Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 10 năm 2020 | 23:40

Tình trạng nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn tiếp diễn phức tạp

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bỗng nhiên biến thành điểm xây dựng nhà xưởng, tập kết trái phép nhưng không hề bị cơ quan chức năng địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý the quy định pháp luật. Phải trăng đã có sự “móc ngoặc”?

Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng ở nhiều địa phương đã thực sự vào cuộc xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương khác vẫn đang thờ ơ trước thực trạng nêu trên; hàng nghìn m2 đất nông nghiệp vẫn tiếp tục bị hô biến thành hàng loạt nhà xưởng với quy mô lớn, gây thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến vấn đề pháp triển của ngành nông nghiệp. Qua đó có thể thấy những gì người dân phản ánh về sự buông lỏng, thậm trí bao che cho sai phạm ở các địa phương là hoàn toàn có cơ sở…
images1634898_cuong_che_hinh_14_10.jpg
Lực lượng chức năng cưỡng chế 2 căn nhà tại chân đồi 3, KP 1, phường 11, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: SƠN KHÊ)
Đơn cử như vụ việc mới đây nhất, ngày 14/10, UBND phường 11 phối hợp với các lực lượng chức năng TP.Vũng Tàu tiến hành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đất dự án đã có quyết định thu hồi.
 
Có thể nói, đây là một động thái quyết liệt đã được ngành chức năng địa phương quan tâm vào cuộc xử lý nghiêm những công trình xây dựng trái phép. Cụ thể là 3 căn nhà cấp 4 của các ông, bà: Vũ Thị Dương, có diện tích 87,75m2, thuộc thửa đất 190, tờ bản đồ số 47, tọa lạc tại đường Đô Lương; Nguyễn Chí Thi, có diện tích 85m2 và Nguyễn Thị Thủy có diện tích 81,5m2, cùng thuộc thửa đất số 9, tờ bản đồ 79 ở khu phố 1, phường 11.
 
Trước đó, mặc dù cơ quan chức năng phường 11 nhiều lần vận động các trường hợp trên tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng không thực hiện nên buộc phải tiến hành cưỡng chế.  
Trái ngược với sự quyết liệt trong xử lý sai phạm trên đất nông nghiệp
 
“Những sự việc ở xã Thanh Cao bé tí sao anh em nhà báo băn khoăn thế nhỉ”? đây là những thông tin được ông Vũ Xuân Lộc, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị huyện Thanh Oai, Hà Nội trả lời báo chí mới đây khi nhận đươc thông tin phản ảnh liên quan tới tình trạng nhà ở, nhà xưởng xây dựng trái phép, rầm rộ trên đất công, đất nông nghiệp kéo dài nhiều năm và vẫn đang tiếp diễn. Qua đó có thể thấy được sự thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn cho nên vị cán bộ nêu trên mới bình luận “chỉ là chuyện nhỏ!”.
 
Cụ thể, hoạt động xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhà ở kiên cố trái phép tại xã Thanh Cao và Cự Khê, huyện Thanh Oai (thành phố Hà Nội) diễn ra công khai, rầm rộ. Tại các khu vực Hồ Tiền, xóm Trại (thôn Thượng Thanh), xóm Lẻ (thôn Cao Mật), từ trạm bơm Thanh Thần đến chân đê… hiện có hàng trăm hộ dân xây nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp mà xóm và xã đã bán trái phép. Khu ngoài đê sông Đáy, hàng chục nhà xưởng quy mô lớn, rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng trái phép.
 
Được biết, vào tháng 9/2020 cho thấy, bên cạnh hàng loạt nhà xưởng cũ có diện tích lớn (từ 1.000 đến 3.000 m2) vẫn hoạt động rầm rộ, một số nhà xưởng đang tiếp tục được xây dựng mới. Nổi bật là nhà xưởng của Cty TNHH thiết bị điện Mahatachi, xưởng nhuộm, hấp vải, xưởng sản xuất nến, đồ gỗ, xưởng chứa phế thải nhựa…
 
Quá trình đi thực tế tại đây, chúng tôi nhận thấy rất nhiều rác thải là vải vụn, cao su xốp, nhựa… được chất đống lớn, đống bé làm chất đốt. Hằng ngày, những luồng khói đen xì, mùi khét lẹt từ xưởng hấp, giặt tẩy quần áo bốc lên theo gió bay vào trong thôn Cao Mật, Thanh Thần khiến người dân liên tục mắc các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở.
tp_anh_3_dxdi.jpg
Nhà xưởng không phép mọc san sát trên đất nông nghiệp phía ngoài đê sông Đáy xã Thanh Cao.
Không chỉ ở xã Thanh Cao, tại xã Cự Khê, dọc đường Miền Đông thôn Thượng, cũng có rất nhiều công trình nhà xưởng được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tại khu vực UBND xã Cự Khê, nhà xưởng trái phép mọc lên vây xung quanh trụ sở xã này. Nhiều dãy nhà xưởng sản xuất đồ gỗ, sắt thép, kho chứa hàng hóa, vật liệu có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn m2.
 
