Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 7 năm 2016 | 1:58

Thụ tinh nhân tạo để bảo tồn, phục tráng giống gà Đông Tảo

Việc thụ tinh nhân tạo đối với gà Đông Tảo là kỹ thuật mới song bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần bảo tồn, phục tráng giống gà quý này.

Anh Nguyễn Tiến Thắng kiểm tra trứng trong máy ấp trứng.

Tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật 

Là người tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, anh Nguyễn Tiến Thắng ở thôn Ninh Vũ, xã Bình Kiều (Khoái Châu - Hưng Yên) thu lãi 600-700 triệu đồng nhờ lai tạo thành công giống gà Đông Tảo. 

Đứng trước gia trại chăn nuôi được thiết kế hiện đại của mình, Thắng nhớ lại: “Những ngày đầu mới tìm hiểu kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà, tôi bị gia đình phản đối gay gắt. Năm 2014, tôi thuyết phục gia đình đồng ý cho vay vốn ngân hàng để đầu tư ứng dụng nhân giống gà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau hơn 1 năm, tôi đã thu hồi đủ vốn và có lãi. Thấy nuôi gà Đông Tảo mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2015, tôi đầu tư xây chuồng khép kín, có lắp đặt hệ thống quạt thông gió, nước làm mát, máy ấp trứng, máy phát điện, hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi và mua hơn 2.000 con gà giống về nuôi. Sau khi chọn lọc những con giống tốt để làm gà bố, mẹ, tôi ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và cho ấp nở bằng máy. Từ đầu năm đến nay, trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng; dự kiến hết năm nay đàn gà cho thu lãi không dưới 700 triệu đồng”. 

Theo anh Thắng, gà Đông Tảo có đặc điểm thể trọng lớn, thông thường 4 - 5kg/con, chân to, chậm chạp. Nếu để gà sinh sản tự nhiên, tỷ lệ trứng có phôi chỉ đạt 70 - 75%, tỷ lệ gà nở so với số trứng cho ấp đạt 50-55%. Áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ trứng có phôi đạt 95-97%, tỷ lệ gà nở so với số trứng cho ấp đạt 75 - 80%. Gà con nở ra sinh trưởng, phát triển tốt, bảo tồn được nhiều đặc điểm quý hiếm như: chân to, mã đẹp, thể trọng lớn, chi phí đầu vào thấp hơn 20-25% so với nhân giống tự nhiên nên mang lại lợi nhuận cao. Cơ cấu nuôi trống/mái trong đàn gà sinh sản bằng thụ tinh nhân tạo là 1/12-1/15 con (phối giống tự nhiên là 1/6-1/7 con). Trong quá trình nuôi, phải chú ý bảo đảm vắcxin phòng bệnh cho gà định kỳ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; vệ sinh máng ăn, dụng cụ chứa nước uống cho gà, vệ sinh 2 nền chuồng hàng ngày; tiêu độc khử trùng toàn bộ trại nuôi bằng vôi bột định kỳ một tuần/lần, hạn chế người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi. Khi ra vào khu vực chăn nuôi phải mang đầy đủ bảo hộ lao động.

Nhân rộng mô hình

Tính đến cuối năm 2015, gia trại chăn nuôi gà Đông Tảo của Nguyễn Tiến Thắng được đánh giá là mô hình “khởi xướng”, ứng dụng kỹ thuật mới, quy mô chăn nuôi  hiện đại đầu tiên của tỉnh Hưng Yên.

Ông Nguyễn Trường Long, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên), cho biết: Cuối năm 2015, Sở đã triển khai mô hình thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo tại 3 hộ chăn nuôi ở xã Đông Tảo (Khoái Châu). Kết quả cho thấy, nhân giống gà Đông Tảo bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo dễ áp dụng, tỷ lệ trứng có phôi, tỷ lệ ấp nở cao hơn so với gà sinh sản tự nhiên, chất lượng con giống tốt, gà con nở ra vẫn giữ được nguồn gen của gà bố, mẹ. Mặt khác, do số gà trống để lấy tinh cần sử dụng ít hơn nên tiết kiệm được chi phí thức ăn. Đây là kỹ thuật mới, có tiềm năng để ứng dụng rộng rãi trong việc bảo tồn, phục tráng giống gà Đông Tảo theo định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên hiện nay và những năm tiếp theo. Thời gian tới, Sở dự kiến phối hợp với các viện nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi để xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo trên địa bàn để phổ biến, ứng dụng rộng rãi.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y  Hưng Yên, gà Đông Tảo có khả năng sinh sản tự nhiên thấp, sức đề kháng với thời tiết, dịch bệnh không cao. Nhân giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu làm tốt việc chọn giống và chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh và nắm vững kỹ thuật. Do đó, người chăn nuôi cần phải chọn lọc giống sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình chăn nuôi, chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; thường xuyên chú ý phòng bệnh, vệ sinh thú y. 

 Anh Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo huyện Khoái Châu, cho biết: “Những năm gần đây, chăn nuôi gà Đông Tảo ngày càng phát triển. Tuy nhiên, chăn nuôi gà Đông Tảo trên địa bàn huyện Khoái Châu hiện gặp nhiều khó khăn như: Số lượng gà Đông Tảo thuần chủng không còn nhiều; chất lượng con giống gà thuần chủng bị suy giảm bởi hiện tượng cận huyết ngày càng tăng; giống gà Đông Tảo đang dần bị thoái hóa, các đặc tính vốn có của giống đang dần mất đi. Trong khi người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và gìn giữ nguồn gen quý hiếm, mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo của anh Nguyễn Tiến Thắng là điểm sáng để hội viên, nông dân trong và ngoài tỉnh đến học tập, ứng dụng. Chúng tôi mong được ngành chuyên môn tiếp tục tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hy vọng rằng, mô hình ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Đông Tảo của  anh Nguyễn Tiến Thắng sẽ là tiền đề để ngành chuyên môn nghiên cứu, đánh giá cụ thể  ưu điểm, hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, từ đó tham mưu với tỉnh hỗ trợ triển khai ứng dụng rộng rãi để bảo tồn, phục tráng giống gà quý, đồng thời tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

 Đức Toản

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top