Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 12 năm 2015 | 10:3

Quản lý phân bón, cần có quy định rõ ràng hơn

Ngày 04-12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu Khí (PVFCCo) tổ chức Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng.

Trong thời gian qua, tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng đã gây ra nhiều hệ lụy đối với ngành trồng trọt, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính và người nông dân.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội nghị

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế - Cục Quản lý thị trường, cho biết, tình hình vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là không thực hiện công bố hợp quy, hợp chuẩn trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp thức hóa hàng lậu bằng tờ khai, chứng từ nhập khẩu và bao bì của doanh nghiệp sản xuất trong nước để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.

Theo ông Phạm Văn Thường, đại diện Chi Cục Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2015 đến nay Chi cục phối hợp với các ngành kiểm tra 105 đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón vật tư nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, lấy mẫu phân bón đi kiểm nghiệm chất lượng, phát hiện và xử lý 46 vụ vi phạm, trong đó có 13 vụ sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, 02 vụ sản xuất phân bón giả, 31 vụ vi phạm về nhãn, môi trường. Xử phạt vi phạm hành chính 2.047.590000 đồng. Tịch thu tiêu hủy: 13.800 kg phân bón giả; tạm giữ 5.500kg phân bón.

"Tính chất, phương thức thủ đoạn một số vụ vi phạm về phân bón khá phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều ngành khác nhau, điển hình như vụ sản xuất phân bón giả của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Phúc Quỳnh, địa chỉ: số 251 Tân Quý, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh sản xuất phân bón giả nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty CP SX Phân bón Thiên Phú Nông, dùng hóa đơn giá trị gia tăng đã quyết toán hủy với cơ quan thuế để hợp thức hóa cho hàng giả và bán cho các cơ sở kinh doanh tại Lâm Đồng. Khi cơ quan điều tra vào cuộc thì không tìm được Công ty Phúc Quỳnh, không tìm được chủ doanh nghiệp nên không thể xử lý được đối tượng sản xuất hàng giả, chỉ xử lý được người kinh doanh", ông Thường nói.

Ông Nguyễn Đức Chung, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện tại trên địa bàn có 1.324 cơ sở kinh doanh phân bón và 24 cơ sở sản xuất, 02 đơn vị nhập khẩu phân bón vô cơ. Từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường phối hợp với ngành chức năng kiểm tra 424 vụ kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, lấy 130 mẫu phân bón gửi phân tích, kiểm tra chất lượng so với công bố trên nhãn. Qua kiểm tra xử lý 21 vụ kinh doanh phân bón không đạt chất lượng so với công bố trên nhãn, hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, phân bón nhập lậu, quá hạn sử dung, với tổng số tiền phạt 782,316 triệu đồng và tịch thu 8.425 kg phân bón nhập lậu, quá hạn sử dụng.

"Ngày 24/4/2015, Đội Quản lý thị trường số 1, thuộc Chi cục Quản lý thị trường Đồng Tháp phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Kim Hoàng, mua bán phân bón, thuốc trừ sâu, địa chỉ: Số 279, quốc lộ 80, ấp Tân Bình, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Qua kiểm tra Đoàn đã tiến hành lấy mẫu gửi kiểm nghiệm chất lượng so với công bố trên nhãn lô phân bón NPK cao cấp: 20 – 20 – 15 + TE,  do Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư thương mại – dịch vụ Minh Phát, địa chỉ: 28/16, đường 3/2, KP7, phường Linh Đông, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất tại Nhà máy lô E, đường số 1, khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Số lượng phân bón thực tế tại thời điểm lấy mẫu 32.000 kg, tổng trị giá lô hàng 336 triệu đồng. Kết quả chất lượng phân bón NPK cao cấp: 20 – 20 – 15 + TE nêu trên không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Chi cục Quản lý thị trường Đồng Tháp đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp  ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với doanh nghiệp tư nhân Kim Hoàng, với số tiền 504 triệu đồng, đương sự đã thực hiện quyết định xong. Ngoài ra, ngày 20/8/2015, Đội QLTTr cơ động, Chi cục QLTTr Đồng Tháp phối hợp với ngành chức năng kiểm tra Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn ĐT & TM Phương Thảo, mua bán phân bón, địa chỉ: số 99, khóm Phú Mỹ Hiệp, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra đã phát hiện Chi nhánh kinh doanh phân bón nhãn hiệu NPK 20-20-15 của Nhà máy sản xuất phân bón Năm Sao, địa chỉ Khu Công nghiệp Long Định, Cần Đước, Long An quá hạn sử dụng, với số lượng 2.000 kg, trị giá lô hàng 26 triệu đồng, đồng thời Đoàn cũng tiến hành lấy mẫu phân bón NPK 20-20-15+TE do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Quốc Cường sản xuất gửi phân tích kiểm nghiệm chất lượng, kết quả không đạt chất lượng so với công bố trên nhãn. Phạt tiền 02 hành vi, với tổng số tiền 38,55 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số lượng phân bón quá hạn nêu trên", ông Chung cho biết.