Trả lời báo chí, ông Lê Bá Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Cao xác nhận có tình trạng lấn chiếm đất công, vi phạm trật tự xây dựng ở địa phương, xây nhà xưởng trái phép và cho rằng, đây là vấn đề “tồn tại nhiều năm, của các nhiệm kỳ trước”. Tuy nhiên, những hình ảnh PV ghi nhận được cho thấy, nhiều công trình nhà ở kiên cố và nhà xưởng mới được xây dựng. “Đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước.
 
Đất các hộ xây dựng nhà ở là đất giao trái thẩm quyền. Hiện tại, chúng tôi đã chủ động báo cáo UBND huyện Thanh Oai. Trong quá trình xem xét hồ sơ, vị trí từng thửa đất, nếu khu vực nằm trong quy hoạch đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ làm thủ tục cho người dân? Còn các nhà xưởng khu Bãi thì phải chờ các hộ dân hết hợp đồng vào năm 2022 mới xử lý được”, ông Tuấn nói thêm.
 
Một xưởng đốt than hoạt động trái phép trên 3 ha đất nông nghiệp suốt nhiều năm không bị xử lý

Tình trạng gây ô nhiễm khói, bụi, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
 
Cụ thể, khoảng 5 năm trở lại đây, họ sống khổ sở trong môi trường ô nhiễm nặng bởi khói, bụi phát ra từ hoạt động đốt than của một xưởng than đóng trên địa bàn. Đáng nói, đây là xưởng đốt than trái phép, hoạt động nhiều năm nhưng chính quyền xã, huyện không xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân.
 
Ông Tống Văn Hiếu (ngụ thôn Yên Phú, xã Hà Tiến) cho biết suốt nhiều năm qua, người dân chẳng có ngày nào được sống trong bầu không khí trong lành, tất cả cùng do xưởng đốt than mà ra. "Do xưởng này hoạt động gần khu dân cư, nên cứ hôm nào gặp gió là cả thôn như bị "hun khói". Khổ nhất là những ngày nắng nóng, không khí đã ngột ngạt nhưng bụi từ lò đốt than cứ bay rào rào vào nhà, không tài nào thở được"- ông Hiếu bức xúc.
 
Cũng theo ông Hiếu và nhiều người dân thôn Yên Phú, hoạt động đốt than gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân rất lo lắng cho sức khỏe, công tác phòng chống cháy nổ. "Vào cuối năm 2019, do sự cố sập 2 lò than có công suất lớn khói, bụi đã bao trùm cả một vùng rộng lớn. Trước sự phản ứng gay gắt của người dân trong thôn Yên Phú, chủ cơ sở đã phải "cầu cứu" 2 xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa tới dập lửa, đám cháy mới được khống chế"- ông Hiếu thông tin thêm.
 
Đáng nói, xưởng đốt than trái phép này hoạt động đã 5 năm qua, người dân nhiều lần phản ánh lên xã, lên huyện, thậm chí trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân rất gay gắt về việc này. Đã có nhiều đoàn về kiểm tra, lập biên bản sự việc, nhưng điều khiến người dân khó hiểu là xưởng đốt than này vẫn tồn tại.
 
Được biết, xưởng than trái phép này của 2 cá nhân trên địa bàn xã Hà Tiến xây dựng từ năm 2016, chuyên sản xuất than hoa cung cấp cho thị trường Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Xưởng được xây dựng trên diện tích 3 ha đất nông nghiệp. Xưởng đốt than này chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt bất cứ loại thủ tục nào.
12078135030900411811254561348267182605328003n-16018678668431727680851.jpg
Phía trong xưởng đốt than - Ảnh người dân cung cấp
Ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Hà Tiến, cho báo chí biết, đây là xưởng đốt than được xây dựng trên đất của chủ hộ và đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng sản lượng và doanh số không đáng kể. "Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như họ được UBND huyện cấp phép kinh doanh đấy. Họ (chủ xưởng than) đang khó khăn lắm, do từ đầu năm đến giờ vướng vào dịch Covid-19 nên có làm ăn được gì đâu. Đang nợ nần, anh em có về phản ánh, góp ý thì cũng thông cảm cho họ", ông Được thông tin.
 
Ông Đặng Văn Thiện, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hà Trung, khẳng định cơ sở sản xuất than chưa có bất cứ thủ tục nào liên quan đến thuê đất cũng như đánh giá tác động môi trường và hiện đã chỉ đạo xưởng than này đóng cửa, ngừng hoạt động. "Ngay khi có phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo xã yêu cầu hộ gia đình này ngừng hoạt động, làm các thủ tục thuê đất theo quy định. Khu đất này hiện đã được bổ sung quy hoạch cho xây dựng khu công nghiệp" - ông Thiện thông tin.
 
Ông Thiện cũng cho biết khi có phản ánh của người dân, năm 2018, 2019 phòng cũng đã phối hợp với xã lập biên bản xử lý. Kết quả xử lý và thông tin cụ thể, ông Thiện nói phóng viên liên hệ với xã mới có.
 
 
 
Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top