biết: Ban đầu, họ nói gia đình được hỗ trợ bồi thường 510 triệu đồng, sau đó lại tăng lên 600 triệu đồng. 

Nhà tôi có khoảng 8.000m2 đất nằm trong hành lang lưới điện. Đường dây điện đi qua khiến đất rẫy không còn giá trị khi chuyển nhượng, nhiều loại cây trồng sẽ phải chặt bỏ do vượt chiều cao, thiệt hại về lâu dài là rất lớn, nên số tiền hỗ trợ 600 triệu đồng mà chủ đầu đưa ra là chưa phù hợp.

Do chưa đồng ý, nên một cán bộ công an đã đích thân 2 lần tới nhà vận động tôi chấp nhận mức hỗ trợ bồi thường đó. Quá trình nói chuyện, cán bộ ấy bảo nếu thống nhất với mức giá hỗ trợ 600 triệu đồng thì vợ chồng tôi hãy liên hệ với chú ấy. Nếu không đồng ý, chú ấy nói nói sẽ mời tôi ra trụ sở để làm việc.

“Đền bù là việc liên quan giữa tôi với chủ đầu tư, nhưng không hiểu sao cán bộ công an đó lại thay mặt chủ đầu tư đến tận nhà dân “đàm phán” như vậy? Tôi muốn làm việc trực tiếp với chủ đầu tư chứ không muốn gặp gỡ với một người không hề liên quan đến dự án này”, ông Nguyễn Văn Lam nói.

Trao đổi với PV, Thiếu tá Trần Duy Quyền, Trưởng Công an xã Đắk N’Đrung (Đắk Song), xác nhận có việc tới nhà vận động anh Nguyễn Văn Lam (tên gọi khác là Việt) nhận tiền hỗ trợ bồi thường. Khi PV cho rằng, việc này thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp thì vị trưởng Công an xã này khẳng định, việc của doanh nghiệp là của doanh nghiệp, còn tôi đi làm là việc vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách, chả có gì sai cả.

Trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo Công an huyện Đắk Song, lãnh đạo UBND xã Đắk N’Đrung đều cho biết: Quá trình triển khai dự án, lực lượng công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự.

PV đã nhiều lần liên hệ để trao đổi các thông tin liên quan với người được cho là đại diện cho cả ba công ty (Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Đrung Đắk Nông; Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Đrung Đắk Nông 1; Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Đrung Đắk Nông 2) nhưng không được phản hồi, hợp tác.

Rõ ràng, để các dự án điện gió cùng các công trình liên quan hoàn thành đúng tiến độ, thì chủ đầu tư, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cũng như công khai, minh bạch quá trình hỗ trợ bồi thường. Đối với các kiến nghị của người dân, nếu chính đáng, cần xem xét giải quyết; nếu không hợp lý, cần giải thích, đối thoại để người dân hiểu và đồng thuận.

 

Đông Quân
Ý kiến bạn đọc
Top