Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại và người nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp đó - không thể đứng ngoài cuộc.
Hà Nội: Chủ động ứng dụng công nghệ số
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp số, thông minh phù hợp với xu thế hội nhập, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng những nhà nông thế hệ mới làm chủ công nghệ số.
Chủ động ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hải Anh (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) Nguyễn Thế Hanh cho biết: “Để đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, những năm qua, công ty đã xây dựng kênh bán hàng điện tử thông qua website, các trang mạng xã hội... Những thông tin về vùng trồng, quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm, nhãn mác đều được cập nhật trên mỗi mã cho từng loại rau. Hiện tại, mỗi ngày công ty tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và thành lập các nhóm, tổ tiêu thụ sản phẩm qua trang điện tử. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, hàng nghìn tấn nông sản đã được nông dân các huyện kết nối tiêu thụ thông qua hình thức này.
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tạo gian hàng số cho 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post là đơn vị bảo trợ). Không chỉ cung cấp nền tảng số, hướng dẫn cách lên sàn…, Vietnam Post còn hỗ trợ hộ nông dân đồng bộ các giải pháp như tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán. Hiện, gần 50.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên cũng có một thực tế là, số hộ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa tạo được nguồn giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm nông nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh sẽ giúp người nông dân tạo được nguồn giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm tại “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội - cơ hội mua sắm online an toàn trong mùa dịch”.
Là chủ thể của nền nông nghiệp hiện đại, nông dân là nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển của tiến trình này. Cùng với đó, sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng là điểm tựa, tạo nền tảng giúp nông dân sớm làm chủ được công nghệ số. Trong đó, cần hỗ trợ nông dân đồng bộ hóa trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mã số các vùng trồng; đào tạo, hướng dẫn nông dân tiếp cận công nghệ số...
Để đáp ứng đòi hỏi từ thực tế, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột: Bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. Năm 2022, Bộ đã chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để thực hiện chuyển đổi số. Bộ sẽ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành ở trung ương và địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số để hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ số từ khâu sản xuất đến tiêu thụ…"
Góp phần vào tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Lam, Thành viên Hội đồng thành viên Vietnam Post cho biết: "Trong năm 2022, Vietnam Post và Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hoàn thành mục tiêu đưa 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Để thực hiện điều này, chúng tôi sẽ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn".
Cùng với các bộ, ngành, nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tham gia tiến trình này. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở đã phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm; đồng thời yêu cầu các đơn vị trong ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chuyển đổi số và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm…
Hiện tại, Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hơn ai hết, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.
Thanh Hóa: Thương mại điện tử từng bước đi vào cuộc sống
Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy đến hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, sự hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh đã trực tiếp thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) đạt được bước phát triển mới. Hiện nay, giao dịch qua TMĐT đã trở thành phương thức giao dịch phổ biến, được cả doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng chủ động khai thác.
Theo Sở Công Thương, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã sử dụng Internet, thư điện tử... trong giao dịch với khách hàng. Trong đó, có hơn 200 DN đăng ký website thực hiện các dịch vụ TMĐT; có 35% DN tham gia cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ và thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân trên Internet. Cùng với đưa sản phẩm của mình quảng bá, tiêu thụ trên các sàn TMĐT, nhiều DN đã lập website có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến thay cho email truyền thống hỗ trợ bán hàng; sử dụng ứng dụng tem điện tử và ứng dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Một số DN có bộ phận maketing, sale thông thạo ngoại ngữ đã bắt đầu tìm hiểu, xây dựng các kênh quảng bá sản phẩm trên các trang TMĐT quốc tế để mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với đối tác nước ngoài.
Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa tham gia hoạt động trên thị trường xuất khẩu nông sản được 5 năm. Vào thời kỳ DN đang bắt đầu phát triển ổn định thì dịch COVID-19 xảy ra trong hơn 2 năm vừa qua đã tác động nhiều đến hoạt động gặp gỡ, giao dịch của đơn vị với đối tác. Trước tình hình đó, công ty đã thành lập một bộ phận truyền thông phụ trách sản xuất các video, hình ảnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh mạng xã hội. Đồng thời, đầu tư quảng cáo trên các trang TMĐT uy tín như Alibaba, Amazon... Nhờ chủ động khai thác các tiện ích của TMĐT phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của DN, trong 2 năm qua, doanh thu xuất khẩu của công ty vẫn tăng trưởng đều 20% so với các năm trước. Đặc biệt trong năm 2022 này, công ty đã có đủ đơn hàng sản xuất cho cả năm với tăng trưởng gấp 1,5 lần năm 2021.
