Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 31 tháng 10 năm 2020 | 1:12

Thường Tín (Hà Nội): "Ràng buộc nào" khiến vi phạm hành lang thoát lũ chưa bị xử lý?

Nhiều công trình trái phép ngang nhiên “mọc lên” ngay trên hành lang thoát lũ như thách thức dư luận. Người dân xã Hồng Vân (Thường Tín - Hà Nội) bức xúc phản ánh nhiều lần nhưng dường như vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ ngành chức năng!?

 “Trên bảo liệu dưới không nghe”
 
Tại khu vực bãi sông K90+000 hữu Hồng, đoạn qua địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội), xuất hiện tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn thoát lũ làm điểm tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông và hàng trăm m2 nhà xưởng được tạo dựng kiên cố bằng bê tông, cốt thép.
 
Tiếp nhận những thông tin nêu trên, Kinhtenongthon.vn đã cử phóng viên tiếp cận vị trí được phản ánh và ghi nhận thực trạng. Qua quan sát, trong phạm vi mốc chỉ giới theo quy định là hành lang thoát lũ, xuất hiện ít nhất là hai công trình mới được xây dựng.
 
Được biết, chủ của hai công trình này là bà Nguyễn Thị Thơm và ông Chu Đức Thực (cùng tại thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân); các công trình này nằm cách chân đê từ 40 đến 90 m, bên cạnh là điểm tập kết vật liệu xây dựng, khai thác cát có dấu hiệu khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vi phạm hành lang thoát lũ.
thuog1.jpg
Công trình của gia đình ông Chu Đức Thực vẫn chưa được phá dỡ phần vi phạm (Ảnh: An Luých)
Theo Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội), ông Chu Đức Thực và bà Nguyễn Thị Thơm đã có hành vi xây dựng công trình ở bãi sông trái với quy định tại Điều 26 Luật Đê điều, đồng thời vi phạm Luật Đất đai. Cơ quan này đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thường Tín xử lý đối với những hành vi trên.
 
Mặc dù cơ quan chức năng đã có đề nghị xử lý đối với những hành vi nêu trên, nhưng dường như những công trình vi phạm này vẫn tồn tại và hoạt động như đang thách thức dư luận.
 
Hoạt động "vô phép vô tắc" nhiều năm?
 
Cũng nằm trên địa bàn xã Hồng Vân nhưng lại tồn tại quá nhiều những bất cập gây bức xúc cho người dân, bà con chỉ còn cách tìm đến cơ quan báo chí để phản ánh. Đơn cử như phản ánh của anh K., người dân sinh sống trên địa bàn xã Hồng Vân, về tình trạng hoạt động của một trạm trộn bê tông của Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Sơn.
 
Ngoài ra, anh K. cho biết thêm, trên địa bàn cũng đang tồn tại một khu sản xuất gạch không nung trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp. Tất cả các hoạt động của những công trình nêu trên “vô hình chung” đã khiến cho đường giao thông trên tuyến đê bị ảnh hưởng, gây bức xúc cho người tham gia giao thông khi gặp cảnh “ùn ùn” những đoàn xe tải trọng lớn vận chuyển bê tông tươi và vận chuyển vật liệu gạch, cát, sỏi tới các điểm tập kết xây dựng khác.
thuog2.png
Khu vực tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông của Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Sơn (Ảnh: An Luých)
Có thể thấy, vị trí mốc giới và hành lang đê điều an toàn thoát lũ đã được quy định rất rõ; những tồn tại nêu trên cũng đã được cơ quan chức năng đề nghị xử lý, nhưng một nghịch lý có thể nhận ra là tại sao lực lượng chức năng huyện Thường Tín lại không kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật?
 
Dư luận nghi vấn, phải chăng có tín hiệu “đèn xanh” của người được giao quản lý địa bàn nên những tồn tại nêu trên mới “thản nhiên” hoạt động một cách công khai đến vậy?
 
Được biết, liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân đã có những phát ngôn trên báo chí: Hành vi của ông Chu Đức Thực và Nguyễn Thị Thơm, UBND xã đều đã lập biên bản vi phạm hành chính, đây hành vi lấn đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa tại khu vực nông thôn và yêu cầu phá dỡ phần vi phạm.
 
Đặc biệt, UBND xã yêu cầu gia đình ông Thực phá bỏ diện tích nền đất nông nghiệp đã đổ bê tông và giải tỏa vật liệu đã tập kết trái phép ra khỏi vị trí vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi ông Thực có hành vị vi phạm. Ngoài phần vi phạm này, ông Thực còn xây dựng nhà xưởng vượt diện tích được Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão chấp thuận (Chi cục chấp thuận cho xây dựng 249m2 nhưng ông Thực đã xây tới 500m2 (!).
 
Về việc xử lý diện tích nhà xưởng vi phạm, ông Ngần cho hay: Hôm làm việc với Hạt đê điều, đã đề nghị hướng dẫn người dân làm thủ tục xin cấp bổ sung.
 
Theo ông Ngần, giờ dỡ hơn 200m2 nhà xưởng đó lớn lắm, xã không thực hiện nổi. Xã đã không triệt để ngay từ đầu, nhưng cũng chia sẻ thêm: Ông ấy (ông Thực- PV) tuy không phải là người địa phương nhưng ở đây mấy chục năm rồi thì cũng là người địa phương nên cũng tạo điều kiện thôi, còn các ông ở nơi khác đến thì làm gì có chuyện vượt phép mà làm được.
 
Như những gì ông Ngần thông tin và được đăng tải trên báo chí có thể thấy, trách nhiệm xử lý của lãnh đạo xã Hồng Vân đối với vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai còn rất hời hợt, dẫn đến sai phạm có được xử lý nhưng chưa triệt để. Đây cũng là thực trạng đã Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chỉ ra tại Báo cáo số 322/BC-SNN ngày 14/8/2020: Tình trạng kết quả xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực đê điều còn hạn chế bởi các địa phương để xảy ra sai phạm mới chỉ dừng ở mức độ đôn đốc, chỉ đạo.
 
Tại khoản 8, mục I, chương 2 của Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa nêu rõ:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

A) Dựng nhà, làm nhà nổi, xây dựng công trình khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

b) Xây dựng công trình trong phạm vi luồng không đúng quy định theo giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top