Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra một kho hàng trên địa bàn quận Tân Phú phát hiện gần 1 triệu chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc.
Theo đó, khi lực lượng chức năng kiểm tra một kho hàng tại số 4 đường Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú do ông Nguyễn Bá Phước là người thuê kho đang chứa 973.950 chiếc khẩu trang.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Phước không xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa và toàn bộ số hàng hóa là khẩu trang không có nhãn hàng hóa. Ngay sau đó, số khẩu trang trên đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định.
Phú Yên: Phát hiện 79.250 chiếc khẩu trang không đủ điều kiện lưu hành
Mới đây, Cục QLTT Phú Yên nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Cục đã thẩm tra, xác minh thông tin và tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành BCĐ 389 tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang y tế tại thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, (Phú Yên). Cơ sở này thuộc Công ty TNHH Dược Tâm Hưng có trụ sở tại 105 Nguyễn Thái Học, phường 5, thành phố Tuy Hòa do ông Đỗ Tấn Lợi làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện gần 79.250 chiếc khẩu trang y tế thành phẩm, được đựng trong các thùng giấy có ghi nhãn hiệu của Công ty TNHH Dược Tâm Hưng chuẩn bị mang đi tiêu thụ khi cơ sở này chưa đủ điều kiện sản xuất và lưu hành. Ngoài ra, còn phát hiện 1.623 kg nguyên liệu sản xuất làm khẩu trang y tế là vải không dệt và dây thun… không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Ông Đỗ Tấn Lợi, Giám đốc công ty TNHH Dược Tâm Hưng thừa nhận sản xuất khẩu trang từ giữa tháng 10/2019 đến nay. Khoảng 30 thùng (mỗi thùng 250 chiếc) đã được bán ra thị trường với giá 500 đồng/chiếc. Khẩu trang này được phân phối ở các cửa hàng thuốc tây của tỉnh Phú Yên.
Hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số khẩu trang thành phẩm cùng số nguyên phụ liệu, niêm phong nhà xưởng, các máy móc thiết bị liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Quảng Ngãi: Phát hiện nhiều cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp sai quy định
Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ngãi cho biết, vừa qua đoàn thanh tra đã thanh tra được 41/41 tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Đoàn đã thanh tra về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, thuốc BVTV cấm, ngoài danh mục… và tiến hành lấy 09 mẫu phân bón và 08 mẫu giống lúa để gửi cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng.
Kết quả phân tích mẫu giống lúa, có 03 mẫu không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, giống lúa Khang dân 18 của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Quảng Nam, có 300kg do đại lý Nguyễn Duy Ân ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa bày bán không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đại lý này bị xử phạt 7,8 triệu đồng.
Giống lúa Vật tư - NA2 của Tổng Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An có 600kg do đại lý Nguyễn Thị Đức ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành bày bán, không đảm bảo chất lượng bị xử phạt 27,6 triệu đồng.
Giống lúa ĐH815-6 của chính Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi do đại lý Trần Ngọc Liêm ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức bày bán với ố lượng 500kg không đạt chất lượng cũng bị xử phạt 8,35 triệu đồng.
Một mẫu phân bón có hàm lượng P2O5 = 8,32% và K2O = 7,02% nhỏ hơn 70% so với hàm lượng ghi trên nhàn hàng hóa là phân bón giả.
Sau khi phát hiện sai phạm Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 07 trường hợp với số tiền 89 triệu đồng.
Đối với các giống lúa không đảm bảo chất lượng, buộc các Công ty thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế. Đối với thuốc BVTV hết hạn sử dụng cơ sở kinh doanh trả lại cho nhà sản xuất để tái chế theo qui định.
Đối với các Công ty có hàng hóa lưu thông trên thị trường bị phát hiện không đảm bảo chất lượng và hàng giả có trụ sở đóng bên ngoài Quảng Ngãi, các cơ quan chức năng tỉnh này sẽ có văn bản thông báo cho Chi cục Trồng trọt và BVTV các tiến hành kiểm tra nơi sản xuất để xử lý theo quy định.
Công ty địa ốc Alibaba lừa bán dự án ma, khởi tố thêm 14 bị can
Ngày 5/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã thi hành lệnh khởi tố 14 bị can liên quan vụ Công ty địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án ma. Trong đó bắt tạm giam 13 người, một người được tại ngoại.
13 người bị bắt tạm giam gồm: Trang Chí Linh (tổng giám đốc pháp lý Công ty Alibaba), Nguyễn Trung Trường (giám đốc Công ty địa ốc Long Thành Capital), Nguyễn Thị Vân Anh (giám đốc Công ty địa ốc Chiến Thắng), Bùi Minh Đức (giám đốc Công ty địa ốc TLL Land), Vũ Hoàng Hải (giám đốc Công ty địa ốc Big Bang).
Trương Thị Hồng Ngọc (giám đốc Công ty địa ốc Tia Chớp), Vi Thị Hiến (giám đốc Công ty địa ốc Sunny Land), Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba), Nguyễn Văn Kiên (giám đốc Công ty địa ốc Sparta Land).
Nguyễn Quang Sơn (giám đốc Công ty địa ốc Ali Land), Nguyễn Trần Phúc Nguyên (đại diện pháp luật Công ty địa ốc Ali Land), Trần Huy Phúc (giám đốc Công ty địa ốc Chiến Binh Thép),Trịnh Minh Pháp (giám đốc Công ty địa ốc Chiến Thắng).
Cả 13 bị can bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đều bị tạm giam 4 tháng.Bị can Võ Thị Thanh Mai được tại ngoại.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thi hành lệnh khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với Võ Thị Thanh Mai (vợ của Nguyễn Thái Luyện, giám đốc Công ty Alibaba Law Firm).
Công ty Alibaba được thành lập năm 2016, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, kinh doanh bất động sản. Trong đó, Nguyễn Thái Luyện là Chủ tịch HĐQT góp vốn khoảng 80%, hai cổ đông là Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (ba anh em ruột).
Ngày 18/9/2019, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, tổng giám đốc Công ty Alibaba).
Ngày 24/9/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra xác định Luyện chủ mưu, cầm đầu vụ án khi chỉ đạo và cùng Lĩnh thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên, quy mô hơn 2.600 nhân viên.
Từ đó thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600ha, giao cho các cá nhân (là người thân) đứng tên, tự vẽ ra hơn 40 dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.
Tuy nhiên, nhóm này quảng cáo là đất nền dự án để bán cho khách hàng. Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỉ đồng.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.