Được cấp phép cho hoạt động bến bãi, thế nhưng, một phần đất hành lang ngoài đê sông Kinh Thầy (thuộc thôn Cậy Sơn, xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) lại “mọc” nhiều công trình xây dựng kiên cố.
“Dinh thự” trên hành lang thoát lũ
Đê tả sông Kinh Thầy nằm xen kẽ với các khu vực đồi núi trên địa bàn xã Hoành Sơn, được phân cấp là tuyến đê cấp 5, do địa phương quản lý (dài 8km).
Theo phản ánh của người dân, 5 năm gần đây, phần đất bãi bồi ngoài hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy đoạn qua địa phận thôn Cậy Sơn trở thành vị trí đắc địa cho một quần thể công trình kiến trúc nhà ở và nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng kiên cố.
Có mặt tại khu nhà ở mà người dân địa phương gọi là “dinh thự”, theo ghi nhận của phóng viên, một quần thể liên tiếp của 3 dãy nhà xây dựng theo kiểu nhà mái kiên cố, lợp ngói đỏ. Mặt trước căn nhà hướng ra sông Kinh Thầy, lối đi lại được mở từ mặt đê cùng diện tích sân vườn rộng tới hàng trăm mét vuông đều được bê tông hóa. Xung quanh “dinh thự” là vườn cây ăn quả, cây cảnh và hệ thống tường bao chắc chắn được xây bằng gạch.
Một người dân sống tại xã Hoành Sơn cho biết, khu “dinh thự” này vừa là nhà ở, vừa là trụ sở của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Sơn Nga. Liền kề khu nhà ở là khu nhà xưởng dùng để sản xuất hương, vàng mã rộng hàng nghìn mét vuông được xây bổ cột và khu chăn nuôi được xây dựng từ gạch ba - vanh, tất cả đều được lợp bằng mái tôn khá chắc chắn.
Điều đặc biệt, dãy công trình này nằm cách UBND xã Hoành Sơn chỉ chừng 500m về phía khu vực sông Kinh Thầy, khiến dư luận địa phương bức xúc và nghi ngờ có sự bao che, tiếp tay cho sai phạm?
Vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều
Ông Trần Đức Diệu, Phó chủ tịch UBND xã Hoành Sơn, cho biết, khu vực đất nói trên là đất công điền được UBND xã cho các hộ dân đấu thầu để sản xuất nông nghiệp. Thực tế, các hộ dân đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá và dựng nhà cấp 4 để trông coi từ trước năm 2010.
Năm 2011, bà Quách Thị Đượng, trú tại xã Lạc Long (huyện Kinh Môn), xin lập dự án đầu tư xây dựng bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng lại toàn bộ công trình nhà, chuồng trại và cây cối hoa màu trên phần đất bãi sông.
Ngày 3/9/2011, UBND huyện Kinh Môn có Quyết định 341/QĐ- UBND chuyển mục đích sử dụng đất và cho gia đình bà Đượng thuê để đầu tư xây dựng bến, bãi kinh doanh nguyên, vật liệu xây dựng.
Ngày 13/12/2011, UBND huyện Kinh Môn có Quyết định số 521/QĐ- UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi chuyển mục đích sử dụng đất và cho hộ bà Đượng thuê đất để xây dựng bến, bãi kinh doanh nguyên, vật liệu xây dựng.
Ngày 22/2/2011, UBND huyện Kinh Môn có quyết định phê duyệt đơn giá cho thuê đất đối với hộ bà Đượng.
Ngày 26/2/2011, UBND huyện Kinh Môn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn trên đất cho gia đình bà Đượng với thời hạn 25 năm (diện tích 11.248m2).
Ngày 11/4/2012, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định 830/QĐ- UBND cho phép bà Đượng xây dựng các hạng mục công trình liên quan đến đê điều, dự án đầu tư xây dựng bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại bãi ngoài đê tả sông Kinh Thầy.
Theo đó, các hạng mục được xây dựng gồm nhà điều hành 90m2, nhà bảo vệ 16m2, nhà ở công nhân 51m2. Tất cả các nhà trên chỉ được làm tạm thời trong mùa khô theo kiểu nhà tạm, dựng cột, mái tôn, xung quanh bưng tôn, tấm ván ghép và phải tháo dỡ trong mùa mưa lũ hàng năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Báo cáo số 73/BC - UBND ngày 26/6/2018, UBND huyện Kinh Môn đã chỉ rõ: Sau khi xong thủ tục dự án, ngày 1/9/2012, bà Đượng có Hợp đồng 06/HĐKT cho Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Sơn Nga thuê 6.499m2 trong tổng số 11.248m2 được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hoạt động bến bãi.
Việc bà Đượng cho Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Sơn Nga thuê để làm văn phòng làm việc, bến bãi kinh doanh nguyên, nhiên vật liệu xây dựng với thời hạn từ ngày 1/9/2012 đến 1/9/2036 là sai, không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng thẩm quyền.
Dự án đầu tư xây dựng bến bãi của bà Đượng đã được UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định cho phép hoạt động, tuy nhiên, thời hạn đến 31/12/2013 đã hết, bà Đượng không làm thủ tục xin gia hạn thời hạn cho phép mà vẫn hoạt động.
Việc cho Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Sơn Nga thuê lại đất để hoạt động sản xuất kinh doanh bến bãi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng là chưa đúng quy định của pháp luật, hoạt động sản xuất hương chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
UBND huyện Kinh Môn yêu cầu bà Đượng giải tỏa ngay các công trình xây dựng vi phạm trên bãi sông và trong hành lang bảo vệ đê, dừng mọi hoạt động bến bãi, sản xuất trên bãi sông.
Di chuyển toàn bộ thiết bị máy móc, nhà xưởng và các vật cản lũ khác trên sông.
Thanh lý hợp đồng số 06/HĐKT về việc cho Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Sơn Nga thuê 6.499m2 đất.
Mùa mưa bão đã đến, rất mong ngành chức năng tỉnh Hải Dương, huyện Kinh Môn sớm chỉ đạo xử lý nghiêm công trình vi phạm hành lang an toàn đê điều.
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự việc trên.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.