Tiên Phước là huyện miền núi thấp, tổng diện tích tự nhiên 45.440ha, trong đó có trên 7.000ha đất có khả năng đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT). Người dân có truyền thống kinh nghiệm làm vườn từ lâu đời với nhiều loại cây như: tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt, dó bầu, chuối, cau, quế,... Đây chính là lý do Tiên Phước được UBND tỉnh Quảng Nam chọn là huyện điểm phát triển KTV-KTTT.
Những khu vườn ở Tiên Phước được quy hoạch gọn gàng.
Miệt vườn xanh
Để hiện thực hóa mục tiêu này, năm 2012, UBND huyện tham mưu cho HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 18/2012/NQ- HĐND ngày 04/5/2012 về phê duyệt một số biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTV-KTTT và Nghị quyết số 19/2012/NQ-HĐND về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2016. Chủ trương này còn nhận được sự trợ lực kịp thời của UBND tỉnh Quảng Nam. Chính các chủ trương, chính sách này đã trở thành động lực giúp người dân Tiên Phước mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, cải tạo diện tích vườn tạp.
Sau 4 năm thực hiện các cơ chế hỗ trợ, đến nay, diện tích trồng mới cây tiêu trên địa bàn huyện là 35ha, đạt 87,5% kế hoạch, nâng diện tích tiêu hiện có lên 75ha. Diện tích thanh trà đạt 180ha (trong đó có 52ha trồng mới); măng cụt đạt 58ha (20ha trồng mới); lòn bon 292ha (40ha trồng mới). Giá trị sản lượng hàng hóa KTV tăng từ 60 tỷ đồng (năm 2012) lên 125 tỷ đồng (năm 2015), chiếm 20% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp của huyện.
Ngoài việc trồng mới và chăm sóc các loại cây trồng có giá trị kinh tế, nhân dân còn chỉnh trang 50 mô hình vườn nhà xanh - sạch - đẹp - hiệu quả bằng nhiều hạng mục, như: xây dựng cổng ngõ, hàng rào cây xanh, tu sửa hệ thống tưới nước, di dời chuồng gia súc, gia cầm; làm lại bậc đá, bờ đá, trồng hoa, cây cảnh, ao cá, hồ cảnh quan…từng bước phát huy hiệu quả kinh tế gắn kết với phục vụ phát triển du lịch sinh thái làng quê.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình phát triển KTV-KTTT, ông Lê Trí Hiệu, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, chương trình đã tạo diện mạo mới cho nhiều địa phương, góp phần tăng diện tích vườn từ 3.214ha năm 2012 lên 3.620ha năm 2015, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi cũng tăng từ 124,4 tỉ đồng (năm 2011) lên 200 tỉ đồng (năm 2015), chiếm 40,96% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
“Nhưng cái được lớn nhất của chương trình là đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3-4 lao động/ha vườn, 1-2 lao động mô hình chăn nuôi gia trại, 3-4 lao động/trang trại, trên 5.000 lao động có việc làm thường xuyên. Đồng thời thúc đẩy các ngành khác phát triển theo như thương mại, dịch vụ, nghề truyền thống, khơi dậy hình thành và phát triển du lịch; từng bước chuyển dịch từ nền sản xuất nhỏ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững và an toàn dịch bệnh. Từng bước tạo được môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả, thân thiện, đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du miền núi xứ Quảng”, ông Hiệu nói.
Tiên Phước bây giờ được ví như “thủ phủ” của lòn bon. Với hơn 130 ha cây cho quả, trung bình mỗi mùa toàn huyện có thể thu về gần 300 tấn lòn bon. Ngoài ra, các cây trồng truyền thống của địa phương bước đầu đã được quy hoạch phát triển theo hướng trồng tập trung như: vùng sản xuất thanh trà Tiên Hiệp, Tiên Ngọc; lòn bon ở Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ; vùng trồng tiêu ở Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Sơn; cây nguyên liệu ở Tiên Lãnh - Tiên Ngọc - Tiên Hiệp, Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà,... Một vùng cây trái xanh tươi, bốn mùa sum suê hoa trái đã và đang hình thành, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Mở rộng du lịch sinh thái
Trong năm 2016, Tiên Phước tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTV-KTTT, phấn đấu trồng mới 16ha tiêu, 20ha thanh trà, 20ha lòn bon, 10ha măng cụt. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban điều hành phát triển KTV-KTTT, chăn nuôi các xã, thị trấn. Đặc biệt, phát huy tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được về phát triển KTV-KTTT, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Tiên Phước đã xây dựng “Đề án phát triển KTV-KTTT gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016-2020“, theo đó huyện tiếp tục quy hoạch chi tiết, phân vùng sản xuất để đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác toàn diện kinh tế vườn, nâng cao giá trị. Cải tạo, nâng cao chất lượng và liên kết vườn, liên kết trang trại để hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả đặc sản sạch, có sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng.
Để thực hiện được mục tiêu này, HĐND huyện cũng đã ban hành Nghị quyết quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vườn Tiên Phước, từng bước đầu tư tôn tạo, chỉnh trang vườn nhà xanh, sạch, đẹp để phát triển du lịch sinh thái làng quê, ưu tiên phát triển ở các xã Tiên Cảnh, Tiên Sơn…
Với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, cùng cơ chế hỗ trợ kịp thời của huyện và tỉnh, chắc chắn trong tương lai không xa, Tiên Phước sẽ trở thành một miền quê trù phú, giàu đẹp, thu hút nhiều bước chân du khách.
Ngọc Lan
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.