Ông Đỗ Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tiền Giang, cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã kiểm tra 45 vụ (lấy 44 mẫu gửi thử nghiệm gồm 10 mẫu không đạt và 34 mẫu đạt chất lượng), kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm 16 vụ (chiếm 36% so với số vụ kiểm tra), xử phạt 24 vụ (có 13 vụ của năm 2014, còn tồn 05 vụ của năm 2015 đang chờ xử lý), thu phạt 1.193.839.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 800 triệu đồng, gồm: Phân bón giả: 12 vụ/24 vụ, chiếm 50% số vụ xử phạt (03 vụ của năm 2014) sản xuất, kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu, thu phạt 268.341.500 đồng; Phân bón không đảm bảo chất lượng: 12 vụ/24 vụ, chiếm 50% số vụ xử phạt (10 vụ của năm 2014) sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân bón có chất lượng không phù hợp với công bố, không đạt mức sai số định lượng cho phép so với quy định…, thu phạt 925.497.500 đồng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh daonh phân bón (ảnh Minh họa)

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho QLTTr. Do đó, khi chuyển các vụ việc phân bón không đảm bảo chất lượng đến cơ quan chức năng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính (Thanh tra Sở Công Thương) thì xảy ra tình trạng cơ quan này xử phạt hoặc đề nghị xử phạt không đúng như đề nghị của Quản lý thị trường.

“Cụ thể, một số trường hợp xử phạt đối với đối tượng kinh doanh hàng hóa theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; trong khi Quản lý thị trường đề nghị xử phạt đối tượng sản xuất theo Nghị định số 163/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, mức phạt tiền tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP theo giá trị hàng hóa nhưng hàng hóa vi phạm phát hiện tại cơ sở kinh doanh, mà ở các đại lý thường là số lượng ít, vì vậy có trường hợp chỉ phạt được 1 triệu. Vì vậy so với mức phạt tiền tại Nghị định số 163/2013/NĐ-CP có thể thấp hơn nhiều nên việc xử lý vi phạm không có tính răn đe cao”. Ông Phước dẫn chứng.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về phân bón, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, Chi cục Quản lý thị trường kiến nghị Cục Quản lý thị trường đề nghị cấp có thẩm quyền một số vấn đề: Sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2013/NĐ-CP theo hướng; Bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường. Đối với Điều 22 Nghị định này: Bổ sung hành vi kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng vào Điều này. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 22 thành “tịch thu phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này”. Bổ sung Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 38; Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 39 Nghị định này theo hướng quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền tịch thu đối với phân bón kinh doanh đã quá thời hạn sử dụng, phân bón đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ. Đồng thời các cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón.

Ông Văn Huy Vương, Phòng Quản lý tiền chất, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa điều tra mới nhất 60% tỉnh, thành tháng 8/2015, cả nước đã có hơn 700 cơ sở sản xuất phân bón (tập đoàn, tổng công ty, công ty, chi nhánh). Riêng TP. Hồ Chí Minh có 491 công ty, chi nhánh, trong đó 267 đơn vị sản xuất phân bón, một con số đáng kinh ngạc (chính những nơi này là nơi dễ sản xuất phân bón giả, gây ô nhiễm môi trường); tỉnh Long An 42 công ty; tỉnh Đắc Lắc 37 công ty; TP. Hà Nội 22 công ty; tỉnh Đồng Tháp 21 công ty; tỉnh Thanh Hóa 22 công ty; tỉnh Đồng Nai 47 công ty… Nếu điều tra 100% các tỉnh thành thì con số sẽ lên hơn 1.000 cơ sở.

Đại diện Công ty PVFCCo cho biết, đơn vị này đã xây dựng quy trình để phòng chống hàng giả hàng nhái các sản phẩm của họ, chính vì vậy việc làm giả, nhái sản phẩm của công ty được xử lý kịp thời nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, từ đó tạo được lòng tin cho bà con nông dân.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đã ghi nhận những ý kiến chia sẻ, đóng góp tại hội, đồng thời ông Lam cũng hứa sẽ làm việc với Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan xem xét bổ sung, sửa đổi Nghị định 163 của Chính phủ để hạn chế tình trạng gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng cũng như Quản lý thị trường có chế tài cụ thể trong việc xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón.  

Quang Minh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top