Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 3 năm 2022 | 10:30

Thu nhập rủng rỉnh từ nuôi cá trê vàng

Những năm gần đây, nhiều người ở huyện Đức Huệ (Long An) biết tới anh Lê Văn Thông, kỹ sư trẻ rời phố về quê khởi nghiệp thành công và giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập rủng rỉnh bằng nghề nuôi cá trê vàng.

Hiện, Thông đang cùng với bà con xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký sản phẩm OCOP cho cá trê vàng Mỹ Thạnh Tây nhằm nâng cao giá trị cho con cá.

Khởi nghiệp từ cá trê vàng

Năm 2019, nhận thấy nghề nuôi ương cá trê vàng có nhiều tiềm năng để phát triển, chàng kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Thông đang công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An xin nghỉ việc, về quê nhà ở xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ khởi nghiệp.

Tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng ở quê mình, Thông thấy có thể nuôi được cá trê vàng và thành phẩm cũng dễ dàng tiêu thụ, nhưng ít người nuôi một phần vì khó mua con giống. Ban đầu, anh đầu tư một ao nhỏ vài trăm mét vuông, ương cá giống từ trứng cá tự nhiên. Khác hẳn với một số cơ sở ương cá giống là chọn mua cá trê vàng bố mẹ thuần chủng về cho sinh sản, anh  lấy chính con cá trê vàng sống ở kênh, rạch Mỹ Thạnh Tây để chọn lọc giống.

 

lê-văn-thông-kỹ-sư-trẻ-về-quê-khởi-nghiệp-thành-công-bằng-nghề-nuôi-cá-trê-vàng.jpg
Lê Văn Thông, kỹ sư trẻ về quê khởi nghiệp thành công bằng nghề nuôi cá trê vàng.

 

Cá giống có nguồn gốc từ cá trê vàng bố mẹ tự nhiên, cộng thêm cho ăn thức ăn sạch cho ra cá thành phẩm có chất lượng vượt trội, không khác gì cá đồng.

Những ngày đầu gặp không ít khó khăn vì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng nhờ nắm chắc kỹ thuật và am hiểu đồng ruộng quê mình nên Thông đã thành công ngay lứa cá giống đầu tiên, thu lợi hơn 100 triệu đồng.

Thông chia sẻ: “Cá giống bố mẹ tôi thu gom từ người dân đặt lợp, gom lại và nuôi lên cho sinh sản. Cá tự nhiên đã già sẵn nên mình đem vào chỉ cần dưỡng rồi lấy trứng. Nếu là cá người ta thuần sẵn thì đã lai thành F1, F2 nên tôi không chọn cách đó. Tôi nhân giống từ cá tự nhiên nên cá giống vẫn là F0”.

Kết quả bước đầu là động lực để Thông mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi ương cá giống và hướng dẫn bà con địa phương cùng làm. Từ vài ao ương, nuôi chỉ vài trăm mét vuông, đến nay anh đã cùng với bà con mở rộng mô hình nuôi lên hơn 10ha. Để có đầu ra ổn định và thuận tiện giám sát vấn đề kỹ thuật, chất lượng, Thông thành lập Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thạnh Tây với 10 thành viên.

Anh Nguyễn Minh Thanh, thành viên Hợp tác xã, cho biết: “Anh Thông không chỉ  hướng dẫn kỹ thuật mà còn thành lập hợp tác xã, góp vốn với bà con cùng làm. Nhờ đó chúng tôi có điểm tựa để vững tâm đầu tư sản xuất, cuộc sống cũng dần khấm khá hơn trước”.

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký sản phẩm OCOP

Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thạnh Tây được thành lập đã mở ra nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống của nông dân vùng biên giới huyện Đức Huệ. Với hình thức bà con góp đất, góp công, anh Thông hướng dẫn kiến thức, quy trình và tìm đầu ra, sản phẩm cá giống, cá trê vàng thành phẩm đã có mặt ở thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, miền Trung và xuất sang Campuchia.

Hiện, cá giống thương lái mua tại ao là 80.000 đồng/kg (100 con/kg), cá trê vàng thịt  45.000 đồng/kg, giá thành khá cao nên nông dân phấn khởi. Riêng vụ thu hoạch dịp Tết vừa qua, có gia đình xã viên lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Anh Huỳnh Thanh Lời, xã viên hợp tác xã, cho biết: “Ban đầu làm cũng hơi lo. Anh Thông hỗ trợ toàn bộ xã viên về giống, vốn và công nghệ kỹ thuật. Những đợt qua thu hoạch có đầu ra ổn định, trung bình mỗi hộ có thu nhập 50 - 200 triệu đồng”.

Với diện tích, quy mô như hiện nay, mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường 6 - 7 tấn cá giống và khoảng 100 tấn cá trê vàng thịt. Anh Thông đang cùng với bà con xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký sản phẩm OCOP cho cá trê vàng Mỹ Thạnh Tây nhằm nâng cao giá trị cho con cá.

Ông Bùi Văn Tín, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Huệ, cho biết, anh Thông đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động nông nhàn, đồng thời giúp xã viên làm giàu từ  cá trê vàng. “Hộ nuôi  khoảng 1.000m2 thì mỗi đợt  cũng lãi 100 triệu đồng. Đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Do đó, các thành viên tham gia hợp tác xã rất phấn khởi khi tham gia vào mô hình ương và nuôi thương phẩm giống cá trê vàng”.

Nuôi cá trê vàng cho thu nhập rủng rỉnh, nhờ đó cuộc sống không chỉ của gia đình kỹ sư trẻ Lê Văn Thông khởi sắc mà nhiều bà con nông dân địa phương cũng thoát cảnh khó khăn, trở nên khấm khá. Thành công từ khởi nghiệp của chàng kỹ sư đã động viên bà con vùng biên giới mạnh dạn đầu tư làm ăn, ổn định cuộc sống.

Nguyễn Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top