Hiện nay, TMĐT trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực. Đặc biệt hiện nay hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng Internet được đầu tư đồng bộ, cùng với nhiều giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các DN chủ động ứng dụng công nghệ số, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến để quản lý, cung ứng sản phẩm một cách dễ dàng qua không gian mạng.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Tuy đã đạt được những phát triển bước đầu, nhưng hiện nay, do DN trên địa bàn tỉnh đa số là DN nhỏ và vừa, việc ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh vẫn chưa đạt kỳ vọng; hoạt động thanh toán trực tuyến chưa phát triển; nhiều DN đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức giới thiệu DN, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán; các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng di động còn thấp...
Để thúc đẩy TMĐT phát triển theo đúng định hướng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% DN có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của DN. 80% website TMĐT của DN có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. 50% DN nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT. Nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng, công tác quản lý, về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt... cũng được đề xuất nhằm đưa TMĐT trở thành một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Vĩnh Phúc: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT
Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.
Với gần 2.000 trụ thanh long, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Ngọc Linh, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch xuất bán ra thị trường trên 30 tấn quả, mang về khoản lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Từng được coi là cây "hái ra tiền", nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, giá thanh long năm vừa qua đã sụt giảm mạnh. Dù còn gần 2 tháng nữa vườn thanh long mới bước vào vụ thu hoạch, nhưng anh Linh vẫn không khỏi lo lắng.
Năm 2021, giá thanh long ở mức thấp, lợi nhuận cũng vì vậy mà giảm gần một nửa so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid -19, song vẫn tiêu thụ được. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái tới nay, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam nên đầu ra gặp khó. Nếu việc đóng cửa này còn tiếp tục thì việc tiêu thụ thanh long năm nay sẽ càng thêm khó khăn.
Được biết, trên địa bàn huyện Lập Thạch hiện có 300 ha trồng thanh long ruột đỏ. Ngoài 100 ha đã trồng từ năm 2011, năm nay có thêm 200 ha được trồng mới theo giai đoạn 2018- 2021 bắt đầu cho thu hoạch. Do đó, mà sản lượng thanh long của huyện Lập Thạch cần tiêu thụ trong năm nay vào khoảng 3.000 tấn, tăng gần 2.000 tấn so với năm 2021, một con số không hề nhỏ.
Không chỉ riêng thanh long Lập Thạch, theo số liệu của Cục thống kê Vĩnh Phúc, đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có gần 7.900 ha cây ăn quả với các cây trồng chủ yếu là thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, cam … với sản lượng hàng năm lên tới hàng chục nghìn tấn.
Việc tìm kiếm giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả đã và đang trở thành vấn đề bức thiết, đặc biệt là trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19 như hiện nay.
Trước thực tế đó, công tác hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua được tỉnh quan tâm chỉ đạo với nhiều hỗ trợ thiết thực.
Gần đây nhất, trong tháng 3 đầu năm 2022, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức ký thỏa thuận hợp tác về “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ tổ chức rà soát, thu thập thông tin của 113.000 hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Agri-postmart.vn.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương để triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, từ tháng 1/2022, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị các cơ quan đơn vị phối hợp thực hiện.
Trong đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rà soát các mặt hàng nông sản xuất khẩu trên địa bàn, đặc biệt là nhóm hàng trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc, để có định hướng điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiến độ thu hoạch phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới nhiều khả năng còn gặp khó khăn.
Xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng nông sản đang tồn dư và dự kiến sẽ thu hoạch trong thời gian tới.
Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các kênh mới trong nước và ngoài nước, qua đó giúp giảm bớt khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Là 1 trong những địa phương có thế mạnh về trồng cây ăn quả, nhất là thanh long ruột đỏ, huyện Lập Thạch đang kết nối với 1 doanh nghiệp chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết, dự kiến trong tháng 5 - 6 tới sẽ xuất khẩu thử một chuyến thanh long ruột đỏ sang thị trường EU.
Đồng thời, phía Công ty cổ phần khoa học công nghệ FIR, Vĩnh Yên cũng đang làm thủ tục đăng ký đầu tư xây dựng án nhà máy chế biến bảo quản, chế biến thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hòa. Khi dự án này đi vào hoạt động sẽ giúp ổn định đầu ra cho cây thanh long ruột đỏ của địa phương cũng như tận dụng được những quả thanh long nhỏ, mẫu mã kém vào hoạt động chế biến.
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì sự quan tâm hỗ trợ của các cấp trong tỉnh cùng những giải pháp về điều chỉnh kế hoạch sản xuất, gắn với bảo quản, sơ chế biến sản phẩm cũng như xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sẽ góp phần thúc đẩy cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững./.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.