Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2019 | 23:50

Thu giữ gần 1.000 tấn đường lậu từ Campuchia về Việt Nam

Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã triệt phá đường dây tội phạm buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam, thu giữ gần 1.000 tấn đường.

tang-vật-công-an-thu-giữ-được-ảnh-công-an-cung-cấp.jpg

1.000 tấn đường công an thu giữ (Ảnh Công an cung cấp)

 

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng về hành vi buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam.

Các đối tượng gồm: Vi Hoàng Minh, Lê Chung Thành, Lê Vũ Phong, Đặng Bảo Huy về tội buôn lậu. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Vi Hoàng Minh (trú tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) là người cầm đầu đường dây buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam.

Theo đó, Minh sang Campuchia mua đường cát trắng rồi cho người vận chuyển về Việt Nam. Khi về nước trót lọt Minh sẽ thay vỏ bao đường in chữ nước ngoài thành nhãn mác ghi tên một công ty do đối tượng ủy quyền điều hành. Cách làm này nhằm che giấu, đối phó với cơ quan chức năng kiểm tra trong quá trình vận chuyển.

Đia điểm tập kết đường của Minh tại kho của Công ty TNHH Di Thạnh (địa chỉ đường Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Thành, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Sau đó, đường được vận chuyển đi nhiều nơi khác để tiêu thụ. Thời điểm cơ quan điều tra khám xét đã thu giữ gần 1.000 tấn đường cát trắng.

Hiện, Cơ quan Công an đang tập trung điều tra mở rộng vụ án xử lý theo quy định.

 

TP. Cần Thơ: Thiệt hại gần 100 tỉ đồng vì dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại, Cần Thơ đã có 72 trên 76 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày chưa tái phát dịch bệnh. Thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi của địa phương.

Dịch đã xảy ra trên 2.300 hộ chăn nuôi, với số lợn phải tiêu hủy hơn 3.370 tấn, tổng thiệt hại gần 100 tỉ đồng.

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, hiện, địa phương đã có kế hoạch cụ thể để tránh thiệt hại khi tái đàn. Những trang trại nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học và có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y thì mới được tái đàn, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm thời chuyển đổi sang những vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Cũng theo ông Yên, tại các trang trại và các hộ chưa có xảy ra dịch bệnh thì vẫn được phép tái đàn, nhưng phải tuân thủ các quy định về vận chuyển giống ra, vào vùng có dịch bệnh.

Theo thống kê của ngành chức năng, giá thịt lợn hơi ở khu vực ĐBSCL đang dao động khoảng 70.000 đồng/kg, giá thịt bán đến tay người tiêu dùng dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.

 

Cà Mau yêu cầu kiểm tra thông tin rừng phòng hộ bị phá

Trước thông tin báo chí phản ánh về việc rừng phòng hộ ven biển bị chặt phá, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra và làm rõ trách nhiệm nếu có việc mất rừng như phản ánh.

Được biết, tuyến rừng phòng hộ xung yếu ven biển phía Đông của tỉnh Cà Mau, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 quản lý thời gian qua bị chặt phá nghiêm trọng. Vị trí bị chặt phá thuộc tiểu khu 136 (thuộc địa bàn xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn). Nhiều cây đước trong độ tuổi từ 15 - 20 năm bị chặt phá, có những vết chặt mới.

Sở NN&PTNT sẽ kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh nêu trên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành; làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng (nếu có). Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra toàn bộ tuyên rừng phòng hộ ven biển và sớm có báo cáo gửi về UBND tỉnh.

 

An Giang: Kiểm soát lợn nhập lậu

Do nguồn cung thiếu, giá bán cao nên các đối tượng vẫn lén lút nhập lậu lợn vào nước ta qua biên giới Tây Nam, trong đó, An Giang là tỉnh trọng điểm. 

motthegioi.jpg
Nếu không kiểm soát tốt lợn nhập lậu nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi là rất cao (ảnh motthegioi)
 

Tại tỉnh An Giang, chỉ trong một thời gian ngắn tỉnh đã phát hiện 15 vụ buôn lậu lợn với số lượng hơn 4.000 con. Theo Bộ đội biên phòng tỉnh này, trước đây rất ít khi phát hiện lợn nhập lậu. Nhưng những tháng gần đây, lượng lợn nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam qua vùng biên giới tỉnh An Giang gia tăng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, hiện với 1kg lợn hơi nếu đưa trót lọt qua biên giới, đối tượng buôn lậu sẽ thu lãi khoảng 9.000 - 10.000 đồng. Lợn nhập lậu được lén lút vận chuyển qua biên giới, không qua kiểm dịch nên nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn địa phương là rất cao.

Theo tỉnh An Giang, hết tháng 11, tỉnh có 111 địa phương qua 30 ngày không xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Lợn nhập lậu có thể khiến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trở nên khó khăn hơn.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, nếu cho phép nhập khẩu, địa phương sẽ phải xây dựng một khu vực cách ly để nuôi nhốt lợn tập trung nơi biên giới. Sau khi lấy mẫu, xét nghiệm, lợn sạch bệnh sẽ được đưa vào nội địa tiêu thụ. Cách làm này sẽ đảm bảo việc cung ứng nguồn thịt cho người dân. Cơ quan chức năng kiểm soát được nguồn lợn sạch bệnh, vừa thu được thuế.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top