Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 5 năm 2018 | 15:57

Thiêng liêng nghi lễ Chào cờ nơi địa đầu Tổ quốc

Các đoàn khách du lịch đến Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thường tổ chức Lễ chào cờ trên đỉnh Lũng Cú. Đây cũng là thời khắc thiêng liêng để chiêm ngưỡng lá cờ đỏ sao vàng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em rực rỡ tung bay trong gió.

img_1128.JPG
Huyện đoàn Đồng Văn và các đồng chí chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú tổ chức Lễ Chào cờ trên đỉnh núi Rồng

 

Hướng về địa đầu Tổ quốc

Sau khi thăm Cột cờ Lũng Cú, chúng tôi được Tổ trưởng Tổ Quản lý Di tích Quốc gia Cột cờ Lũng Cú, anh Triệu Duy Sơn, tiếp thân mật trong nhà lưu niệm Khu di tích. Anh cho biết, Cột cờ hoàn thành ngày 25/9/2010. Lễ treo cờ, chào cờ do các đồng chí bộ đội biên phòng đảm nhận.

Sau khi dạo một vòng thăm Khu di tích, tôi hỏi anh Sơn về đoàn khách để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất. Anh kể: Năm 2012, đoàn Hội Người cao tuổi T.P Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đến thăm và làm Lễ chào cờ tại đỉnh Lũng Cú. Bốn năm sau (năm 2016), không kể tuổi cao, sức yếu, họ lại vượt hàng ngàn dặm đường bộ để lên đỉnh Long Sơn làm Lễ chào cờ, trong thời tiết hoàn toàn không thuận lợi, đối với sức khỏe của cả đoàn.

Anh Sơn cũng cho biết, không chỉ riêng anh mà nhiều đồng chí ở Trạm Biên phòng Lũng Cú, đơn vị tổ chức buổi chào cờ cho Hội Người cao tuổi T.P Cà Mau hôm ấy cũng rất cảm động. Nhiều cụ cao niên trong đoàn cho biết, họ đã thỏa lòng mong ước và rất tự hào khi ở độ tuổi này, vẫn thực hiện trọn vẹn những chuyến đi “để đời”, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc như vậy. “Chúng tôi không những không thấy mệt, mà còn quên hết tuổi tác, bệnh tật, khi được ngắm nhìn toàn cảnh vùng Tây Bắc hùng vĩ của đất nước. Một vài năm nữa, nếu bước chân còn dẻo dai, chúng tôi vẫn lên núi Rồng làm Lễ chào cờ, vì chưa bao giờ chúng tôi thấy địa đầu của Tổ quốc đẹp như thời khắc này”- Đó là tâm sự của một vị khách đoàn khách Cà Mau khi chia tay các đồng chí ở Trạm Biên phòng Lũng Cú, mà anh Sơn còn nhớ mãi. 

Trao đổi với chúng tôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, ông Nguyễn Hồng Phong, cho biết: “Bình thường chúng tôi tổ chức Lễ chào cờ trên đỉnh Lũng Cú 1 lần/tháng, hoặc khi có 1 đồng chí mới về đơn vị, Đồn cũng tổ chức Lễ chào cờ để giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ. Hoặc khi có các đoàn khách cấp cao của Chính phủ, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, quốc phòng... yêu cầu tổ chức Lễ chào cờ thì đơn vị sẽ thực hiện theo nghi lễ.

Luôn giữ “ngọn lửa hồng” rực cháy

Ông Phong cho biết, Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao 1.700m so mặt biển, chiếm lĩnh vị trí quan trọng có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đồn biên phòng Lũng Cú nằm dưới chân núi Rồng, cách cột cờ 330m, có nhiệm vụ bảo vệ 25,5km đường biên giới giáp Trung Quốc. Nếu mô tả một cách cụ thể thì đây là một tam giác nhỏ nằm trên đường biên giới Việt –Trung, 2 điểm thấp là Apa Chải (Điện Biên) và Sa Vĩ (Móng Cái), còn Lũng Cú là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam. Dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp, xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Ngược dòng lịch sử, tương truyền, tại địa điểm dựng đồn biên phòng ngày nay, sau khi Vua Quang Trung nhà Tây Sơn đánh tan 20 vạn quân quân Thanh, đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại đây. Sau đó, cứ mỗi canh giờ lại đánh 3 hồi trống, để khẳng định chủ quyền của dân tộc. Chính vì thế,  từ Lũng Cú khi đọc chệch âm sang tiếng Mông là Long Cổ (tức trống của vua) và người Mông tại đây hầu như ai cũng biết đánh trống đồng.

Vào thời thuộc Pháp (1887), cột cờ được xây lại, cán cờ làm bằng cây sa mộc. Giai đoạn tiếp theo: 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002, Cột cờ Lũng Cú tiếp tục được trùng tu, xây dựng lại, với kích thước, quy mô lớn dần. Năm 2002, cột cờ được xây dựng cao trên 20m, Quốc kỳ Việt Nam dài 9m, rộng 6m (diện tích 54m2), tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Chân và bệ cột có hình lục lăng, dưới chân cột có 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn.

Ngày 25/9/2010, cột cờ mới được nâng cấp như hiện tại và đưa vào hoạt động trở lại. Hiện, Cột cờ Lũng Cú có chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m), chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột 3,8m. Hình dáng cột cờ gần giống với Cột cờ Hà Nội, chân, bệ, đều có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh; mô phỏng hoa văn mặt trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh; trên đỉnh là Quốc kỳ Việt Nam, cán cờ làm bằng inox, lắp trong thân gỗ pơ mu cao 12,9m, lá cờ giữ nguyên diện tích cũ. Đường lên đỉnh núi Rồng và Cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá đi lên theo lối cũ và 839 bậc đá xuống theo một lối mới.

Phát biểu trong Lễ khánh thành Cột cờ mới, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Hoàng Minh Nhất, cho biết: “Việc trùng tu, nâng cấp Cột cờ Lũng Cú nhằm khẳng định vị thế, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng hy sinh, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, của đồng bào và chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc. Hiện, Đồn Biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên đỉnh Lũng Cú”.

Chia tay Đồn Biên phòng Lũng Cú, chúng tôi đều xúc động thấy, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, đường biên giới nhiều quanh co, khúc khuỷu, song, những chiến sỹ nơi đây vẫn chắc tay súng, để lá cờ Tổ quốc luôn rực đỏ giữa biên cương.

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top